Trang tin điện tử, mạng xã hội cần phải được quản lý bằng Luật

Chính trị - Ngày đăng : 12:25, 19/02/2016

Việc đưa hay không đưa trang tin điện tử, mạng xã hội vào phạm vi của Luật Báo chí đã trở thành vấn đề "nóng" trong phiên UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Báo cáo Giải trình, tiếp thu của dự án Luật Báo chí diễn ra hôm qua (18/2).

Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến về dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Tại phiên họp diễn ra ngày 18/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi). Vấn đề xem xét đưa trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội vào điều chỉnh tại Luật này là nội dung được nhiều thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

“Vắng bóng” việc quản lý mạng xã hội, trang tin điện tử

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, qua quá trình thảo luận về dự thảo Luật này có ý kiến đề nghị xem xét đưa trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội vào điều chỉnh tại Luật này nhưng cũng có ý kiến đề nghị chỉ nên điều chỉnh các sản phẩm thông tin trên tại văn bản dưới luật. Hiện, hoạt động của trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP.

Trang tin điện tử, mạng xã hội cần phải được quản lý bằng Luật

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi báo cáo tại phiên họp

Với lý do, trang mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường cũng chỉ sử dụng biệt danh, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và truyền thông không cấp phép, cũng không quản lý các trang mạng xã hội này, mà chỉ quản lý đơn vị cung cấp dịch vụ mạng. Còn trang thông tin điện tử tổng hợp không phải do cơ quan, tổ chức sáng tạo nội dung tin, bài, mà lấy thông tin từ các báo, biên tập lại và phát hành trên mạng. Do vậy, dự thảo Luật không điều chỉnh hoạt động của trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội, mà tiếp tục để văn bản về quản lý mạng internet điều chỉnh.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, thông tin trên mạng ngày càng tăng nhưng rất tiếc trong Luật Báo chí sửa đổi, việc kiểm soát thông tin trên mạng rất vắng bóng, không đáp ứng thực tiễn hiện tại ngày càng tăng khi nhiều người lấy thông tin từ trên mạng. Trang thông tin trên mạng có nhiều nguồn. Có thông tin từ nước ngoài đưa vào, và thông tin ở trong nước. Ông Phước nhìn nhận rằng: “Nếu không kiểm soát được trang thông tin điện tử trên mạng thì Luật Báo chí mới quản lý được 40%, còn 60% bỏ ngỏ”.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn: “Trang tin điện tử tổng hợp do cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí cấp phép, lượng truy cập rất lớn, người dân vào đọc nhiều mà lại bỏ ra ngoài luật, không quản lý, vậy thì không biết quản lý thế nào?”.

Còn theo ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện có nhiều ý kiến băn khoăn quy định liên quan các trang thông tin điện tử. Hiện các trang này được Bộ Thông tin – Truyền thông và Sở Thông tin – Truyền thông cấp phép, trong đó Hà Nội và TPHCM cấp phép nhiều nhất, hàng nghìn trang.

“Các trang này không phải báo chí nhưng tính chất rất báo chí và bình đẳng nhau trên môi trường mạng. Nếu không đưa vào Luật thì Nghị định 72 và Nghị định 74 cần có tích hợp quản lý tốt hơn”, ông Nguyễn Thế Kỷ nêu ý kiến.

“Nghị định mà đụng tới quyền tự do dân chủ là không được”

Giải trình vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng, lộ trình quy hoạch để báo chí không cần nhiều mà cần tinh. Luật Báo chí điều chỉnh các loại hình báo chí do Nhà nước thành lập, quản lý nên không đưa truyền thông xã hội vào luật. Bộ trưởng lý giải, mặc dù truyền thông xã hội đang phát triển nhanh chóng và được tạo điều kiện nhưng Luật Báo chí không điều chỉnh mà đã có Nghị định 72 chế tài chặt chẽ. “Nếu đưa trang mạng xã hội vào luật thì ta lại công nhận blog cá nhân là báo chí. Sau này nghiên cứu đưa Nghị định lên thành luật để quản lý truyền thông ngoài báo chí” – Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết.

Trang tin điện tử, mạng xã hội cần phải được quản lý bằng Luật

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp ngày 18/2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tuy nhiên, không đồng tình với quan điểm này, tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Trong Hiến pháp 2013 đã nêu rất rõ về quyền con người, quyền công dân. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

“Quyền tự do của công dân chỉ bị hạn chế bằng luật, không thể để nghị định xử lý vấn đề này. Trào lưu hiện nay là ít mua báo, trừ những nhà nghiên cứu, nhà này nhà kia thôi. Bây giờ người ta mở điện thoại ra, trên đó Internet có hàng đống. Nghị định mà đụng tới quyền tự do dân chủ là không được. Nếu chưa quy định cụ thể những chỗ này như ông Ksor Phước nói thì phải đưa vào đây, còn bảo đã có nghị định rồi nên luật này không bao vùng đấy, nói thế không phải báo chí thì không ổn chút nào” - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng liên hệ thực tế: “Sắp đến bầu cử, trên mạng có nhiều thông tin, người ta còn in ra cả tập gửi cho tôi. Các đồng chí bảo không phải báo, nhưng nó vẫn xuất hiện. Cứ đàng hoàng mà làm, tôi tin là nhân dân ủng hộ. Các đồng chí bảo các trang mạng, blog không phải báo thì là loại gì? Nó là loại đi đêm à? Nhưng thực tế nó như ban ngày rồi. Các đồng chí bảo để thông tư, nghị định này kia quản lý thì không ai chịu đâu".

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, quản lý không có nghĩa là siết lại không cho làm mà phải tính để đảm bảo dân chủ, quyền tự do, trừ những vấn đề pháp luật hạn chế vì liên quan lợi ích của nhân dân, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội...

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo theo hướng phát triển đến đâu phải quản lý được đến đó. Nếu còn nhiều điểm không xử lý được thỏa đáng thì có thể phải lùi, chưa thông qua dự luật.

Trọng Bằng