Khoảng 80% các vụ án hình sự thiếu luật sư tham gia
Chính trị - Ngày đăng : 10:49, 13/04/2012
Quang cảnh hội nghị
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tính đến thời điểm hiện nay, trong cả nước đã thành lập 62 đoàn luật sư/63 tỉnh thành với hơn 7.000 luật sư và gần 3.500 người tập sự hành nghề luật sư trong 8.231 tổ chức hành nghề luật sư. Số lượng luật sư tăng khá nhanh nhưng tỷ lệ luật sư trên số dân mới ở mức trung bình là 1 luật sư/14.000 người dân, trong khi đó tỷ lệ này ở Thái Lan là 1/1.526, Singapore là 1/1.000... Số lượng luật sư chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội (1.754 luật sư) và Tp. Hồ Chí Minh (3.075 luật sư), trong khi đó ở nhiều tỉnh số lượng luật sư rất ít như Kon Tum (5 luật sư), Hà Giang, Quảng Trị (6 luật sư)...
Số lượng luật sư ở nước ta hiện nay chưa đủ đáp ứng nhu cầu về dịch vụ pháp lý ngày càng tăng của cơ quan tổ chức cá nhân, ngay cả các cơ quan tiến hành tố tụng. Trên thực tế, chỉ khoảng 20% vụ án hình sự trong cả nước có luật sư tham gia bảo vệ. Một số tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa số lượng luật sư chưa đủ để bào chữa trong các vụ án bắt buộc phải có luật sư, mà phải mời các luật sư ở các địa phương khác tham gia, làm nhiều vụ án phải tạm hoãn kéo dài, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
Không chỉ thiếu mà chất lượng đội ngũ luật sư không đồng đều. Hiện tại có hơn 2.000 luật sư theo Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987 không được đào tạo một cách bài bản về kỹ năng hành nghề. Nhưng đáng lưu ý là số lượng luật sư ít, nhưng chất lượng lại còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp. Nhiều người còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp, thậm chí vi phạm đạo đức và pháp luật.
Bà Phan Thị Thu Hà (Viện Khoa học xét xử TANDTC) cho rằng: Luật sư đã có nhiều đóng góp cho hoạt động tố tụng nhưng không ít trường hợp luật sư không chấp hành nghiêm nội quy phiên tòa hay vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Theo bà Hà, luật sư với vai trò bảo vệ quyền lợi cho đương sự, bị can, bị cáo, phải giữ gìn phẩm giá và uy tín nghề nghiệp, nhưng thực tế có luật sư biến nghề luật sư thành nghề môi giới, “chạy án” nhằm trục lợi…
Bên cạnh những mặt còn hạn chế đó thì với những luật sư hành nghề tâm huyết, năng lực thực sự cũng đang gặp phải không ít những khó khăn. Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng: Các cơ quan tiến hành tố tụng, điển hình là Cơ quan điều tra thường xuyên vi phạm thời hạn cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư, thậm chí còn đòi hỏi thêm một số giấy tờ khác rất vô lý, gây khó rất nhiều cho luật sư. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành còn có sự không thống nhất về quyền hành nghề của luật sư, đang thừa nhận một mặt bằng pháp lý không đồng đều giữa những người tham gia tố tụng khi quy định người bào chữa gồm bào chữa viên nhân dân, luật sư và người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo.
Từ thực tiễn quản lý hành nghề luật sư, nhiều đại biểu cho rằng: Để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, sau khi một luật sư được cấp chứng chỉ hành nghề cần có 3 năm hành nghề thì mới được đứng ra thành lập tổ chức hành nghề độc lập. Đồng thời phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư để tháo gỡ các khó khăn, bất cập cho luật sư khi hành nghề.
Bộ Tư pháp dự kiến sẽ sửa đổi các quy định về miễn đào tào nghề, miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư; thủ tục cấp, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề, quyền, nghĩa vụ của luật sư; thủ tục đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư… Cụ thể, sẽ tăng thời gian đào tạo nghề luật sư từ 6 tháng lên 12 tháng, xây dựng lại tiêu chí được miễn thời gian đào tạo, thời gian tập sự hành nghề luật sư; cho phép luật sư tập sự được tham gia tố tụng ở Tòa cấp huyện.
M. Thoa