Những tình huống pháp lý trong vụ 4 tiếp viên mang ma túy từ Pháp về Việt Nam
Phóng viên Báo Công lý đã ghi nhận ý kiến một số luật sư về những tình huống pháp lý có thể xảy ra xung quanh vụ việc 4 tiếp viên Vietnam Airlines mang ma túy từ Pháp về Việt Nam gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Đình chỉ thực hiện nhiệm vụ 4 tiếp viên hàng không
Như Báo Công lý đã thông tin, chiều 17/3, Cục Hải quan TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về vụ 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines vận chuyển trái phép hơn 10kg ma túy tổng hợp từ Pháp về Việt Nam.
Theo đó, trên chuyến bay VN10 từ Charles de Gaulle (Paris, Pháp) đến Tân Sơn Nhất (TP.HCM) ngày 15/3, cán bộ hải quan phát hiện dấu hiệu bất thường trong hành lý của 4 tiếp viên Vietnam Airlines.
Qua sàng lọc, soi chiếu, phát hiện trong vali của tiếp viên có chất cấm. Sau đó, Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất tạm giữ 4 tiếp viên.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong những tuýp kem đánh răng, nước súc miệng của các tiếp viên mang về có thuốc lắc và ketamin.
“Qua kiểm tra thử mẫu, cơ quan chức năng xác định vali của 4 tiếp viên hãng Vietnam Airlines có chứa ma túy tổng hợp. Trong đó, có 8.400g viên nén màu xám và 3.080g chất bột màu trắng. Tất cả các mẫu thử đều là ma tuý”, đại diện Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất thông tin tại buổi họp báo.
Khai nhận ban đầu, các tiếp viên này cho biết, họ được một người nhờ xách tay số hàng hóa trên về cho người nhà, hứa trả công hơn 10 triệu đồng.
Vietnam Airlines đã quyết định đình chỉ thực hiện nhiệm vụ đối với 4 tiếp viên để phục vụ công tác điều tra.
Cần làm rõ việc lọt qua cảng hàng không Pháp, nhưng bị phát hiện ở Việt Nam
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng nên cơ quan điều tra (CQĐT) sẽ xem xét, xử lý thận trọng, khách quan theo quy định của pháp luật.
Trong những năm qua, các cơ quan chức năng không chỉ ở Việt Nam mà các nước trên thế giới bằng các biện pháp nghiệp vụ đã phát hiện nhiều vụ việc cất giấu ma túy rất tinh vi trong hành lý khách nhập cảnh qua cảng hàng không.
Thông thường những vụ việc hành khách nhập cảnh bị phát hiện có cất giấu ma túy là rất bất lợi, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan khai biết hay không biết có ma túy trong hành lý được người khác nhờ gửi.
Việc xác định có tội hay không sẽ được CQĐT chứng minh bằng các chứng cứ khách quan như các tin nhắn, thông tin trao đổi gửi hàng, mối quan hệ giữa người gửi hàng và nhận hàng….
Luật sư Thơm cho biết, việc soi chiếu trong hành lý vali của các nữ tiếp viên thấy nhiều tuýp thuốc đánh răng, nước súc miệng được vận chuyển từ bên nước ngoài về Việt Nam là bất thường, nên bằng kinh nghiệm, nghiệp vụ, sự nhạy cảm nghề nghiệp, đã được các cán bộ Hải quan phát hiện.
Để có căn cứ xử lý theo luật, CQĐT sẽ trưng cầu giám định trọng lượng, loại, hàm lượng ma túy. Trong trường hợp, nếu CQĐT có căn cứ xác định 4 nữ tiếp viên hàng không có hành vi mang chất cấm, họ sẽ bị xử lý về tội vận chuyển trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 250 Bộ luật hình sự.
“Các cơ quan chức năng đã bắt giữ nhiều vụ việc đối tượng vận chuyển trái phép ma túy qua các cảng hàng không với thủ đoạn tinh vi, nhưng việc phát hiện các tiếp viên hàng không cất giấu ma túy, vận chuyển từ Pháp về Cảng hàng không Tân Sơn Nhất là hy hữu.
Điều đáng nói, ngay chính từ bên cảng hàng không nước Pháp, nơi mà các tiếp viên bắt đầu điểm xuất phát đã không thể phát hiện được ra vụ việc, trong khi máy móc thiết bị rất hiện đại. Nhưng khi về đến Cảng hàng không Tân Sơn Nhất thì lại được các cán bộ hải quan phát hiện. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ toàn diện vụ án”, luật sư Thơm bày tỏ.
Trong khi đó, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho hay, chuyện tiếp viên hàng không vi phạm pháp luật, buôn lậu không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, chuyện tiếp viên hàng không bị phát hiện vận chuyển trái phép chất ma tuý là chưa từng có".
Luật sư Cường nhấn mạnh, hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy là vi phạm pháp luật, nhưng người thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy chỉ có thể bị xử lý hình sự nếu người đó biết rõ đây là chất ma túy.
Trường hợp cơ quan chức năng không chứng minh được những người này biết rõ những tuýp đánh răng này là chất ma túy, thì không đủ căn cứ để xử lý hình sự với họ.
Do vậy, CQĐT sẽ phải làm rõ, khi ở Pháp, các tiếp viên này tiếp xúc với ai? Việc vận chuyển hàng hóa về Việt Nam diễn ra bao nhiêu lần, diễn ra như thế nào, lần này tại sao lại bất thường như vậy? Hàng hóa này đã qua cửa khẩu hải quan sân bay Pháp như thế nào, tại sao lại trót lọt? Đồng thời kiểm tra điện thoại để xác minh các liên hệ, cuộc gọi đến và cuộc gọi đi trước trong và sau thời điểm giao nhận hàng, kiểm tra điện thoại để xác định tin nhắn, các giao dịch, thông tin với những người khác và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để làm rõ sự thật khách quan.
Đặc biệt, số lần vận chuyển hàng hóa, loại hàng hóa, mối quan hệ với cơ quan chức năng trong quá trình vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có liên quan là những vấn đề quan trọng để mở rộng vụ án này, cũng như là cơ sở để xác định các nữ tiếp viên này có bị xử lý hình sự hay không?
Một số chuyên gia luật có cùng quan điểm cho rằng, để có căn cứ xử lý, CQĐT có nghĩa vụ chứng minh tội phạm bằng việc lấy lời khai, thu thập tài liệu chứng cứ, xem xét, đánh giá toàn bộ thông tin trong vụ việc, nhằm xác định các nữ tiếp viên này có biết đây là chất ma túy hay không, hành vi của nhóm tiếp viên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không.
“Những tình huống pháp lý trên đều là những nhận định ban đầu, còn kết quả và diễn biến vụ án ra sao vẫn cần chờ kết luận chính thức từ phía cơ quan tố tụng”, một chuyên gia luật cho biết.