Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Nhiều quy định bất cập cần sửa đổi
Chính trị - Ngày đăng : 21:36, 12/01/2016
Trước đó, Hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật này cũng đã đề cập đến những bất cập hiện nay, cần sửa đổi. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn của phóng viên với Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc.
PV: Thưa ông, qua 6 năm thi hành Luật TNBTNN, mục tiêu lớn đã đạt được ở đây là gì?
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc: Thực hiện các quy định của Luật TNBTNN, qua từng năm triển khai thực hiện, công tác bồi thường Nhà nước đang từng bước đi vào ổn định và đạt hiệu quả nhất định. Sáu năm thi hành Luật TNBTNN là một bước tiến dài trong quá trình bảo vệ quyền lợi cho người bị oan sai. Với 258 vụ, việc đã thụ lý trong thời gian qua là con số rất lớn. Tôi nghĩ, mục tiêu ban hành Luật bước đầu đã đạt được. Đó là nâng cao hiệu quả và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ, phải hiểu rõ rằng nếu mình làm sai thì Nhà nước phải bồi thường và mình phải có trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật. Có thể nói rằng, trong 6 năm qua, Luật TNBTNN đã đáp ứng yêu cầu và mục tiêu, tạo cơ chế khả thi để người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, đồng thời, bảo đảm sự ổn định của hoạt động công vụ, bảo đảm giải quyết hài hòa lợi ích giữa một bên là Nhà nước, cơ quan Nhà nước, người thi hành công vụ và một bên là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại.
PV: Có ý kiến cho rằng, Luật TNBTNN hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, có đúng như vậy không, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc: Theo số liệu tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương, từ khi Luật có hiệu lực đến ngày 31/12/2015, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý, giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó, đã giải quyết được 204 vụ việc (đạt tỷ lệ 79%), còn lại 54 vụ việc đang tiếp tục giải quyết. Với số lượng 79% vụ việc đã được giải quyết thì có thể nói Luật đã đi vào cuộc sống, đã giải quyết được hầu hết vụ việc, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cho người dân. Hoạt động giải quyết bồi thường đã được các cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện nghiêm túc hơn, kịp thời thụ lý các vụ việc yêu cầu bồi thường khi có đủ căn cứ; giải quyết bồi thường đúng pháp luật; một số vụ việc phức tạp, kéo dài phát sinh đã được giải quyết dứt điểm như vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), bà Đặng Thị Thông (Bình Định), ông Phan Văn Lá (Long An), Nguyễn Khắc Công (Nam Định)...
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số vấn đề hạn chế mà dư luận đã phản ánh, ĐBQH cũng đã chất vấn, đặc biệt trong đợt giám sát vừa rồi của Quốc hội cho thấy, còn nhiều vụ việc phải bồi thường oan sai bị kéo dài, gây bức xúc dư luận. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có quy trình thủ tục hành chính, có trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường cho người dân. Đây là những vấn đề vướng mắc cần phải sửa đổi trong thời gian tới. Trong báo cáo chúng tôi cũng đã đề cập đến là việc xác định các cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường; xác định mức thiệt hại được bồi thường gặp nhiều khó khăn (nhất là trong lĩnh vực tố tụng hình sự) nên thực tiễn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải quyết bồi thường.
Ông Nguyễn Khánh Ngọc
Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục khá phức tạp, vòng vèo, từ khi có quyết định bồi thường oan sai cho đến khi người dân nhận được tiền. Trong đó có các quy định như nghĩa vụ chứng minh thiệt hại đến thời hạn để giải quyết, có cả một số trường hợp cơ quan nhà nước chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình. Đây cũng là rào cản, vướng mắc khi thực hiện Luật TNBTNN hiện nay.
PV: Vậy khi sửa đổi Luật này, Bộ Tư pháp tính toán như thế nào để phân định rõ trách nhiệm đâu là của cơ quan nhà nước, đâu là trách nhiệm của cán bộ làm sai hay không?
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc: Tôi nghĩ rằng, đây là trách nhiệm của Nhà nước, người thi hành công vụ của Nhà nước gây ra và Nhà nước phải đứng ra bồi thường. Luật sửa đổi sẽ có những quy định cụ thể sao cho việc bồi thường đúng, đầy đủ cho người dân. Còn trách nhiệm của cán bộ, công chức thực thi công vụ sai đến đâu, phải xử lý đến đó theo quy đinh của pháp luật.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, thực tế quy định hiện nay của Luật TNBTNN về xử lý cán bộ công chức để xảy ra sai phạm dẫn đến Nhà nước phải bồi thường cũng có nhưng chưa đầy đủ, chưa đủ mạnh để đạt được mục tiêu mà Luật đề ra là nâng cao hiệu quả và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ. Điều này không có nghĩa là khi sửa Luật sẽ bắt cán bộ, công chức làm sai phải hoàn trả 100% thiệt hại, vì điều này dễ dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, lo ngại phải bồi thường nên không dám làm. Tôi cho rằng, phải xây dựng một mức hoàn trả như thế nào để đủ mức răn đe cũng là điều kiện quan trọng.
Ngoài ra, còn rất nhiều điều luật về bồi thường khi sửa đổi phải đưa vào. Ví dụ do vô ý thì phải hiểu rằng do trình độ chuyên môn, năng lực yếu kém (Thẩm phán xử sai, hay Điều tra viên làm sai chẳng hạn), như vậy thì phải có biện pháp như đưa đi học, tạm dừng công tác một thời gian để học nâng cao năng lực... Hoàn trả chỉ là một trong những biện pháp nhìn thấy rõ, nhưng tôi nghĩ còn rất nhiều biện pháp khác có thể được áp dụng có hiệu quả hơn là hoàn trả. Vì đối với một cán bộ, công chức mà phải dừng công tác vì lỗi sai phạm để đi học thì có lẽ tính răn đe còn cao hơn là hoàn trả một số tháng lương nhất định.
PV: Nhưng xác định đâu là lỗi vô ý, đâu lỗi cố ý của cán bộ, công chức thực thi công vụ rất khó để định hình, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc: Cố ý hay vô ý là hai khái niệm về lý thuyết mà đòi hỏi phải chứng minh rất khó khăn. Cho nên, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, đánh giá kỹ về vấn đề này để đề xuất những giải pháp có tính răn đe mạnh hơn. Một trong những giải pháp đó là chuyển mô hình cơ quan giải quyết bồi thường từ phân tán sang mô hình một cơ quan đầu mối để giải quyết.
Đây cũng là mô hình mà sau giám sát oan sai vừa qua, Quốc hội cũng đã chỉ ra những bất cập do cơ chế tạo nên. Thực tế, có rất nhiều vụ việc người dân không biết đến đâu để đưa yêu cầu đòi bồi thường của mình. Theo thống kê số lượng đơn yêu cầu mà Bộ Tư pháp phải trả lời người dân về việc phải đến cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết rất lớn vì người dân không biết tìm đến đâu cả. Trong trường hợp này chúng ta đều thấy trách nhiệm thuộc về Nhà nước giải quyết, còn ai, cơ quan nào giải quyết phải phân định rõ ràng. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, với mô hình một đầu mối giải quyết yêu cầu bồi thường để người dân tìm đến khi có nhu cầu là một lựa chọn đúng đắn, hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn ông!