Chính trị

Tương lai không phải đường kéo dài quá khứ, mà sẽ là sự phát triển nhảy vọt

Ngọc Mai 19/03/2023 09:42

Trong thời đại công nghệ số, chúng ta có thể lạc quan, bởi công nghệ có thể đưa các trường có trình độ phát triển khác nhau về cùng điểm xuất phát. Tương lai không phải là đường kéo dài của quá khứ mà sẽ là sự phát triển nhảy vọt, đột phá. Đây là cơ hội của chúng ta, Chủ tịch Quốc hội, GS.TS Vương Đình Huệ nêu rõ.

tuong-lai-khong-phai-duong-keo-dai-cua-qua-khu-ma-se-la-su-phat-trien-nhay-vot-h1(1).jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Tọa đàm Cựu sinh viên về chiến lược phát triển Học viện Tài chính. Ảnh: Lâm Hiển

Hướng đến kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển Học viện Tài chính, chiều ngày 18/3, tại trụ sở Học viện, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, GS.TS Vương Đình Huệ đã dự Tọa đàm Cựu sinh viên về chiến lược phát triển Học viện Tài chính.

Cùng dự có nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.

Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ xúc động về thăm Học viện Tài chính, được gặp lại các thầy cô giáo cũ và tham dự tọa đàm về Chiến lược phát triển Học viện giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2045. Cùng ôn lại những kỷ niệm sâu sắc trong những năm tháng nhiều khó khăn, vất vả trước đây khi còn là sinh viên, giảng viên và Phó hiệu trưởng nhà trường, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ niềm tự hào và chúc mừng những thành tựu quan trọng mà Học viện đã đạt được trong thời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội nhắc lại kỷ niệm 50 năm thành lập trường, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo nhà trường cần nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển. Lần này, Học viện đã ban hành được Chiến lược phát triển giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đã xác định sứ mệnh của Học viện là “Cung cấp các sản phẩm đào tạo, nghiên cứu khoa học kinh tế, tài chính – ngân hàng, kế toán – kiểm toán, quản lý – quản trị chất lượng cao cho xã hội”; mục tiêu là “Xây dựng, phát triển Học viện Tài chính thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học về kinh tế - tài chính – kế toán hàng đầu Việt Nam, có uy tín trong khu vực” và xác định giá trị cốt lõi của Học viện là “Chất lượng – Uy tín – Hiệu quả - Chuyên nghiệp và Hiện đại”.

Nhất trí với sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi nêu trên, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, một trong những điểm mạnh của Học viện Tài chính là chuyên ngành tài chính và kế toán. Cùng với đó, một giá trị truyền thống của Học viện là tinh thần không bao giờ chịu lùi bước, không bao giờ chịu khuất phục trước khó khăn. Tinh thần này đã hun đúc, rèn luyện cho các thế hệ sinh viên từ khi còn trên ghế nhà trường đến khi ra ngoài xã hội, vươn lên, càng trong khó khăn, gian khổ lại càng thương yêu nhau nhiều hơn. Vì thế, Học viện cần phát huy hơn nữa tinh thần này.

tuong-lai-khong-phai-duong-keo-dai-cua-qua-khu-ma-se-la-su-phat-trien-nhay-vot.jpg
Chủ tịch Quốc hội: Học viện Tài chính nên có thêm chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, huy động chuyên gia tham gia giảng dạy

Từ Chiến lược đã có, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, Học viện Tài chính nên xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cho khoảng 10 năm trước mắt, có thể đến năm 2030 hoặc đến mốc kỷ niệm 70 năm thành lập, từ đó xác định những mục tiêu cụ thể hơn, khả thi hơn với danh mục chi tiết các nhiệm vụ phải thực hiện

Bày tỏ tâm đắc với triết lý giáo dục “Công dân toàn cầu trong một thế giới thay đổi” mà Học viện đã xác định, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, điều này rất phù hợp với một thế giới đang có nhiều biến chuyển nhanh chóng và sâu sắc như hiện nay. Tuy nhiên, cần cụ thể hoá hơn nữa triết lý này, xác định rõ những giá trị cốt lõi, bất biến của Học viện là gì để thích ứng linh hoạt và hiệu quả.

Về định hướng phát triển, Học viện Tài chính xác định đến năm 2030 trở thành cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo định hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai về lĩnh vực kinh tế, tài chính – ngân hàng, kế toán – kiểm toán, quản lý – quản trị, công nghệ thông tin, luật kinh tế..., Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục cụ thể hoá định hướng này, xác định rõ mô hình và hệ sinh thái của Học viện trong 5 năm đến 10 năm nữa sẽ như thế nào. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý những tác động sâu sắc của kỷ nguyên số, của cuộc cách mạng công nghệ đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Ngay với những ngành nghề đào tạo cũ, Học viện cũng phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, công nghệ mới, liên tục cập nhật tri thức, nội dung giảng dạy và đổi mới phương pháp giảng dạy; chú trọng nghiên cứu và mạnh dạn đào tạo những ngành mới, tiên phong.

“Trong thời đại công nghệ số, chúng ta có thể lạc quan, bởi công nghệ có thể đưa các trường có trình độ phát triển khác nhau về cùng điểm xuất phát. Tương lai không phải là đường kéo dài của quá khứ mà sẽ là sự phát triển nhảy vọt, đột phá. Đây là cơ hội của chúng ta. Mỗi thành viên trong hệ sinh thái của Học viện phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo, tận dụng công nghệ phát triển”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Nhấn mạnh vấn đề cuối cùng và quan trọng nhất vẫn là con người, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Học viện Tài chính nên có thêm chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, huy động chuyên gia tham gia giảng dạy; sớm hình thành mạng lưới cựu sinh viên, cựu giáo chức, từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp, coi đây là một thành viên trong hệ sinh thái của Học viện; sớm thành lập quỹ học bổng của nhà trường dành cho sinh viên nghèo, sinh viên xuất sắc; tiếp tục phát huy vai trò của Học viện trong phản biện, hiến kế cho Quốc hội, Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để Học viện thực hiện được Chiến lược phát triển đã đề ra, đóng góp ngày càng xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngọc Mai