Làm văn hóa là việc của mọi người, mọi nơi, trong mọi thời điểm
Chính trị - Ngày đăng : 11:43, 01/01/2016
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo hội nghị
Đánh giá về kết quả công tác năm 2015, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh cho biết triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Ngành văn hoá, thể thao và du lịch cả nước đã đoàn kết, nỗ lực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, với tinh thần “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát triển”. Thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và kế hoạch công tác năm 2015, thiết thực đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ và của cả nước. 100% các văn bản, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thành đúng tiến độ, các giá trị văn hóa dân tộc, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng, trong năm có 2 di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO ghi danh; Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng 11 di tích quốc gia đặc biệt và 25 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia; có 56 di tích cấp quốc gia, 43 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận; Các Chương trình nghệ thuật phục vụ tốt các ngày lễ lớn của đất nước, các sự kiện của Ngành; có 617 Nghệ nhân ưu tú, 102 Nghệ sĩ nhân dân, 385 Nghệ sĩ ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách, chế độ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội đạt được nhiều kết quả, trách nhiệm của các cấp chính quyền, Ban Tổ chức, Ban Quản lý lễ hội được nâng cao, ý thức thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội của người dân có nhiều chuyển biến tích cực; kịp thời chấn chỉnh một số lễ hội phản cảm được dư luận và xã hội đồng tình. Công tác chấm điểm việc quản lý và tổ chức lễ hội bước đầu đạt kết quả tốt. Các hoạt động văn hóa cơ sở, vùng núi, biên giới có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ đã hoàn thành. Nhiều hoạt động trong lĩnh vực gia đình được triển khai có hiệu quả thiết thực, truyền thông về gia đình và công tác gia đình tiếp tục được đẩy mạnh ở Trung ương và địa phương với hình thức đa dạng, nội dung phong phú. Thể thao Việt Nam tiếp tục thi đấu và giữ vững thành tích tại Đại hội Thể thao khu vực, công tác đào tạo, bồi dưỡng vận động viên tài năng các môn Olympic được chú trọng đầu tư, nhiều vận động viên đạt thành tích chuẩn tham dự Olympic; lần đầu tổ chức thành công Ngày chạy Olympic vì sức khỏe nhân dân năm 2015, thu hút trên 4 triệu người tham gia. Du lịch tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đón gần 8 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 57 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 337.830 tỷ đồng tạo tiền đề căn bản để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước vào năm 2020.
Đồng thời, Bộ trưởng VHTT&DL cũng thẳng thắn nhìn nhận bên cạnh những thành tựu Ngành đã đạt được trong năm 2015, vẫn còn những hạn chế, yếu kém đòi hỏi toàn Ngành tập trung thảo luận, đề ra các giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong thời gian tới như: Công tác tu bổ, tôn tạo di tích từ nguồn vốn xã hội hóa; công tác quản lý và tổ chức lễ hội; công tác quản lý các di sản thế giới; công tác quản lý và chấn chỉnh sai phạm trong thi người đẹp trong nước và quốc tế; công tác quản lý và thực thi pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình; công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao; việc vận hành, khai thác các thiết chế, công trình thể thao sau khi tổ chức các sự kiện thể thao; viêc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, sản phẩm, dịch vụ du lịch…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, năm 2015 là năm khó khăn chung của toàn thế giới nhưng Việt Nam đã rất nỗ lực hoàn thành kế hoạch của năm với tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua, tương đối giữ được những cán cân vĩ mô lớn của nền kinh tế, đất nước cơ bản ổn định. Trong thành công chung của đất nước có đóng góp quan trọng không thể thiếu của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Đóng góp của ngành không chỉ trong năm 2015 mà từ nhiều năm qua. Tuy còn những vấn đề tồn tại nhưng công bằng nhìn lại thì văn hóa đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước, công bằng xã hội, đối ngoại, hội nhập quốc tế. Trong năm 2015, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản đã làm rất tốt, được quốc tế ghi nhận. Phó Thủ tướng đánh giá cao trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu của năm 2015 vừa công bố đã góp phần thể hiện những nhìn nhận mới trong điều hành của ngành trong năm qua. Đó là lần đầu tiên công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, vinh danh các báu vật nhân văn sống trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể sau nhiều năm xây dựng, thống nhất các tiêu chí. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực điện ảnh cũng có sự đổi mới về cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí hợp lý để cho ra mắt bộ phim đầu tiên của mô hình Nhà nước đầu tư, tư nhân sản xuất tạo được tiếng vang về chất lượng nghệ thuật, hiệu ứng xã hội và hiệu quả kinh tế. Đây là những việc làm cần tiếp tục được phát huy trong những năm tới.
Bên cạnh thành tựu trong năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ rõ ngành vẫn còn những hạn chế, yếu kém đòi hỏi các giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong thời gian tới. Đó là công tác tu bổ, tôn tạo di tích từ nguồn vốn xã hội hóa; công tác quản lý và tổ chức lễ hội; công tác quản lý các di sản thế giới; quản lý và chấn chỉnh sai phạm trong các cuộc thi sắc đẹp; công tác quản lý và thực thi pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình; công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao; việc vận hành, khai thác các thiết chế, công trình thể thao sau khi tổ chức các sự kiện thể thao; việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch…
“Công tác lễ hội đã có chuyển biến tốt hơn nhưng cần tiếp tục tiến tới lễ hội phải theo đúng nghĩa là của xã hội, của nhân dân. Trong nhiều lễ hội, chương trình nghệ thuật cũng lại giống nhau. Có những lễ hội bị biến tướng không còn đúng bản chất văn hóa truyền thống nhân văn của dân tộc". Trong thời gian tới, theo Phó Thủ tướng, một trong những việc quan trọng của ngành văn hóa là phải tiếp tục nỗ lực để làm cho các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, người dân có nhận thức thực sự đúng đắn, chuẩn mực về văn hóa.
Về Du lịch tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đón gần 8 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 57 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 337.830 tỉ đồng, tạo tiền đề căn bản để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước vào năm 2020... Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, bên cạnh những chính sách lớn như miễn visa du lịch, mở đường bay thẳng... thì ngành du lịch phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như khách sạn phải sạch sẽ, thái độ nhân viên phải lễ phép.
“Những điều như vậy không cần phải đào tạo quốc tế hay làm những gì to tát cả mà phải rất chi tiết, cụ thể”. Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng cho rằng điểm nhấn trong lĩnh vực du lịch năm vừa qua đã đặt những vấn đề cũ dưới cách nhìn, thái độ mới.
“Du lịch liên quan đến tất cả các ngành kinh tế, từ sân bay, bến cảng, đường xá, đến sản phẩm, con người. Từ những cái rất lớn chúng ta đang bàn tới như câu chuyện sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành đến việc rất nhỏ là thái độ của mỗi người dân khi ra đường thì nở nụ cười, không vứt rác bừa bãi, không nói tục, chửi bậy, không làm giá, không bắt chẹt. Chúng ta đã đặt ra rất tổng thể và khi nhìn nhận thấy đúng thì cần tiếp tục làm”.
Liên quan đến lĩnh vực văn hóa, Phó Thủ tướng chỉ rõ, không thể nói chúng ta hết sức chú ý văn hóa, coi văn hóa là nền tảng nhưng có những thứ bức xúc trong đời sống như làm đường, làm các công trình chống lụt, chống úng phải làm ngay nên nhiều khi vì thế mà chúng ta tạm thời quên, gác lại những thứ rất dài hơi về văn hóa. Trong khi, đây không chỉ là việc của từng bộ, ngành, địa phương hay của đồng chí phụ trách văn hóa xã mà là việc của mọi người, mọi nơi, mọi thời điểm”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm văn hoá, làm du lịch, thể thao trong tâm thế của một người văn hoá. Đây là vinh dự lớn, trách nhiệm nặng nề của những người làm công tác văn hóa hiện nay. Những năm qua, lĩnh vực văn hóa đã có bước phát triển, đây là điều rất vinh dự mà những người làm văn hóa cần phải tiếp tục thực hiện, phát huy. Những đóng góp về văn hoá, tuy rằng còn nhiều vấn đề mà chính chúng ta cũng không hài lòng nhưng bình tĩnh nhìn lại, chúng ta thấy, tuy không phải trực tiếp nhưng có những đóng góp rất thiết thực.
Làm văn hóa phải hết sức tỉ mỉ, tất cả mọi thứ lớn lao được làm nên từ những cái nhỏ. Văn hoá, thể thao, du lịch không chỉ là việc của riêng ngành văn hoá. Văn hoá là nền tảng xã hội, đã là nền tảng thì cả xã hội phải làm. Một dân tộc bắt đầu từ văn hoá. Quốc gia, lãnh thổ, biên giới… cũng là tương đối, có thể thay đổi theo thời gian, nhưng cái còn lại cuối cùng là văn hoá”.
Trong năm 2016, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần quan tâm, tập trung giải quyết trước những việc dư luận xã hội quan tâm; làm tốt công tác đào tạo nhân lực nòng cốt cho ngành văn hóa...
Đồng thời, Bộ cần chủ động xây dựng chương trình hành động của ngành để khẩn trương thực hiện ngay các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, thể thao và du lịch được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra.
Bộ cũng duy trì và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, trọng tâm là vi phạm trong tổ chức và quản lý lễ hội, tu bổ, tôn tạo di tích, biểu diễn nghệ thuật, kinh doanh lữ hành, lưu trú du lịch, thể thao...