Thủ tướng nhấn mạnh 4 nhiệm vụ lớn của ngành Công Thương
Chính trị - Ngày đăng : 14:14, 31/12/2015
Thủ tướng dự Hội nghị tổng kết năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Bộ Công Thương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2015, mặc dù tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn nhưng toàn ngành Công Thương đã nỗ lực hết sức để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Cụ thể, sản xuất công nghiệp đã tăng trưởng ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng đến 9,8%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng của cùng kỳ các năm gần đây, tăng 2 điểm phần trăm so với kế hoạch (7,8%).
Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung (10,6%), đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng của ngành; ngành khai khoáng mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành, sản xuất vẫn giữ được ổn định; nhóm mặt hàng cơ khí tăng trưởng khá là dấu hiệu cho thấy toàn ngành công nghiệp hỗ trợ bắt đầu xu hướng phát triển. Tình hình tiêu thụ và tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt được những kết quả khả quan so với năm 2014. Chỉ số tiêu thụ tăng so với cùng kỳ. Tồn kho sản phẩm, tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2015 đã có chuyển biến tích cực, chỉ số tồn kho tại thời điểm các tháng trong năm duy trì ở mức thấp hơn so với cùng kỳ (ở mức 9,5%).
Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2015 ước đạt khoảng 165 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2014, tương đương với 17,8 tỷ USD. Nhập khẩu hàng hóa phục vụ tích cực cho hoạt động sản xuất; cơ cấu hàng hóa nhập khẩu chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nhóm hàng tiêu dùng và tăng dần tỷ trọng nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất. Nhập siêu năm 2015 tiếp tục được kiểm soát tốt, ước khoảng 3,17 tỷ USD, tương đương 2% kim ngạch XK.
Thị trường hàng hóa trong nước dồi dào, nguồn cung hàng hóa trên thị trường luôn được đảm bảo, giá cả nguyên nhiên vật liệu ở mức thấp… là những yếu tố thúc đẩy cầu tiêu dùng. So với cùng kỳ năm 2014, chỉ số lạm phát thấp giúp tiêu dùng trong nước được cải thiện, lượng hàng tồn kho đã ở mức bình thường. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ năm 2015 ước tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, đối với hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, năm 2015 được đánh giá là năm hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế đạt được kết quả rất tích cực của ngành Công Thương, khi Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á Âu, Hàn Quốc; Kết thúc đàm phán FTA với EU và TPP. Với kết quả này, ta đã có Hiệp định Thương mại tự do với 55 nền kinh tế, trong đó có 17/20 đối tác của G20 và 7/7 đối tác của G7…”
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu bật những kết quả toàn diện mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đạt được trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc năm 2015, cũng như trong cả nhiệm kỳ 5 năm 2011-2015. Đồng thời Thủ tướng đánh giá, trong thành tựu chung mà cả nước đạt được, ngành Công Thương đã có những đóng góp không nhỏ vào việc nâng mức tăng trưởng GDP đạt 6,68%, ổn định vĩ mô, an sinh xã hội cũng như bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Riêng sự ổn định về thị trường, bảo đảm nguồn cung-cầu đã góp phần kiềm chế lạm phát, tạo điều kiện tốt cho sản xuất và đời sống dân sinh. Góp phần tích cực vào kết quả phát triển kinh tế 5 năm qua, đưa mức tăng trưởng GDP bình quân lên 5,9%/năm, trong đó thể hiện rõ xu hướng cải thiện, năm sau cao hơn năm trước...
Thủ tướng cũng ghi nhận những kết quả về công tác tái cơ cấu nội ngành trong bối cảnh hợp tác và cạnh tranh của tiến trình hội nhập ngày càng gia tăng bên cạnh việc chú trọng việc hoàn thiện hệ thống cung cấp năng lượng, đưa điện về đảo xa, vùng sâu nhằm hỗ trợ sản xuất, dân sinh… “Những thành tựu của ngành Công Thương đã đóng góp tích cực cho những kết quả chung của cả nước, là điều kiện quan trọng, tạo tiền đề cho sự phát triển của năm 2016 cũng như 5 năm tiếp theo (2015 – 2020)” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh cả nước bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 hội quốc tế nhập sâu rộng, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế khi Cộng đồng ASEAN sắp hình thành, Việt Nam đã có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó có 20 nước là nền kinh tế lớn nhất thế giới với đầy những cơ hội và thách thức. Trên tinh thần đồng tình với báo cáo tổng kết cũng như những nhiệm vụ mà ngành Công Thương đề ra cho năm 2016 cũng như cho giai đoạn 5 năm 2016-2020 tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh 4 nhiệm vụ đối với ngành Công Thương:
Thứ nhất, ngành Công Thương cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho các lĩnh vực công nghiệp, thương nghiệp phát triển mạnh hơn nữa, bền vững hơn nữa. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi thể chế chính là tạo ra hạ tầng mềm và nếu không có cơ chế, chính sách phù hợp thì không thể phát triển. “Xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách là việc của chúng ta; doanh nghiệp, người dân không thể làm thay được mà Nhà nước phải làm, mà trong lĩnh vực này thì trực tiếp là ngành Công Thương. Trên cơ sở hệ thống pháp luật, chiến lược, quy hoạch,… các đồng chí phải rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách theo tinh thần thực hiện cơ chế thị trường đầy đủ, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Chúng ta không làm được điều này thì không thể thực hiện được yêu cầu đặt ra, không thể nâng cao được năng lực cạnh tranh”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Thứ hai, mở rộng thị trường XK, tận dụng tốt nhất những cơ hội từ hội nhập. Thị trường là yếu tố quyết định sản xuất. Trong hoàn cảnh hội nhập sâu rộng, sức mua của thị trường trong nước không thể đảm bảo năng lực sản xuất của DN được mà phải đẩy mạnh XK. Cho nên, cần tận dụng tối đa những Hiệp định thương mại đã ký để tạo điều kiện mở rộng thị trường cho các sản phẩm có thế mạnh như dệt may, da giày, nông sản… Đặc biệt, rút gọn những nội dung các FTA đã ký kết thành những cuốn cẩm nang, tài liệu dễ nhớ, dễ thuộc để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN và người tiêu dùng. Xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ thị trường trong nước.
Thứ ba, không ngừng nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ; phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm công nghiệp, dịch vụ. Tận dụng tối đa các cơ hội, lợi thế từ thành quả hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế mạng lại. Khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh, mở rộng thị trường xuất khẩu; tập trung tháo gỡ, tạo mọi điều kiện để mở rộng thị trường cho các mặt hàng mà trước hết những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giầy, đồ gỗ, nông-thủy sản; kiểm soát tốt nhập siêu, xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết, thông lệ quốc tế. “Đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu để tạo việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng, đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề về chính trị, xã hội” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh; đồng thời yêu cầu phải tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường trong nước - một thị trường rộng lớn, có nhiều tiềm năng với dân số trên 90 triệu người và trong tương lai không xa sẽ là 100 triệu dân. “Chúng ta phải chiến thắng trên sân nhà và điều rất mừng hiện nay là ở các siêu thị, hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam chiến tỷ trọng lên tới trên 90%”.
Thứ tư, tiếp tục tái cơ cấu ngành Công Thương theo hướng nâng cao chất lượng từng ngành, từng lĩnh vực; Nâng cao năng lực quản trị của DN và hiệu quả sản xuất kinh doanh; Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN và người dân sản xuất kinh doanh.
Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2016 tăng 6,7%, ngành Công Thương phấn đấu đạt được những mục tiêu: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9 – 10% so với năm 2015; Xuất nhập khẩu đạt khoảng 178 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2015. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch XK duy trì ở mức dưới 5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng khoảng 11,5 – 12%. |