Ban Kinh tế T.Ư hoàn thành nhiều nội dung quan trọng năm 2015
Chính trị - Ngày đăng : 16:51, 30/12/2015
Theo đánh giá của Ban Kinh tế T.Ư, năm 2015 là năm có ý nghĩa quan trọng của cả hệ thống chính trị, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015, tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược cho Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong năm 2015, Ban Kinh tế Trung ương đã bám sát chương trình công tác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chủ động bám sát thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội của đất nước và tình hình thế giới, khu vực để xây dựng và tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch công tác năm 2015.
Góp ý văn kiện cho 63/63 tỉnh, Thành ủy
Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ, trong năm qua, Ban đã tập trung triển khai, hoàn thành với chất lượng cao 12 nhiệm vụ theo kế hoạch công tác và 144 nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan có thẩm quyền đối với lĩnh vực nghiên cứu, đề xuất.
Các nhiệm vụ đột xuất trong năm cũng đã được Ban chủ động hoàn thành với 144 báo cáo, văn bản nghiên cứu, đề xuất, trong đó có những báo cáo phải hoàn thành trong thời gian rất ngắn, như: Báo cáo về việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ và thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá tác động đối với nền kinh tế Việt Nam; Báo cáo khủng hoảng nợ của Hy Lạp và những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; các văn bản góp ý cho các bộ, ban, ngành về các vấn đề kinh tế - xã hội có liên quan.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Cũng trong năm nay, Ban Kinh tế Trung ương đã thực hiện 7 nhiệm vụ thẩm định và hoàn thành 100% nhiệm vụ thẩm định được giao, tiêu biểu là các báo cáo: Chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 41-KL/TW của Bộ Chính trị và xây dựng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; Phương án kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Tình hình kinh tế - xã hội năm 2015, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và đánh giá thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.v.v…Công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát là cũng một trong những nội dung công việc được Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương quan tâm sâu sát trong chỉ đạo, triển khai thực hiện nhằm đưa các kết luận, chỉ thị của Đảng vào cuộc sống. Lãnh đạo Ban đã làm việc với 26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương; các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về lĩnh vực kinh tế - xã hội vùng, địa phương.
Đặc biệt, Ban Kinh tế Trung ương đã trực tiếp tham gia góp ý xây dựng, dự thảo văn kiện của 30/63 tỉnh, thành ủy theo đề nghị và 63/63 tỉnh, thành ủy để phục vụ cho các cuộc làm việc của Bộ Chính trị. Các ý kiến góp ý của Ban Kinh tế Trung ương đều đúng thời hạn, chất lượng cao, được các tỉnh, thành ủy tiếp thu trong dự thảo văn kiện.
183 nội dung công tác phát sinh ngoài kế hoạch
Đánh giá về sự phối hợp trong công tác đối ngoại, Phó trưởng Ban Thường trực Đối ngoại T.Ư Ông Phạm Xuân Sơn nhấn mạnh, “Ban Kinh tế T.Ư là đơn vị luôn tích cực chủ động và làm rất bài bản công tác đối ngoại về kinh tế, đã góp phần vào việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại với các nước trên thế giới.
Đặc biệt, Ban Kinh tế T.Ư được giao tiếp hơn 30 đoàn khách quốc tế, phía bạn đánh giá rất cao sự phối hợp làm việc của Ban Kinh tế T.Ư, mỗi cuộc tiếp và làm việc đều để lại những ấn tượng sâu sắc đối với bạn, có nhiều nội dung, đạt được kết quả mà phía bạn mong muốn. Những chuyến công tác nghiên cứu, khảo sát tại nước ngoài đã góp phần quan trọng trong công tác tham mưu kinh tế - xã hội của Ban Kinh tế T.Ư”.
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết năm 2015 của Ban Kinh tế T.Ư
Ông Lê Minh Trí, Bí thư Đảng ủy, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, khi đi dự các đại hội Đảng ở các tỉnh, TP, các địa phương đánh giá cao những nội dung góp ý của Ban Kinh tế T.Ư đối với việc xây dựng văn kiện đại hội Đảng bộ các cấp, đóng góp cho địa phương nhiều ý kiến quan trọng, tính thực tiễn, chất lượng cao, được các tỉnh, thành ủy tiếp thu trong dự thảo văn kiện.
“Đặc biệt, tôi đánh giá rất cao những nghiên cứu, đề xuất của Ban Kinh tế T.Ư về đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; phát triển, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây cũng là những đề xuất quan trọng góp phần vào xây dựng Dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo về kinh tế - xã hội trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII”, ông Trí nhấn mạnh.
Nhấn mạnh thêm những kết quả đạt được, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ cho biết, một trong những điểm nổi bật tạo nên thành công trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác của Ban Kinh tế Trung ương trong năm 2015 là công tác đóng góp xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII trong vai trò là thành viên Tiểu ban Văn kiện; công tác góp ý dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2015 – 2020. Ban đã hoàn thành các nội dung công tác, bảo đảm yêu cầu về tiến độ và chất lượng, trong đó đã triển khai và hoàn thành 100% các đề án theo kế hoạch và 183 nội dung công tác phát sinh ngoài kế hoạch.
“Có được kết quả trên là do Ban Kinh tế Trung ương luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng với sự nỗ lực của tập thể Lãnh đạo Ban và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng như huy động được sức mạnh, trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín, kinh nghiệm và sự phối hợp, cộng tác của các cơ quan, đơn vị hợp tác, các cơ sở nghiên cứu”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.