GDP cao nhất trong 8 năm, Thủ tướng đặt vấn đề nâng mục tiêu tăng GDP 2016 hơn 6,7%
Chính trị - Ngày đăng : 15:29, 28/12/2015
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu tóm tắt Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành sáng nay (28/12), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trước những khó khăn thách thức, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo tập trung quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn dân, năm 2015 đất nước đã đạt được những kết quả quan trọng.
Cụ thể, Báo cáo Tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp (bình quân cả năm tăng 0,63%) nhưng không có biểu hiện giảm phát. Tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu đã tăng khá mạnh, tăng trưởng kinh tế cao nhất trong vòng 8 năm qua. Lạm phát cơ bản bình quân cả năm tăng 2,05% so với năm trước. Tổng thu NSNN ước đạt 884,755 nghìn tỷ đồng (97,1% dự toán), ước thực hiện cả năm 2015 thu NSNN sẽ vượt dự toán và vượt số đã báo cáo Quốc hội. Tổng chi NSNN ước đạt 1.064,51 tỷ đồng (92,8% dự toán). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1.367,2 nghìn tỷ đồng (tăng 12% so với năm 2014 và bằng 32,6% GDP).
Kinh tế tiếp tục đà phục hồi với mức tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt 6,68%, cao nhất trong vòng 8 năm qua, cao hơn mục tiêu đề ra là 6,2% và cao hơn số đã báo cáo QH (khoảng 6,5%). Năm 2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1.367,2 nghìn tỷ đồng (tăng 12% so với năm trước và bằng 32,6% GDP).
Trong 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH 2016, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu hàng đầu là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, dự kiến chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2016 là khoảng 6,7%.
Về chỉ tiêu này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có đặt vấn đề: Tăng trưởng năm 2015 đạt 6,68%, trong khi dự báo tình hình tăng trưởng kinh tế GDP năm 2015 đạt 6,5%, Chính phủ đã trình Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mục tiêu đặt ra mục tiêu tăng trưởng 2016 là 6,7%. Liệu giữ mức tăng trưởng GDP này hay phấn đấu cao hơn, bởi mục tiêu hiện tại theo Thủ tướng là "nhẹ nhàng quá".
Với kết quả thực tế năm 2015, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ủng hộ Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 7% cho năm 2016. Tương tự, với TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2015, tăng trưởng GDP của thành phố đặt 9,85%. Đây là mức cao nhất trong 4 năm gần đây. Qua đó, ông Nguyễn Thành Phong dự kiến, mục tiêu đặt ra trong năm 2016 sẽ cao hơn con số trên.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thì chỉ tiêu ở mức tăng trưởng 6,7% là hợp lý và "không nhẹ nhàng".
Một số ý kiến của đại biểu cũng lo ngại tăng trưởng GDP sẽ gặp khó khăn do chịu tác động của một số yếu tố bất lợi. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hải nhận định: Năm 2015, Chính phủ đã điều hành quyết liệt nên nền kinh tế tiếp tục phục hồi, lạm phát tiếp tục được kiềm chế. Năm 2016 mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước đặt ra ở mức 6,7% là phù hợp, vì nền kinh tế vẫn khó khăn do giá dầu vẫn còn giảm trong trung hạn có thể tác động đến nguồn thu ngân sách quốc gia. Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế, giáo dục tăng có thể tác động đến khu vực kinh tế nông nghiệp, người nghèo; xuất khẩu nông sản còn gặp khó khăn, hội nhập sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp... Vì vậy, Chính phủ và các bộ ngành cần có thêm chính sách đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.
Đồng tình quan điểm này, Chủ tịch tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng, tăng trưởng 2016 ở mức 6,7-6,8% là hợp lý.
Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 đã được Quốc hội thông qua gồm các chỉ tiêu chủ yếu: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 53%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%… |