Đời sống

Làm báo trong kỷ nguyên số: Không để công nghệ "giết chết" cảm xúc

Kim Oanh - Mai Đỉnh 18/03/2023 19:26

Nằm trong chuỗi sự kiện tại Hội Báo toàn quốc năm 2023, sáng 18/3, Liên chi hội Nhà báo cơ quan Trung ương Hội, Tạp chí Người Làm báo - Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức tọa đàm: “Người làm báo trong kỷ nguyên số”.

Đây là hoạt động thiết thực của những người làm báo, nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ nghiệp vụ về làm báo trong thời kỳ công nghệ, chuyển đổi số.

Diễn giả của tọa đàm có nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị; nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Báo điện tử Dân Việt, cùng đông đảo lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí và sinh viên ngành báo chí tham gia.

Nội dung buổi toạ đàm xoay quanh vấn đề vai trò của người làm báo trong kỷ nguyên số, những cơ hội và thách thức của người làm báo trong bối cảnh hiện nay, đồng thời đưa ra những quan điểm, kinh nghiệm làm báo trong thời kỳ mới.

nguoi-lam-bao1.jpg
Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, từ năm 1990 đến nay công nghệ làm thay đổi toàn bộ quá trình tác nghiệp của phóng viên. Kỹ năng của từng phóng viên trong mỗi thời kỳ có thể khác nhau, nhưng quan trọng nhất là tinh thần cống hiến, chiến đấu và trách nhiệm xã hội.

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, công chúng ở đâu thì báo chí ở đó và những người làm nội dung phải nghĩ đến công nghệ. Trên thế giới cũng có rất nhiều nhà báo làm tốt cả 2 khía cạnh này, nhiều cơ quan để có sức mạnh thì cũng phải kết hợp nội dung và công nghệ.

“Nội dung và công nghệ luôn phải song hành. Trong bối cảnh kỷ nguyên số, nội dung báo chí đương nhiên phải có chất lượng tốt để có bạn đọc. Khi có nội dung tốt thì cần phương tiện truyền thông để giúp lan tỏa” - nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ.

Đồng quan điểm với nhà báo Hồ Quang Lợi về tinh thần cống hiến, chiến đấu của các nhà báo không bao giờ thay đổi, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức cho rằng, với tính chiến đấu của người làm báo, những bài báo thời nào cũng phải cống hiến, phải truyền tải thông tin hữu ích tới độc giả.

Trước đây công cụ hỗ trợ ít, năng suất làm báo thấp, mỗi phóng viên, nhà báo trong một tuần có thể chỉ viết được 2 bài, hiện nay với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, một tuần có thể viết được 4 bài, năng suất làm báo hiện nay lớn hơn nhiều.

hql1.jpg
Nhà báo Hồ Quang Lợi trao đổi tại tọa đàm

Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị chỉ ra, giữa rừng thông tin, nhà báo phải khẳng định được trình độ, năng lực của bản thân. Báo chí hiện nay không những đối mặt với nội dung, công nghệ, còn cả với kinh tế báo chí. Do đó, ngoài các thông tin miễn phí, báo chí có thể tiến tới thực hiện các sản phẩm, bài viết chuyên sâu, chuyên biệt, độc quyền để có thể thu phí đọc báo điện tử.

Đánh giá ở góc độ khác, nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, công nghệ làm cho thế giới thay đổi, sự ra đời của các sản phẩm trí tuệ nhân tạo như ChatGPT đặt ra các vấn đề cần phải giải quyết. Đối với bản thân người làm nghề phải nhận thức rõ, báo chí gióng lên hồi chuông để công nghệ không "giết chết" cảm xúc của con người, nhà báo.

bdt1.jpg
Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức chia sẻ tại tọa đàm

Nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định rằng nghề báo là nghề của sự sáng tạo, nếu không có sự sáng tạo cá nhân thì người làm báo khó có thể khẳng định được bản sắc của mình.

Tính sáng tạo cũng là vấn đề lớn của tác phẩm báo chí đòi hỏi người làm báo phải rèn luyện, từ khi ngồi trên ghế nhà trường đến khi đi làm. Nghiệp vụ báo chí cần học từ thực tiễn, từ nhân dân, không chỉ tập trung vào nội dung truyền thống, phải cần tìm tòi cả công nghệ số.

Còn nhà báo Nguyễn Minh Đức đánh giá, phóng viên hiện nay rất áp lực , bởi nếu làm ra một sản phẩm báo chí không có người đọc thì bài báo đó chưa đạt hiệu quả lan tỏa của thông tin. 

Nhà báo Nguyễn Minh Đức cho hay: “Một là tác nghiệp nhanh, có sức truyền đạt nhanh. Hai là, nhà báo phải có cách tiếp cận độc đáo, viết bài độc đáo. Ba là chia sẻ thông tin. Nếu trước đây báo in phải phát hành thì hiện nay báo điện tử phải chia sẻ”.

Theo ông, đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là 3 quy tắc mà mỗi nhà báo cần áp dụng trong bối cảnh công nghệ phát triển.

Ông chỉ thêm ra rằng, làm sao tin bài có lượng view cao mà vẫn đúng theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan, tòa soạn, đòi hỏi nhà báo phải trở thành chuyên gia ở lĩnh vực mình theo dõi.

Trong đó, trách nhiệm của nhà báo khi thông tin về các sự kiện không chỉ nhanh, mà cần góc tiếp cận độc đáo, chia sẻ thông tin và áp dụng công nghệ. Các nhà báo phải học hỏi nhiều thứ, trong đó có công nghệ.

ddh1.jpg
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo điện tử Dân Việt

Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, trước bối cảnh chuyển đổi số, các bạn trẻ đang gặp thách thức lớn. Đó là chuyển đổi số khiến nhà báo trượt theo thông tin thời sự, mạng xã hội cạnh tranh dẫn đến chưa đào sâu vấn đề, thông tin không còn mang tính độc quyền.

Thách thức tiếp theo đó là nhà báo khó giữ được bản lĩnh trước những lợi ích khác. Vì vậy, mỗi nhà báo trẻ phải vừa sở hữu tính thời sự, vừa sở hữu tính độc quyền, nghiên cứu sâu hơn và đây là thách thức mà các nhà báo phải vượt qua.

“Trong bối cảnh đấy, độc giả đòi hỏi ở những người làm báo điều gì? Đó là sự thông thái, sự hiểu biết; đứng trên sự việc, phân tích sự việc, tìm ra lối ra cho sự việc” - Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nhấn mạnh.

Đánh giá cao chủ đề “Người làm báo trong kỷ nguyên số”, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ đến sự chuyên sâu trong lĩnh vực báo chí. Ông đưa ra dẫn chứng, “Bạn cần phải bán sự thông thái của bạn thông qua quyển sách, bài báo, thông qua thông điệp gửi tới cộng đồng”.

Do đó, để có sự chuyên sâu, mỗi nhà báo cần phải học hỏi và có tầm hiểu biết nhất định trong những chủ đề riêng biệt. Nhà báo có những đề tài chuyên sâu và chính nhà báo trở thành chuyên gia trong lĩnh vực ấy. 

Kim Oanh - Mai Đỉnh