Keangnam nhượng bộ, chấp nhận đàm phán với dân
Chính trị - Ngày đăng : 10:49, 13/04/2012
Từ trưa 3-12, hệ thống thang máy của tòa nhà A Keangnam - tòa nhà cao nhất Việt Nam, đã bị cắt, các hộ dân không thể lên nhà. Người già, trẻ nhỏ, gần chục bà bầu đến tháng đẻ đã phải đứng ngồi vạ vật ở sảnh hai tòa A, B.
Bức xúc, người dân đã đến văn phòng làm việc của Keangnam “ở trọ” ở đó đòi Keangnam mở lại thang máy nhưng không được chấp nhận. Người dân đã gọi Công an huyện Từ Liêm và Cảnh sát 113 kêu cứu, nhưng khi lãnh đạo huyện Từ Liêm và lực lượng Công an có mặt, tình hình vẫn không có gì chuyển biến. Các nhân viên ở đây đều lắc đầu, vì người chịu trách nhiệm chính là ông Ha vẫn "lánh mặt", không chịu gặp dân.
Cư dân Keangnam tụ tập ở phòng của Ban quản lý tòa nhà yêu cầu cung cấp quyền sử dụng thẻ thang máy cho người dân.
Chiều muộn, các hộ dân về nhà càng đông và không lên được nhà dẫn đến cảnh náo loạn tại toàn bộ khu nhà Keangnam, từ khu văn phòng đến hai sảnh tòa nhà A-B và phía hành lang bên ngoài. Người dân thậm chí đã căng lều bạt để tính đến giải pháp tránh "màn trời chiếu đất".
Chưa hết, đường truyền internet, truyền hình cũng liên tục trục trặc, hệ thống thông tin nội bộ hoàn toàn bị vô hiệu hóa, với mục đích để bà con Keangnam không nối được thông tin, không liên kết được nhau.
Cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài, khi ông Ha Jong Suk, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina vẫn kiên quyết không chấp nhận đề nghị của chính quyền là mở thang máy cho dân. Cuối cùng, với sức ép của cư dân và yêu cầu kiên quyết từ phía chính quyền, đại diện là ông Phó Công an huyện Từ Liêm và một số lãnh đạo huyện, đến 21h30 cùng ngày, thang máy mới được mở sau 4 tiếng căng thẳng.
Ông Ha đã phải nhượng bộ và ký vào văn bản cam kết với chính quyền và Ban đại diện cư dân với các nội dung: Mở toàn bộ thang máy cho cư dân đi lại; cam kết không được cắt bất cứ loại hình dịch vụ nào của dân; ấn định ngày đàm phán với Ban đại diện cư dân, dưới sự chủ trì của chính quyền địa phương vào tuần tới.
M.Thoa