Ngăn chặn tình trạng đánh nhau vào những ngày Tết
An ninh trật tự - Ngày đăng : 08:35, 06/02/2019
Ai cũng biết khi rượu vào thì lời ra, nên dễ xảy ra cự cãi, thách đố…không ai chịu ai và cuối cùng phải sử dụng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn. Bên cạnh nguyên nhân của tình trạng lạm dụng rượu, bia thiếu kiểm soát của lớp trẻ, thì tình trạng sử dụng ma túy, nhất là ma túy đá ngày càng phổ biến cũng là nguyên nhân gây ra các vụ đánh nhau. Khi sử dụng ma túy đá, người đó thường rơi vào trạng thái bị ảo giác, “ngáo đá”, nhầm tưởng mình bị uy hiếp nên đã đánh nhau, gây thương tích hoặc chết người mà thời gian qua báo chí đã đưa tin khá nhiều.
Ngoài những lý do trên, một trong những nguyên nhân dẫn đến đánh nhau xuất phát từ môi trường sống bạo lực nên đã sản sinh bạo lực. Chúng ta hãy hình dung, cuộc sống trong từng gia đình nếu môi trường giáo dục tốt, người lớn thương yêu và làm gương cho con trẻ thì đạo đức, nhân cách của đứa trẻ sẽ trong sáng, ngoan ngoãn, không có xu hướng bạo lực. Còn ngược lại nếu các em sống trong môi trường bạo lực như cha mẹ, anh em thường xuyên cự cãi, đánh nhau thì ít nhiều cũng tác động đến nhân cách của đứa trẻ, và xu hướng bạo lực sẽ là phương án ưu tiên để giải quyết mẫu thuẫn.
Mặt khác, tình trạng “nghiện” game bạo lực, xem phim ảnh, truyện tranh…bạo lực, thiếu lành mạnh cũng là nguyên nhân hình thành nên xu hướng bạo lực của giới trẻ, nhiều vụ việc mâu thuẫn đơn giản nhưng các em không biết cách giải quyết nên chọn đánh nhau là giải pháp duy nhất, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường gia tăng thời gian qua.
Hình minh họa. Nguồn: IT
Tình trạng đánh nhau trong những ngày Tết còn là một vấn đề mang tính xã hội rất khó giải quyết, đó là tình trạng hoạt động của các băng nhóm tội phạm, “xã hội đen” như bảo kê, cho vay nặng lãi, tổ chức cờ bạc, ma túy, mại dâm, cưỡng đoạt tài sản…đã và đang tồn tại mà chưa có giải pháp hiệu quả để triệt tiêu. Khi mâu thuẫn xảy ra giữa các băng nhóm như giành giật địa bàn làm ăn…thì việc xô xát, đánh nhau là tất yếu, mức độ thương tích thường rất cao và ít khi giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp này bằng pháp luật.
Bên cạnh đó, tình trạng đánh nhau cho thấy một bộ phận người dân có văn hóa ứng xử kém, không có kỹ năng xử lý tình huống, nhất là thanh thiếu niên. Nhiều khi chỉ là những va chạm nhỏ nhưng người ta cũng đẩy lên đến xung đột dẫn đến bạo lực. Nhiều người giải quyết mâu thuẫn không phải bằng cách hòa giải mà dùng nắm đấm, không khéo léo giải quyết vấn đề, nhường nhịn, tránh xung đột.
Xu hướng bạo lực cho thấy việc việc giáo dục nhân cách thanh thiếu niên của gia đình và nhà trường đang có vấn đề, cần nghiên cứu khắc phục. Theo đó, cần tăng cường việc giáo dục đạo đức, nhân cách, nhất là văn hóa ứng xử giữa người với người, cách thức giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng…sao cho hài hòa, văn hóa, giữ gìn hòa khí…là bài toán đặt ra cho gia đình, ngành giáo dục cần phải thực hiện một cách thường xuyên, lâu dài.
Mặt khác, tình trạng đánh nhau phản ánh nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao, nhất là đối tượng thanh thiếu niên, họ chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận với pháp luật, chưa đủ khả năng để nhận thức hành vi nguy hiểm cho xã hội và các khách thể được pháp luật bảo vệ. Khi bị bắt và xử lý thì họ mới biết rằng mình đã vi phạm pháp luật, đây cũng là lý do khiến tình trạng đánh nhau gia tăng.
Để ngăn chặn và hạn chế tình trạng đánh nhau cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trước mắt cần phải tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức của người dân, nhất là đối tượng thanh thiếu niên; các cơ quan có thẩm quyền cần kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ việc ẩu đả, đánh nhau và xử lý nghiêm, công khai để giáo dục, răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm.
Về lâu dài cần phát huy vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục thanh thiếu niên hình thành văn hóa ứng xử, văn minh, lịch sự; giải quyết mẫu thuẫn một cách hài hòa, nhẹ nhàng, tình cảm, không vi phạm pháp luật. Có như vậy, mới có thể hạn chế tình trạng đánh nhau xảy ra, nhất là vào những ngày Tết, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội hiện nay.