Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ: Tăng lương và thoái vốn nhà nước
Chính trị - Ngày đăng : 06:00, 16/12/2015
Cân đối nguồn điều chỉnh tiền lương trong năm 2016
Tại Quyết định 2100/QĐ-TTg về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao, sắp xếp các nhiệm vụ chi để cân đối nguồn thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở trong năm 2016.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2016, thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2 triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu đạt mức lương cơ sở. Người hưởng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công tiếp tục thực hiện mức điều chỉnh tăng 8% (đã thực hiện từ năm 2015).
Từ ngày 1/5/2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,21 triệu đồng/tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, bảo đảm mức lương của người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức hiện hưởng.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn để cải cách tiền lương trong năm 2016 từ một phần số thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị; tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngoài lương và có tính chất lương của các cơ quan, đơn vị; 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất).
Đồng thời, thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ngoài tiết kiệm 10% chi thường xuyên, thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) ngay từ khâu dự toán và giữ lại phần tiết kiệm ở các cấp ngân sách để bố trí chi thực hiện cải cách tiền lương.
Đối với một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn, sau khi thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương như trên mà vẫn thiếu nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2016, giao Bộ Tài chính thẩm định nhu cầu và nguồn cải cách tiền lương, thông báo số cần bổ sung từ ngân sách trung ương cho địa phương để thực hiện điều chỉnh tiền lương, phụ cấp trong năm 2016; đồng thời tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Quy định thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân gồm đối tượng, tiêu chuẩn, chính sách đối với công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân...
Theo đó, đối tượng được tuyển chọn gồm: công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự. Công dân nữ trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Công an nhân dân, nếu tự nguyện và Công an nhân dân có nhu cầu thì được xem xét, tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
Tăng lương là một niềm vui đối với người lao động
Nghị định quy định cụ thể tiêu chuẩn công dân được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân cũng như quy định thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là ba năm. Công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được phong, thăng cấp bậc hàm Binh nhì, Binh nhất, Hạ sĩ, Trung sĩ, Thượng sĩ. Thời hạn xét thăng cấp bậc hàm Binh nhì lên Binh nhất 6 tháng; Binh nhất lên Hạ sĩ 6 tháng; Hạ sĩ lên Trung sĩ 1 năm; Trung sĩ lên Thượng sĩ 1 năm.
Bên cạnh đó, Nghị định quy định, Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ có từ đủ 24 tháng đến dưới 36 tháng phục vụ tại ngũ, đạt danh hiệu chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ trở lên, bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp trong Công an nhân dân thì được xét, dự thi vào các học viện, trường Công an nhân dân theo quy định về tuyển sinh của Bộ Công an, tốt nghiệp ra trường được phong cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp.
Thoái vốn tại Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Phương án cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam theo hình thức bán bớt một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp.
Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam - CTCP có vốn điều lệ 88 tỷ đồng. Tổng số cổ phần là 8,8 triệu cổ phần, mệnh giá một cổ phần là 10.000 đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 1.760.000 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp 17.200 cổ phần, chiếm 0,2% vốn điều lệ; 3,5 triệu cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 39,77% vốn điều lệ; 3.522.800 cổ phần bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư, chiếm 40,03% vốn điều lệ.
Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, căn cứ quy định hiện hành và tình hình thực tế của doanh nghiệp, quyết định và chịu trách nhiệm về mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu. Chỉ đạo Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam tổ chức, triển khai bán cổ phần ra công chúng.
Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định tiêu chí, phương thức bán và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược bảo đảm đúng theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và quy định pháp luật liên quan Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 15 người; tổng số lao động chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần 14 người; số lao động nghỉ việc sau thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 1 người.
Thoái vốn tại công ty nông nghiệp Ninh Bình và xây tuyến đường trục chính Khu kinh tế Vân Đồn
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới Công ty nông nghiệp thuộc UBND tỉnh Ninh Bình. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chuyển Công ty nông nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối đối với Công ty TNHH một thành viên Bình Minh.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Ninh Bình có trách nhiệm thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Bình Minh theo quy định hiện hành.
UBND tỉnh Ninh Bình xây dựng Phương án quản lý đối với diện tích đất Công ty không có nhu cầu sử dụng bàn giao về địa phương; xử lý dứt điểm các trường hợp tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng đất không đúng quy định của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp và các quy định của pháp luật về đất đai.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo về việc điều chuyển nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương hỗ trợ hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu kế hoạch năm 2015.
Phó Thủ tướng đồng ý tỉnh Quảng Ninh được điều chuyển 75 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái kế hoạch vốn năm 2015 sang thực hiện Dự án tuyến đường giao thông trục chính nối các khu chức năng chính Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh (giai đoạn I). UBND tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng số vốn được điều chuyển nêu trên đúng mục đúng, đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án.