DNNN: Mâu thuẫn về lợi ích, quản lý chồng chéo

Chính trị - Ngày đăng : 10:49, 13/04/2012

Trọng tâm chính tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là tập trung vào các tổng công ty nhà nước, DNNN, thực thi việc hạn chế và chấm dứt các đầu tư ra ngoài các ngành nghề chính yếu, lĩnh vực sản xuất chủ yếu mà DNNN được tin tưởng giao nhiệm vụ.

Ảnh minh họa


Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện Quản lý kinh tế Trung ương thì các tổng công ty, tập đoàn là bộ phận chủ yếu của thành phần kinh tế chủ đạo trong nền kinh tế, là một trong các công cụ điều tiết nền kinh tế và công cụ ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế thì là công cụ thực hiện công nghiệp hóa nhưng các tổng công ty, tập đoàn kinh tế thường thiếu tầm nhìn, không xác định cụ thể sứ mệnh định vị giá trị mà họ sẽ hướng đến trong bối cảnh và quá trình phát triển ở Việt Nam… Đây là ý kiến phát biểu ngày 29-11-2011, tại Hội thảo “Quản trị DNNN trong tái cấu trúc nền kinh tế” do Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp với Trung tâm Tài chính và Phát triển Châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Tài chính Trung Quốc và Ngân hàng Thế giới tổ chức.


Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho biết, là công cụ thực hiện chính sách và nhiệm vụ xã hội nhưng các DN này lại không thể hiện trách nhiệm và giá trị xã hội trong chiến lược và cách thức kinh doanh của họ.


Một số chuyên gia tham dự hội thảo cũng đồng tình với ý kiến trên và cho rằng: Các DN này cũng được đánh giá là chưa trở thành DN có năng lực cạnh tranh quốc tế mặc dù họ được nhìn nhận là trụ cột cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, một số DNNN được độc quyền trên thị trường nội địa và độc quyền mà không bị kiểm soát hoặc kiểm soát đúng mức, độc quyền được bao che và ủng hộ. Điệp khúc thường thấy của DN này là thiếu vốn đầu tư thì đòi tăng giá, lỗ thì đòi tăng giá, giá chỉ có lên mà không xuống, chất lượng dịch vụ thấp. Là chủ đạo nhưng thực tế hiệu quả thấp, là một kênh làm xói mòn nguồn lực quốc gia. “Các DNNN nói chung và tập đoàn, tổng công ty nói riêng đã không hoàn thành được vai trò và vị trí của mình trong phát triển kinh tế, hiệu quả kinh doanh thấp và có xu hướng giảm”- Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

“Là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô nhưng thực tế DNNN lại là một trong số các nguyên nhân gây bất ổn kinh tế vĩ mô và làm cho bất ổn trở nên trầm trọng hơn. Các DNNN này không tập trung đầu tư, phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành cốt lõi mà đầu tư ngoài ngành tìm kiếm địa tô và lợi nhuận; không tạo dựng được lợi thế và năng lực cạnh tranh mới cho quốc tế”.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung


Tuy nhiên, việc quản trị DNNN đang đứng trước những thách thức lớn, ông Sameer Goyal, chuyên gia tài chính cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, DNNN đang phải chịu những mâu thuẫn về lợi ích, chịu sự quản lý của nhiều cơ quan, thiếu cơ chế khen thưởng phù hợp, thiếu cơ chế minh bạch thông tin và trong một số trường hợp họ phải thực hiện các sứ mệnh chính trị.


Theo ông Sameer, để làm tốt vai trò của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu thì đòi hỏi Nhà nước phải là một tổ chức tích cực và độc lập về chính trị. Chính phủ không cần tham gia vào công việc quản lý hàng ngày của DNNN và phải cho phép các DN quyền tự chủ hoạt động hoàn toàn để đạt được mục tiêu đề ra. Một điểm yếu khác dẫn đến những bất cập trong hoạt động của DNNN thời gian qua là sự minh bạch và cơ chế công bố thông tin.


Để khắc phục những yếu điểm trên, ông Sameer cho rằng, DNNN cần xây dựng quy trình kiểm toán nội bộ hiệu quả và thiết lập chức năng kiểm toán nội bộ dưới sự giám sát và báo cáo trực tiếp cho Hội đồng quản trị và Ủy ban Kiểm toán hoặc cơ quan tương đương. Đồng thời, DNNN cũng cần công bố các thông tin quan trọng và tập trung vào các lĩnh vực mà Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu và công chúng quan tâm. Các thông tin quan trọng mà DNNN cần công bố bao gồm bản cáo bạch rõ ràng cho công chúng về mục tiêu của DN và thành quả đạt được, quyền sở hữu và cơ cấu biểu quyết của DN, bất kỳ yếu tố rủi ro quan trọng nào và biện pháp quản lý các rủi ro…


Thư Kỳ

congly.com.vn