Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971: Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử

Chính trị - Ngày đăng : 10:49, 13/04/2012

Hướng tới kỷ niệm 40 năm chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5-9-1962 / 5-9-2012) và 35 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977 / 18-7-2012), sáng 29-11, Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Quảng Trị đã khai mạc Hội thảo khoa học “Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971: tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử”. Trung tướng Chănsamỏn Chănn

Trung tướng Nguyễn Thành Cung khai mạc Hội thảo

Khai mạc Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Thành Cung nhấn mạnh: Mùa xuân năm 1971, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, quân và dân Mặt trận đường 9 - Quảng Trị cùng quân, dân cả nước phối hợp cùng các lực lượng vũ trang Cách mạng Lào mở chiến dịch phản công trên Đường 9 - Nam Lào, đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của quân đội Việt Nam Cộng hòa với sự yểm trợ của quân đội Mỹ. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đã làm thất bại nặng nề về quân sự và chính trị của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, bảo vệ vững chắc tuyến hành lang vận tải chiến lược dọc biên giới Việt Nam - Lào, làm phá sản một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tiến lên giành thắng lợi.


Trung tướng Chănsamỏn Chănnhalạt, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng CHDCND Lào đánh giá cao ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Lào. Chiến dịch phối hợp giữa quân và dân hai nước trong mùa khô năm 1970-1971 với việc đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của đế quốc Mỹ và tay sai đã mở ra cục diện mới trên chiến trường, tạo thế, tạo lực đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân Lào đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Các đại biểu tham gia Hội thảo


Đánh giá cao ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm 1971, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Hữu Phúc cho rằng, chiến thắng Đường 9 - Nam Lào là chiến thắng của sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta, đường lối đoàn kết quốc tế, liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa 2 nước Việt Nam - Lào. 40 năm đã trôi qua, những bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra từ chiến thắng lịch sử này vẫn còn nguyên giá trị nghiên cứu, vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa góp phần củng cố và phát triển tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào nói chung, Quảng Trị và Xavẳnnakhẹt, Xaravan nói riêng hiện nay cũng như tương lai.


70 bài tham luận của các tướng lĩnh, cựu chiến binh, các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam và CHDCND Lào gửi đến và trình bày trực tiếp tại Hội thảo góp phần làm sáng tỏ hơn nữa sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương sự phát triển vượt bậc về chỉ đạo, điều hành chiến dịch của Bộ Quốc phòng sự chủ động, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nơi chiến dịch diễn ra... Hội thảo cũng là dịp tôn vinh và tri ân các anh hùng, liệt sỹ, đồng bào, đồng chí đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.


Nhiều tư liệu, tài liệu lịch sử, những nhận định mới về chiến dịch nhìn từ hai phía ta và địch, những thông tin về hoạt động tác chiến của quân đội nhân dân Lào và quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng đã được công bố tại cuộc Hội thảo mang đầy ý nghĩa này.


Xuân Khu

congly.com.vn