Tìm giải pháp thúc đẩy các DNNN thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường
Bày tỏ trăn trở tại sao hiệu quả sản xuất kinh doanh, của nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ?, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cần tìm giải pháp để thúc đẩy các DNNN thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường, chủ động và vận hành linh hoạt.
Sáng nay (18/3), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (UBQLVNN) tại doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban về giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, góp phần thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển KTXH.
Cùng tham dự hội nghị có các đồng chí: Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, định hướng để sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN, trong đó có việc đổi mới mô hình thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội là tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước với đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp, năm 2018, Chính phủ đã thành lập Ủy ban và giao thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty (trước đây thuộc 5 bộ), góp phần quan trọng để các bộ làm tốt hơn nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước, tập trung vào ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật, kiểm tra, thanh tra, giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Sau gần 5 năm thành lập Ủy ban, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận, đồng ý chủ trương tiếp tục thực hiện mô hình Ủy ban là cơ quan trực thuộc Chính phủ, làm đại diện chủ sở hữu DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đồng thời yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiếp tục hoàn thiện mô hình, đổi mới hoạt động của Ủy ban để đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ đặt ra, trong đó, tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là hoạch định chiến lược phát triển cho hệ thống doanh nghiệp nhà nước để giữ vai trò nòng cốt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hội nghị được tổ chức nhằm thực hiện kết luận của Bộ Chính trị để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty, phục vụ phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội, tiếp tục triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023-năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. An sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng-an ninh được củng cố, đối ngoại và hội nhập tiếp tục được mở rộng, tăng cường…
Trong thành tích chung của cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, có vai trò đóng góp rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, nộp ngân sách, tạo việc làm, trong đó có 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban.
Đến cuối năm 2022, 19 tập đoàn, tổng công ty nắm giữ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước và nắm giữ khoảng 65% tổng tài sản của DNNN trong cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất quan trọng, cơ bản, đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty chưa thực sự tương xứng với nguồn lực nắm giữ và dư địa phát triển còn rất lớn.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá kỹ lưỡng về những thành tựu, kết quả đã đạt được để tiếp tục phát huy, chỉ ra những việc chưa làm được, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, rút ra các bài học kinh nghiệm, dự báo các khó khăn cần giải quyết, những thách thức cần vượt qua, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty.
Thủ tướng yêu cầu, các đại biểu nói thẳng, nói thật, đi vào trọng tâm vấn đề, về các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, thảo luận, bàn kỹ, làm rõ thêm, bổ sung về các vấn đề trọng tâm, các nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu làm rõ những vấn đề về mô hình, tổ chức hoạt động của UBQLVNN cần phải đổi mới như thế nào? Chất lượng và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra chưa? Phân cấp, phân quyền giữa UBQLVNN và các Tập đoàn, Tổng công ty do UBQLVNN làm chủ sở hữu như thế nào? UBQLVNN đã tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm hoạch định chiến lược phát triển cho hệ thống doanh nghiệp nhà nước trực thuộc để giữ vai trò nòng cốt trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hay chưa? Ủy ban phê duyệt hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển của doanh nghiệp trực thuộc tại sao còn thực hiện chậm, nguyên nhân là gì?
Tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao nêu trong Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội như thế nào?
Giải pháp nào để hoàn thành Kế hoạch sản xuất kinh doanh và thực hiện các dự án đầu tư năm 2023 và cả giai đoạn 2023-2025 của 19 tập đoàn, tổng công ty? Trong đó, tập trung vào các giải pháp để đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm, tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Giải pháp nào để tận dụng được tối đa các nguồn lực sẵn có của hệ thống DNNN, tạo sự phối hợp, liên kết, tận dụng thế mạnh của doanh nghiệp trong các lĩnh vực để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm của đất nước góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra?
Tại sao hiệu quả sản xuất kinh doanh, của nhiều DNNN còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ (tổng lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 83.167 tỷ đồng, chỉ bằng 75,16% của năm 2018 (110.651 tỷ đồng)? Do cơ chế chính sách hay tổ chức thực hiện hay do trình độ, năng lực độ ngũ cán bộ? Giải pháp nào để thúc đẩy các DNNN thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường, chủ động và vận hành linh hoạt?
Vì sao 19 tập đoàn, tổng công ty chưa thể hiện được vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, hướng dẫn, thu hút, thúc đẩy các thành phần khác phát triển? Tại sao các doanh nghiệp nhà nước là chưa chú trọng đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo? Giải pháp thúc đẩy DNNN giữ vị thế đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu suất lao động và tạo thêm sản phẩm, dịch vụ mới?
Tại sao công tác quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới, chưa theo kịp với quy mô tài sản doanh nghiệp quản lý, thu hút lao động chất lượng cao còn hạn chế? Các giải pháp nào để hoàn thiện hệ thống quản trị DNNN theo các tiêu chuẩn quản trị hiện đại?
Dự kiến sau hội nghị, Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị hoặc Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong giai đoạn hiện nay, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững.