Hơn 3.500 câu hỏi, nguyện vọng gửi tới diễn đàn “Tiếng nói của tuổi trẻ - Hành động của Đoàn”
Trong khuôn khổ Tháng Thanh niên năm 2023, chiều 17/3, Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức Diễn đàn “Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn”. Diễn đàn được kết nối với hơn 11.000 điểm cầu trong và ngoài nước.
Đây là diễn đàn để Ban Bí thư Trung ương Đoàn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, hiến kế của đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trong và ngoài nước; đồng thời trao đổi về những giải pháp của Đoàn, Hội, Đội, để thực hiện những vấn đề các bạn trẻ đang quan tâm, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
Tham gia diễn đàn có các thành viên trong Ban Bí thư Trung ương Đoàn; lãnh đạo các cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương; lãnh đạo các ban phong trào và Văn phòng Trung ương; Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam; Trưởng Ban Thanh niên Quân đội; Trưởng Ban Thanh niên công an nhân dân, Thành đoàn Hà Nội, Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương, và một số đại diện Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022.
Diễn đàn với hai nội dung chính: “Phát huy sức trẻ xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc” và “Đồng hành, tạo môi trường để thanh, thiếu nhi phát triển toàn diện”, thu hút gần 300.000 cán bộ đoàn, hơn 1 triệu đoàn viên, thanh niên tham gia trên các nền tảng trực tuyến.
Điểm mới của năm nay là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cùng Ban Bí thư Trung ương Đoàn và lãnh đạo các ban, đơn vị của Đoàn tham gia đối thoại, thay vì chỉ Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn đối thoại.
Cùng với đó, trong suốt thời điểm diễn ra chương trình, các trang mạng xã hội của Đoàn, Hội, Đội đồng thời tiếp nhận các câu hỏi của đoàn viên, thanh, thiếu nhi trong và ngoài nước. Hơn 11.000 điểm cầu trong và ngoài nước tham gia tiếp sóng trực tiếp.
Trong gần 3 giờ đồng hồ, đã có 573 câu hỏi được Ban Bí thư Trung ương Đoàn trả lời trực tiếp và trực tuyến trên website của diễn đàn, trong số hơn 3.500 câu hỏi được gửi tới diễn đàn.
Tại diễn đàn, các thanh niên quan tâm nhiều đến vấn đề chuyển đổi số; giải pháp để giúp thanh niên tăng cường “sức đề kháng” trước các thông tin xấu, độc, sai sự thật trên môi trường số; giải pháp để nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh, thiếu niên về chủ quyền biển, đảo; làm thế nào để các hoạt động tình nguyện của thanh niên ở trong nước và quốc tế thực sự hiệu quả và bền vững.
Bên cạnh đó, vấn đề tai nạn thương tích, phòng, chống xâm hại; bảo vệ môi trường; nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho thanh niên hay hỗ trợ, đồng hành cùng người trẻ mang văn hóa Việt Nam vươn xa ra thế giới cũng được đặc biệt quan tâm.
Trực tiếp lắng nghe và trả lời câu hỏi về vấn đề chuyển đổi số, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cho biết, Trung ương Đoàn đang xây dựng đề án “Nâng cao năng lực số cho thanh, thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2023-2030” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu hỗ trợ thanh, thiếu niên nâng cao nhận thức, thái độ; trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo... trong môi trường số.
Bên cạnh đó, có hai yếu tố quan trọng xây dựng “con người số” là nhận thức số và năng lực số. Vai trò của tổ chức Đoàn là cần góp phần tạo dựng môi trường để bạn trẻ phát triển kỹ năng số. Từng đoàn viên, thanh niên cũng cần có ý thức tham gia vào quá trình chuyển đổi số và tự nâng cao năng lực số…
Một câu hỏi khác được nhiều đoàn viên, thanh niên quan tâm là giải pháp giúp thanh niên tăng cường “sức đề kháng” trước các thông tin xấu, độc, sai sự thật trên mạng xã hội.
Liên quan nội dung này, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho biết, năm 2022, từ đề xuất của Trung ương Đoàn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030. Đây là cơ sở rất quan trọng để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đoàn.
Theo đó, bên cạnh những tiện ích mang lại, không gian mạng cũng có những hệ luỵ, nguy cơ đối với giới trẻ, nhất là việc tiếp cận với những thông tin xấu, độc, tin giả, những sản phẩm thông tin độc hại. Thời gian qua, Đoàn đã có nhiều ấn phẩm cung cấp kỹ năng để đoàn viên, thanh niên sử dụng mạng an toàn và an toàn trên không gian mạng.
'Chúng ta phải tự trang bị để làm phong phú thêm kho tàng kiến thức, kỹ năng và cách để kiểm chứng thông tin trên các kênh thông tin chính thống. Đặc biệt, để thông tin bớt tiêu cực, cần có nhiều hơn những câu chuyện tích cực, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn nhấn mạnh.
Với câu hỏi "hiện nay nhiều bản làng đã thu hút người dân xa quê quay trở về cống hiến cho quê hương, vậy làm thế nào để “thôn bản trở thành làng quê đáng sống”, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương cho biết, ngay từ đầu năm Trung ương Đoàn có hướng dẫn các cấp bộ Đoàn trong việc triển khai phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, từ đó chọn lựa những giải pháp cụ thể để triển khai cho phù hợp với từng địa phương, đơn vị.
Sau đại dịch Covid-19, tình hình di - biến động của thanh niên về làng quê, rất nhiều lao động từ thành phố lớn về quê không trở lại làm việc.
Giải pháp của Đoàn ngoài việc đưa thanh niên, người lao động trở lại thành phố làm việc thì cũng cần có giải pháp để hỗ trợ cho những thanh niên ở lại lập nghiệp ngay trên chính quê hương mình.
Bên cạnh đó, giúp các bạn tiếp cận tư vấn hỗ trợ kiến thức, giới thiệu mô hình phát triển kinh tế phù hợp; hỗ trợ vốn thông qua vốn 120, vốn ủy thác, vốn ưu đãi khác…