Sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành về công tác thi hành án
Chính trị - Ngày đăng : 21:44, 26/11/2015
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại hội nghị
Đến dự có Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba, Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào, Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể.
Báo cáo sơ kết việc thực hiện Quy chế 14, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Hoàng Sỹ Thành cho biết: Các cơ quan liên ngành ở TƯ và địa phương đã nhận thức đầy đủ vai trò quan trọng của Quy chế 14; tích cực quán triệt, triển khai trong toàn ngành. Công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về THADS được các ngành chú trọng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Công tác xây dựng văn bản liên quan đến công tác THADS được chú trọng. Việc phối hợp giữa cơ quan THADS với cơ quan Tòa án trong việc chuyển giao, giải thích, đính chính, bổ sung bản án, quyết định được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Công tác phối hợp với cơ quan VKS được tăng cường, nhất là trong việc giải quyết các vụ án lớn, phức tạp. Cơ quan THADS và cơ quan Công an đã tích cực trong phối hợp cưỡng chế THA; thu tiền, tài sản đặc xá, xuất nhập cảnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng cục trưởng cũng cho biết, việc triển khai Quy chế còn một số tồn tại, hạn chế như: một số Tòa án chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án cấp tỉnh và cấp huyện còn chậm; chưa đáp ứng yêu cầu; phối hợp trong công tác giao nhận vật chứng, cưỡng chế, thu tiền, tài sản tại các Trại giam còn có sự không thống nhất về thời điểm giao nhận vật chứng; trong một số trường hợp, Viện kiểm sát chưa kịp thời có ý kiến với Tòa án trong việc trả lời kiến nghị, giải thích bản án, quyết định theo đề nghị của cơ quan thi hành án; công tác phối hợp giữa cơ quan THADS với Công an, Tòa án, Viện kiểm sát ở một số địa phương có nơi có lúc thiếu đồng bộ, chưa chủ động...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào nhấn mạnh: “Các ngành ở địa phương cần thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện quy chế, trên cơ sở đó tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc. Tránh trường hợp hết thời hạn kháng nghị, THA mới đề nghị xem xét lại bản án”.
Chung quan điểm, Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể cho rằng, phải tìm ra nguyên nhân của các tồn tại trong cơ chế phối hợp để tìm giải pháp khắc phục. Đặc biệt, nếu Quy chế đã bộc lộ bất cập thì phải nghiên cứu xem xét, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thức tế.
Trung tướng Hồ Thanh Đình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đề nghị, khi có yêu cầu cưỡng chế, cơ quan THADS cung cấp tài liệu liên quan đến vụ việc và sơ đồ hiện trạng làm cơ sở cho việc lên phương án cưỡng chế; Tổng cục tăng cường chỉ đạo các Cục THADS trong phối hợp với cơ sở giam giữ trong việc giải quyết số tiền tồn đọng đang tạm giữ; Tòa án khi tuyên án cần rõ trách nhiệm của từng bị cáo trong những vụ án có nhiều bị cáo cùng thực hiện việc bồi thường.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả trong công tác phối hợp liên ngành trong THADS. Cám ơn sự nỗ lực của các ngành trong phối hợp với ngành Tư pháp thời gian qua, Bộ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác THADS, đồng thời nhấn mạnh, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chính trong công tác THADS, nên tuyệt đối không được để các bản án bị “treo”, thi hành không nghiêm. Đồng thời cần tiếp tục quán triệt những nội dung đã ký kết; những nơi chưa ký quy chế phối hợp các ngành cần chỉ đạo để thực hiện. Đối với những vụ phức tạp, gây nhiều bức xúc cần chỉ đạo quyết liệt để giải quyết dứt điểm. Cần rà soát lại các nội dung trong Quy chế, không phù hợp thì phải sửa đổi, bổ sung. Các ngành cần tạo điều kiện kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả công tác THADS thời gian tới.
Cũng trong chiều nay, Tổng cục Thi hành án dân sự và Tổng cục VIII (Bộ Công an) đã ký Quy chế phối hợp liên ngành. Hội nghị cũng trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Tư pháp cho các cá nhân thuộc Tổng cục VIII.