Tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền lập hội
Chính trị - Ngày đăng : 20:37, 26/11/2015
Thông qua dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới
Với 85,63% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Nghị quyết nêu rõ: Phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới để bổ sung Hiệp định tạo thuận lợi thương mại vào Phụ lục 1A của Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cam kết thực hiện toàn bộ các điều khoản trong Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Ảnh: TTXVN
Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoàn tất thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và tổ chức thực hiện sau khi Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới có hiệu lực đối với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam .
Cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và cơ quan Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
Dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự bao gồm 10 chương, 73 điều đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với đa số phiếu tán thành.
Luật này quy định về nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự; tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Điều tra viên và các chức danh khác trong điều tra hình sự; quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát trong hoạt động điều tra hình sự; bảo đảm điều kiện cho hoạt động điều tra hình sự và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đối tượng áp dụng của luật gồm: Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng và cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định Cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an nhân dân, cơ quan Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Về trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an (Điều 44 của dự thảo Luật), báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết d ự thảo Luật không quy định Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và có thẩm quyền tố tụng mà chỉ quy định trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an hỗ trợ hoạt động điều tra. Trên thực tế, nhiều trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an là cơ quan trực tiếp, đầu tiên tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, bảo vệ hiện trường, phát hiện bắt, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã lẩn trốn trên địa bàn và chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để thực hiện hoạt động tố tụng. Dự thảo Luật quy định chỉ giao cho các cơ quan này được tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và thực hiện một số hoạt động hỗ trợ cho điều tra là phù hợp, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa và chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền mà không xử lý tố giác, tin báo về tội phạm nên không phải là hoạt động tư pháp.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự số 23/2004/PL-UBTVQH11, Nghị quyết số 127/2004/NQ-UBTVQH11, Pháp lệnh s ố 30/2006/PL-UBTVQH11 sửa đổi Điều 9 của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, Pháp lệnh số 09/2009/PL-UBTVQH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Cần thiết phải ban hành Luật về hội
Thời gian còn lại của phiên làm việc chiều nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận dự thảo Luật về hội.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành cần thiết phải ban hành Luật về hội nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền lập hội của công dân, phát huy vai trò tích cực của hội trong đời sống xã hội và tăng cường quản lý nhà nước về hội. Luật phải tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền lập hội, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, nhất là tự trang trải kinh phí hoạt động, hạn chế tối đa sự bao cấp, trông chờ vào ngân sách nhà nước, tránh xu hướng “hành chính hóa” tổ chức và hoạt động của hội, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước về hội; góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Vũ Xuân Trường phát biểu ý kiến.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với dự thảo Luật quy định Luật này không áp dụng đối với “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam”. Đây là các tổ chức chính trị - xã hội được quy định trong Hiến pháp, có vị trí, vai trò đặc biệt, được giao thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng và được Đảng bố trí các cán bộ chủ chốt trong ban lãnh đạo, được Nhà nước bảo đảm cơ sở vật chất, ngân sách hoạt động; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách. Nếu xác định vị trí, vai trò của các tổ chức này là các hội thuần tuý mang tính chất xã hội tự quản và chịu sự điều chỉnh của Luật về hội là chưa phản ánh đúng bản chất và thực tế sự phát triển lịch sử của hệ thống chính trị ở nước ta. Hơn nữa, một số tổ chức chính trị - xã hội đã được điều chỉnh trong các luật, pháp lệnh khác như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật thanh niên, Pháp lệnh cựu chiến binh.
Khoản 3 Điều 4 của dự thảo Luật quy định một trong các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội và quyền tham gia hội là trường hợp của “Cán bộ, công chức chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức”. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, cân nhắc để hạn chế thấp nhất việc cho phép cán bộ, công chức lập và tham gia hội. Theo đại biểu, quy định này nảy sinh một số vấn đề, thứ nhất theo quy định trên cán bộ, công chức có quyền lập và tham gia hội khi có điều kiện là được cơ quan quản lý mình cho phép; thứ 2 người có thẩm quyền quản lý đồng ý cho cán bộ, công chức của mình lập hay tham gia hội trên cơ sở nào, theo quy định nào hay thích thì cho, không thích thì không cho. Đại biểu phân tích: khi đã đồng ý cho người ta lập hội và tham gia hội cũng đồng nghĩa với việc phải tạo điều kiện, nhất là thời gian để họ tham gia hội. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh: “chúng ta cứ trăn trở làm sao để có đội ngũ cán bộ, công chức mẫn cán, hết lòng với công việc được giao. Chính phủ đã từng xây dựng Đề án nâng cao chất lượng thời gian làm việc của cán bộ, công chức nhưng cứ cho tham gia hội rồi lấy thời gian của nhà nước để làm cho hội là điều hết sức mâu thuẫn”.
Một số ý kiến tán thành việc cho phép người có quốc tịch nước ngoài hoặc người không quốc tịch đang sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia hội trong một số trường hợp cụ thể nhằm bảo đảm việc triển khai thực hiện Công ước về quyền con người mà Nhà nước ta đã tham gia và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong tình hình hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng, các quy định trong dự thảo luật còn nặng về quản lý nhà nước mà chưa đề cập, phát huy, đề cao được quyền lập hội của công dân. Đề nghị ban soạn thảo rà soát kỹ để giảm bớt thủ tục hành chính, đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận động lập hội, tham gia lập hội, quyền tham gia hội của công dân và tổ chức.
Đoàn đại biểu Liên đoàn nhà báo ASEAN đã tới dự thính phiên làm việc chiều nay của Quốc hội.