Lãnh đạo Nhà nước phải tuyên thệ sau khi nhậm chức
Chính trị - Ngày đăng : 12:19, 24/11/2015
Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết
Đây là nội dung được thể hiện tại Điều 29 của Nội quy Kỳ họp Quốc hội vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng nay (24/11) với tỷ lệ tán thành 87,65%.
Theo đó, người tuyên thệ quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao. Người tuyên thệ phải đứng trước Quốc kỳ tuyên thệ. Thời gian tuyên thệ không quá 3 phút.
Về vấn đề hát quốc ca: Nội quy cũng quy định Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Kỳ họp giữa năm khai mạc vào ngày 20/5; kỳ họp cuối năm khai mạc vào ngày 20/10.
Trường hợp ngày 20/5 và ngày 20/10 trùng vào ngày thứ sáu của tuần hoặc ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày khai mạc kỳ họp là ngày làm việc kế tiếp.
Trường hợp bất khả kháng không thể tổ chức kỳ họp vào các thời điểm nêu trên thì ngày khai mạc kỳ họp do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.
Ngày khai mạc kỳ họp cuối nhiệm kỳ và kỳ họp bất thường của Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.
Trước khi Chủ tịch Quốc hội khai mạc và sau khi Chủ tịch Quốc hội bế mạc kỳ họp, Quốc hội làm lễ chào cờ. Tại lễ chào cờ, quân nhạc cử Quốc thiều, đại biểu Quốc hội và những người tham dự hát Quốc ca.
Đại biểu Quốc hội vắng mặt nhiều sẽ ghi vào biên bản, không được biểu quyết thay
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội cho phù hợp với đặc thù nước ta là có 2/3 đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, không nên quản lý theo cách hành chính bằng việc báo cáo, xin phép khi vắng mặt. Ý kiến khác đề nghị làm rõ quy định đại biểu Quốc hội phải báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định trong trường hợp vắng mặt tại kỳ họp 3 ngày liên tục hay 3 ngày ngắt quãng? Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị bổ sung chế tài đối với đại biểu Quốc hội trong trường hợp vắng mặt nhiều ngày mà không được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội để nâng cao trách nhiệm của ĐB. Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết:
Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp Quốc hội, thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.
Trường hợp không thể tham dự phiên họp, đại biểu Quốc hội báo cáo Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Tổng thư ký Quốc hội tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội.
Trường hợp đại biểu Quốc hội không thể dự kỳ họp Quốc hội hoặc vắng mặt từ 03 ngày làm việc liên tục trở lên tại mỗi kỳ họp thì gửi văn bản và nêu rõ lý do đến Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời gửi văn bản đến Tổng thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định.
Danh sách đại biểu Quốc hội không thể dự kỳ họp Quốc hội được ghi vào Biên bản kỳ họp Quốc hội; danh sách các đại biểu Quốc hội vắng mặt phiên họp được ghi vào Biên bản phiên họp.
Về biểu biểu quyết tại phiên họp toàn thể, theo Nội quy, việc tiến hành biểu quyết được thực hiện theo nguyên tắc trực tiếp, đại biểu Quốc hội không biểu quyết thay đại biểu Quốc hội khác. Đại biểu Quốc hội có quyền biểu quyết tán thành, không tán thành hoặc không biểu quyết.
Nội quy cũng ghi rõ công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Tổng thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp của Quốc hội.
Quốc hội chính thức quyết định Ngày bầu cử
Cũng trong sáng nay với 92,11% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội quyết định Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 là là 22/5/2016- ngày Chủ nhật theo đúng quy định của Luật Bầu cử.
100% đại biểu có mặt cũng tán thành thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia với cơ cấu theo Tờ trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, Hội đồng gồm 1 Chủ tịch và 4 phó Chủ tịch (Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng và Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam).
Dự kiến nhân sự Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ được các đại biểu thảo luận tại Đoàn và biểu quyết thông qua danh sách tại Hội trường để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.