Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 27

Chính trị - Ngày đăng : 14:30, 22/11/2015

Báo Công lý trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27, Kuala Lumpur, ngày 21/11/2015.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 27. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa các Quý vị đồng nghiệp,

Trước hết, tôi cám ơn Ngài Thủ tướng và nhân dân Malaysia về lòng hiếu khách và sự chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị. Trong năm qua, Malaysia đã phát huy tinh thần tích cực, trách nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Ngài Chủ tịch cùng đóng góp tích cực của các nước thành viên, Hội nghị Cấp cao ASEAN-27 và các Cấp cao liên quan sẽ thành công tốt đẹp.

Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng đặc biệt vì sẽ tuyên bố chính thức hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 và thông qua Tầm nhìn ASEAN 2025. Đây là dấu mốc lịch sử, phản ánh sự trưởng thành của Hiệp hội sau 48 năm phát triển, khẳng định giá trị của đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN.

Chúng ta vui mừng và tự hào về thành công của ASEAN, đồng thời cũng nhận thức rõ, thách thức đối với Hiệp hội. Những diễn biến nhanh chóng và phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế đang tác động đến an ninh và phát triển của ASEAN, nổi lên là: kinh tế khu vực tăng trưởng khá nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro; thách thức an ninh phi truyền thống và xuyên quốc gia ngày càng nghiêm trọng; tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ trên biển, nhất là ở Biển Đông vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở Châu Á - Thái Bình Dương ngày càng gia tăng. Trong khi đó, ASEAN còn hạn chế về mức độ liên kết, khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên còn lớn, bộ máy và cơ chế hoạt động chưa thực sự hiệu quả, đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN có lúc còn gặp thách thức.

Thời gian tới, chúng ta cần phát huy xung lực mới của ASEAN cũng như các giá trị và phương cách ASEAN, kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của Hiệp hội. Tôi xin nhấn mạnh một số trọng tâm và ưu tiên hợp tác ASEAN như sau:

Một là, cần có biện pháp và nguồn lực thích đáng triển khai hiệu quả Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể trên từng trụ cột Cộng đồng. Tôi đề nghị giao cho các Bộ trưởng xác định lĩnh vực ưu tiên, các biện pháp và nguồn lực thực hiện cho từng giai đoạn 3 năm hoặc 5 năm, nhất là tăng cường cơ chế giám sát việc thực thi, sớm hoàn tất việc cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN; nâng cao hiệu quả thực hiện Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN và Kế hoạch công tác về Sáng kiến liên kết ASEAN về thu hẹp khoảng cách phát triển; lồng ghép các thỏa thuận của ASEAN vào các chương trình hành động quốc gia, và với các Mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc vừa thông qua.

Hai là, tăng cường đoàn kết, thống nhất lập trường chung, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác đối thoại; nâng cao hiệu quả hoạt động của các diễn đàn ASEAN và thúc đẩy định hình một cấu trúc khu vực dựa trên các cơ chế hiện có của ASEAN. Tôi đề nghị cho các Bộ trưởng khẩn trương thực hiện Kế hoạch công tác về duy trì và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN, tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với các đối tác, nhất là các bên đối thoại.

Ba là, duy trì hòa bình và ổn định khu vực cần tiếp tục được dành ưu tiên cao. ASEAN đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong hợp tác chính trị - an ninh. Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa hợp tác; thúc đẩy sự tham gia tích cực và đóng góp xây dựng của các đối tác; phát huy vai trò chủ động và dẫn dắt trong việc xử lý những thách thức an ninh đối với khu vực.

Thưa quý vị,

Một trong những thách thức an ninh nghiêm trọng nhất đối với khu vực chúng ta hiện nay là những diễn biến ngày càng phức tạp ở Biển Đông. Việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các đảo, đá và các hoạt động đơn phương khác ở Biển Đông đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, và có thể dẫn đến nguy cơ quân sự hóa và xung đột trên biển, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực.

Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của ASEAN cũng như các nước trong và ngoài khu vực; thể hiện uy tín và vai trò trung tâm của ASEAN. Hiệp hội đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý vấn đề Biển Đông, kể cả bày tỏ quan ngại và lập trường chung về vấn đề này, gần đây nhất là tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 26 (tháng 4/2015) và Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 (tháng 8/2015). Thực tế tình hình này đòi hỏi ASEAN chúng ta tiếp tục đoàn kết, thống nhất và thực hiện một số công việc sau:

- Kịp thời lên tiếng bày tỏ quan ngại chung về những diễn biến phức tạp và hành động đơn phương ở Biển Đông, cùng với những hệ lụy xấu và rất nguy hiểm của nó.

- Thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không có hành động gây phức tạp và căng thẳng thêm tình hình.

- Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng và ngăn ngừa xung đột thông qua các cơ chế của ASEAN. Theo hướng đó, Việt Nam chúng tôi đề nghị ASEAN chúng ta cùng với Trung Quốc cam kết không theo đuổi - không có hành động quân sự hóa ở Biển Đông; Tăng cường trao đổi và thúc đẩy Trung Quốc thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), trước mắt tập trung cụ thể hóa Điều 5; trao đổi thực chất, sớm thông qua Bộ Quy tắc COC.

Tôi tin tưởng rằng với quyết tâm và nỗ lực chung của các nước thành viên, ASEAN sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và thu được những thành tựu to lớn hơn nữa.

Chúng tôi xin chúc Cộng hòa dân chủ nhân Lào đảm nhận thành công năm Chủ tịch ASEAN 2016.

Trân trọng cám ơn.