Báo cáo do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên chất vấn (Phần 2)
Chính trị - Ngày đăng : 20:41, 16/11/2015
Bấm vào đây để xem phần đầu
11. Lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo
Triển khai Chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, chú trọng liên thông giữa các cấp học, trình độ, hình thức giáo dục, đào tạo. Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2015. Thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; hướng dẫn nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng học sinh và thực tiễn địa phương.
Giai đoạn 2011 - 2015, đã dành 20% tổng chi NSNN cho giáo dục đào tạo, trong đó giáo dục tiểu học chiếm 33%, trung học cơ sở chiếm 22%. Lồng ghép các nguồn vốn, chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, dự án đầu tư khác cho giáo dục.
Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường và ban hành quy định về thành lập, hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục đại học . Chú trọng đào tạo theo nhu cầu xã hội và yêu cầu hội nhập quốc tế. Thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ đối với một số cơ sở giáo dục đại học công lập. Thực hiện công bố chuẩn đầu ra của các ngành, chuyên ngành đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên, giáo dục đại học, đào tạo nghề chưa thực sự gắn với nhu cầu xã hội, chất lượng chậm được cải thiện. Việc sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để tuyển sinh đại học, cao đẳng còn lúng túng. Cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu.
12. Lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Ban hành và triển khai thực hiện Chương trình hành động về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng. Phát động nhiều cuộc vận động, phong trào văn hóa. Tăng cường đầu tư, khuyến khích các loại hình văn hóa, nghệ thuật, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa . Chú trọng việc tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Thực hiện Chiến lược phát triển thể dục thể thao và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Ban hành các chính sách phát triển thể thao thành tích cao. Áp dụng cơ chế quản lý thể thao chuyên nghiệp đối với một số môn thể thao. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo vận động viên.
Thực hiện Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam và quy hoạch các vùng du lịch. Tăng cường liên kết, quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước gắn với xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia Việt Nam. Miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và công dân một số nước. Chú trọng công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách.
Tuy nhiên, vẫn còn những biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử; một số hoạt động lễ hội phản cảm, lãng phí; những lệch lạc trong sáng tác, biểu diễn. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động văn hóa còn bất cập. Nhiều công trình thể thao sử dụng không đúng mục đích. Chất lượng dịch vụ du lịch nhìn chung còn thấp; lượng khách quốc tế đến Việt Nam ở mức thấp so với các nước trong khu vực.
13. Lĩnh vực Thông tin và Truyền thông
Xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Ban hành và triển khai các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Tăng cường quản lý nhà nước; xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật An toàn thông tin; triển khai hệ thống giám sát, quản lý, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng . Thực hiện Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia . Đầu tư xây dựng, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng viễn thông trong nước và kết nối quốc tế. Chú trọng nghiên cứu phát triển sản phẩm thông tin truyền thông có công nghệ cao. Phòng chống mã độc, tấn công mạng và các doanh nghiệp viễn thông, cung cấp dịch vụ mạng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.
Tuy nhiên, sai phạm trong hoạt động báo chí còn nhiều; việc ngăn chặn thông tin sai trái, độc hại trên các trang tin điện tử, mạng xã hội rất khó khăn; việc bảo an toàn thông tin, an ninh mạng còn bất cập; chưa xử lý hiệu quả tình trạng tin nhắn rác, sim rác.
14. Lĩnh vực Tư pháp
Nội dung chất vấn tập trung vào triển khai thi hành Hiến pháp 2013, công tác xây dựng pháp luật và thi hành án dân sự.
Tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp 2013. Công tác phổ biến, giáo dục Hiến pháp và pháp luật được tích cực triển khai; công bố và hàng năm tổ chức Ngày pháp luật Việt Nam. Đã rà soát trên 100 nghìn văn bản quy phạm pháp luật và lập danh mục văn bản cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới. Tính đến tháng 9 năm 2015, Chính phủ đã trình 90 trong tổng số 99 dự án Luật, Pháp lệnh đã được thông qua (chiếm 91,9%), trong đó có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất).
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và nâng cao chất lượng cán bộ chuyên trách xây dựng pháp luật. Chính phủ đã chú trọng nội dung xây dựng pháp luật tại các phiên họp thường kỳ và tổ chức các phiên họp chuyên đề. Tình trạng nợ đọng văn bản được cải thiện. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính trong quá trình soạn thảo văn bản được quan tâm hơn. Kiểm tra, xử lý các văn bản có nội dung trái pháp luật; chủ động phát hiện và tiếp thu phản ánh, kiến nghị; kịp thời xử lý những sai sót, bất cập.
Trình ban hành và triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Tập trung kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ trong công tác thi hành án dân sự.
Tuy nhiên, việc chuẩn bị một số dự án Luật, Pháp lệnh vẫn còn chậm. Còn tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Một số quy định thiếu tính khả thi, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Hiệu quả kiểm soát thủ tục hành chính chưa cao. Quản lý thi hành án dân sự vẫn còn bất cập; năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một số công chức thi hành án dân sự chưa đáp ứng yêu cầu; số trường hợp vi phạm, bị xử lý có xu hướng tăng.
15. Lĩnh vực Nội vụ
Nội dung chất vấn tập trung vào tổ chức bộ máy biên chế, số lượng cấp phó, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và công tác cải cách hành chính.
Tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương được sắp xếp, kiện toàn, cơ bản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Cơ quan chuyên môn ở địa phương được giữ ổn định. Triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Quản lý chặt chẽ biên chế công chức, kể cả biên chế dự phòng và số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Triển khai xây dựng đề án vị trí việc làm. Thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập; thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của một số cơ sở giáo dục đại học công lập.
Tổng số cán bộ cấp Thứ trưởng cơ bản không tăng so với đầu nhiệm kỳ; một số cơ quan tăng do sắp xếp tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và yêu cầu của công tác cán bộ; gần đây Bộ Chính trị điều động một số đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng về các Bộ, ngành. Việc tăng số lượng cấp phó các đơn vị thuộc một số bộ, ngành chủ yếu do sắp xếp, hợp nhất tổ chức bộ máy nội bộ đối với những lĩnh vực có phạm vi, đối tượng quản lý rộng. Số lượng cấp phó ở các Bộ, ngành và địa phương sẽ giảm trong quá trình thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Triển khai các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Ban hành 47 tiêu chuẩn ngạch công chức, 21 bộ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. Đổi mới công tác thi tuyển, thi nâng ngạch công chức theo nguyên tắc cạnh tranh; đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển và quản lý công chức.
Tích cực triển khai chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính. Triển khai mô hình một cửa liên thông hiện đại tại 50% đơn vị cấp huyện; thí điểm tổ chức trung tâm hành chính công ở một số địa phương. Thời gian thực hiện thủ tục hành chính được cắt giảm đáng kể. Triển khai cơ chế một cửa quốc gia, hệ thống hải quan điện tử, kết nối kỹ thuật một cửa ASEAN. Bước đầu thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Xây dựng các cơ sở dữ liệu điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Tăng cường họp, chỉ đạo điều hành trực tuyến và xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Triển khai xây dựng cổng thông tin và mạng hành chính điện tử bốn cấp, xây dựng Chính phủ điện tử.
Tuy nhiên, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo. Việc đổi mới chế độ công vụ, công chức còn chậm; tinh giản biên chế còn khó khăn. Chất lượng của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà. Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm.
16. Lĩnh vực Thanh tra
Nội dung chất vấn tập trung vào giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, công tác thanh tra và xây dựng ngành.
Đã ban hành và triển khai thực hiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân. Tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài; đã giải quyết xong 512/528 vụ việc, đạt tỷ lệ 97%. Rà soát 503 vụ việc tồn đọng khác, trong đó có 254 vụ việc đủ điều kiện chấm dứt thụ lý, 59 vụ việc đã có văn bản thông báo chấm dứt giải quyết. Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cơ bản thực hiện tốt việc tiếp công dân theo quy định.
Đã ban hành và triển khai thực hiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Đẩy mạnh phổ biến pháp luật và tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, cơ quan báo chí và người dân tham gia tích cực vào công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tăng cường hợp tác quốc tế; chủ động, tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Tăng cường chỉ đạo, giám sát hoạt động thanh tra, bảo đảm công tâm, khách quan, chính xác, đúng pháp luật; đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nhiều vi phạm, kịp thời chuyển những vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra theo đúng quy định. Ban hành Nghị định về thực hiện kết luận thanh tra, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện và đôn đốc, kiểm tra, bảo đảm xử lý đến cùng kết luận thanh tra .
Triển khai xây dựng Chiến lược phát triển ngành Thanh tra; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy; ban hành các tiêu chuẩn, chế độ, chính sách và chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất của cán bộ, công chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong toàn ngành thanh tra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn xảy ra nhiều vụ khiếu kiện đông người, nhất là liên quan đến đất đai, môi trường. Lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện tốt các quy định của Luật Tiếp công dân. Công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra; thu hồi tài sản tham nhũng tuy có khá hơn nhưng vẫn đạt tỷ lệ thấp.
17. Lĩnh vực An ninh, trật tự an toàn xã hội
Ban hành và tích cực triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp về an ninh; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, các sự kiện quan trọng của đất nước. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ.
Hoàn thiện pháp luật về phòng chống tội phạm và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống tội phạm. Huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị và toàn dân; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo 138/CP trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa; mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm theo từng tuyến, địa bàn, loại tội phạm; điều tra khám phá kịp thời các vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Từng bước kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Trình Quốc hội ban hành và tập trung triển khai thực hiện Luật Công an nhân dân. Kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường công tác cán bộ; chú trọng đào tạo nâng cao phẩm chất, trình độ cho cán bộ, chiến sỹ, nhất là các lực lượng trực tiếp chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuy nhiên, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội tại một số địa bàn vẫn còn phức tạp, đã xảy ra một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng; một số tổ chức nhen nhóm hình thành trái pháp luật; còn bị động trong xử lý một số trường hợp gây rối trật tự công cộng.
Thưa Quốc hội,
Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều việc đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành; một số việc mang tính chất thường xuyên, lâu dài, đang được triển khai tích cực và cũng có những việc triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra do có bất cập trong cơ chế, chính sách, việc triển khai chưa quyết liệt, chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực cần thiết và cần có thời gian.
Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa, tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới, nhất là những nội dung còn hạn chế, yếu kém.
Chính phủ xin báo cáo và nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.
Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.