Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Trả lời đầy đủ các kiến nghị của cử tri

Chính trị - Ngày đăng : 14:08, 16/11/2015

Việc tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 và các kỳ họp trước, Quốc hội khóa XIII đã được các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức khác ở Trung ương thực hiện nghiêm túc, trả lời đầy đủ kiến nghị thuộc thẩm quyền.

Đến trước kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền đã nghiên cứu tiếp thu, giải quyết, trả lời 1.676 /1.676 kiến nghị, đạt 100%. 

Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời 123/123 kiến nghị, tập trung vào việc hoàn thiện, thông qua 11 luật, 9 nghị quyết và cho ý kiến về 15 dự án luật, nhằm tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp, đảm bảo quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; đổi mới nâng cao hiệu lực hoạt động của bộ máy nhà nước. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tăng cường hoạt động giám sát, tổ chức nhiều cuộc giám sát chuyên đề “về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014”; “về kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược”. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành chất vấn một số thành viên Chính phủ về những vấn đề quan trọng nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm, trên cơ sở đó đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn… 

Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, Quốc hội đã xem xét kỹ, khẳng định sự cần thiết, tính đúng đắn và đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; yêu cầu Chính phủ tính toán kỹ hiệu quả đầu tư, phân kỳ đầu tư, khả năng huy động vốn, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành hàng không Việt Nam; trong đó quan tâm đến công tác giải phòng mặt bằng, tái định cư đối với người dân trong vùng dự án; báo cáo Quốc hội trước khi quyết định đầu tư và hằng năm báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án. 

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Trả lời đầy đủ các kiến nghị của cử tri

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 

TANDTC và Viện KSNDTC đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời 42/42 kiến nghị; xem xét, giải quyết 19 kiến nghị; đang giải quyết 13 kiến nghị; sẽ giải quyết 7 kiến nghị và 3 kiến nghị đã giải trình, thông tin đến cử tri… 

Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã nghiên cứu, tiếp thu, trả lời 1.500/1.500 kiến nghị của cử tri. Trong đó Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tiếp thu, giải quyết 418 kiến nghị, chiếm 27,87%, về các nội dung liên quan đến chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam; quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp; ban hành nhiều giải pháp giải quyết khó khăn cho người dân trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đang tiếp tục nghiên cứu, giải quyết 200 kiến nghị, chiếm 13,33%, liên quan đến xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phục vụ chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm; trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng đất; sửa đổi cơ chế, chính sách sản xuất hàng hóa nông sản theo theo chuỗi giá trị; cơ chế hoạt động, tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã giải trình, cung cấp thông tin với cử tri 882 kiến nghị, chiếm 58,8 % liên quan đến chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; giảm lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh ở vùng khó khăn; tăng định mức cho vay tín chấp đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo; tái cấu trúc các tổ chức tín dụng và hệ thống các ngân hàng thương mại; công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản… 

Cơ bản giải quyết các nhóm vấn đề 

Từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, qua hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, giải quyết 24 nhóm vấn đề và đến nay cơ bản đã được triển khai thực hiện. 

Về quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường, Chính phủ đã tiến hành thanh tra việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Chính phủ đã ban hành Nghị định triển khai thực hiện với nguyên tắc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bảo đảm quốc phòng an ninh; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng; tạo sự chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức, quản trị doanh nghiệp; tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân. Chính phủ đã bổ sung các quy định về việc xác định giấy tờ của nông trường, lâm trường quốc doanh giao đất cho người lao động để làm nhà ở là giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất nhằm bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất được nông, lâm trường giao trước đây… 

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Trả lời đầy đủ các kiến nghị của cử tri

 Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu 

Đối với quản lý, sử dụng đất trồng lúa, liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, bảo đảm cho người sản xuất lúa có lãi, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa với mục tiêu khuyến khích chuyển đổi nhưng không làm biến dạng đất trồng lúa và sẵn sàng chuyển sang trồng lúa khi an ninh lương thực bị đe doạ; ban hành chính sách khuyến khích liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn... Bộ Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp điều hành linh hoạt để đẩy mạnh xuất khẩu; phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam; triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp; phát triển mô hình sản xuất liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân trồng lúa và các cơ sở xay xát, chế biến gạo… Đến nay, mô hình cánh đồng lớn tăng cả về số lượng, diện tích, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích năm 2014 đạt 146.000 ha; các mô hình chuyển đổi đều có hiệu quả kinh tế cao hơn 2 đến 3 lần so với trồng lúa. Năng suất ngô trong nhiều mô hình có quy mô hàng chục ha đã đạt 10 đến 12 tấn/ha, có thể cạnh tranh được với ngô nhập khẩu, ngay cả khi giá ngô thấp nhất như hiện nay. 

Về giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân, Chính phủ đã quy hoạch tổng thể phát triển thủy hải sản; tổ chức lại sản xuất trong khai thác phù hợp với từng nhóm nghề, từng ngư trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập của ngư dân; thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi để xây dựng và khuyến khích áp dụng mô hình sản xuất này. Chính phủ đã ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng ngành thủy sản, trong giai đoạn 2015 - 2020 với mức vốn hàng năm tăng tối thiểu 2 lần so với giai đoạn 2011-2014; thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với ngư dân đóng tàu công suất lớn cả về thời hạn vay và lãi suất cho vay; hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới; kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới. 

Đến nay, Chính phủ đã đầu tư nâng cấp và mở rộng được 83 cảng cá, đáp ứng cho khoảng 82.000 tàu cá cập cảng; đầu tư 70 khu neo đậu, đã hoàn thành 42 khu, với công suất 31.150 tàu neo đậu, đạt 36,6% so với quy hoạch. Các Ngân hàng thương mại đã tiếp cận các chủ tàu của 977/1.033 tàu trong danh sách các địa phương phê duyệt, đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 193 tàu, trong đó đóng mới 187 tàu, nâng cấp 6 tàu, với tổng số tiền trên 1.906 tỷ đồng. Các địa phương đã tổ chức đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho khoảng 86.540 ngư dân; thành lập được gần 3000 tổ/đội khai thác trên biển, 2.948 nghiệp đoàn nghề cá và 275 hợp tác xã khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá. 

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Trả lời đầy đủ các kiến nghị của cử tri

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu

Đối với giải quyết khó khăn cho người dân tái định cư các công trình thủy điện, các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành rà soát thực tế đời sống của người dân tái định cư các công trình thủy điện, kịp thời điều chỉnh việc giao đất ở, đất sản xuất cho người dân. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách đặc thù về di dân tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện, trong đó có chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất của người dân sau tái định cư làm cơ sở để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân sau khi đã đến nơi ở mới. Thủ tướng Chính đã ban hành chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp; theo đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã tích cực tổ chức thực hiện và đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ, tỷ lệ lao động bị mất việc làm trên tổng số lao động bị ảnh hưởng bởi thu hồi đất giảm dần qua các năm, cụ thể là năm 2012 là 28,15%; năm 2013 là 21%; năm 2014 là 21%. Tỷ lệ lao động chuyển sang nghề phi nông nghiệp sau khi bị thu hồi đất tăng dần theo các năm... 

Về quản lý, kinh doanh xăng, dầu, Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP, đã cơ bản khắc phục những hạn chế, bất cập trong kinh doanh xăng dầu, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, nhất là sự vận hành của hệ thống đại lý kinh doanh xăng dầu; việc điều hành giá bán lẻ, tạo cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu được công khai, minh bạch… 

Về khắc phục tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục và chính sách miễn giảm học phí, chi phí học tập cho học sinh, sinh viên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49/2010/NĐ-CP. Theo đó, việc miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập được thực hiện theo đối tượng nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách thay cho việc miễn giảm và hỗ trợ theo địa bàn, bảo đảm sự thống nhất với Nghị quyết số 35/2009/QH12 của Quốc hội. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021, trong đó đã quy định rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục công lập trong việc tổ chức thu, nộp học phí vào Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng thương mại để quản lý, sử dụng; quy định rõ từng đối tượng, cơ chế miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư về điều lệ ban đại diện Hội cha mẹ học sinh; về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nhằm chấn chỉnh và hướng dẫn công tác thu, chi đối với các cơ sở giáo dục; đồng thời, hàng năm đã tổ chức thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý thu, chi đầu năm tại một số cơ sở giáo dục. 

Đối với chính sách hỗ trợ người dân xây dựng phát triển nhà ở, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng nhà ở thông qua gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/8/2014 sửa đổi Nghị quyết số 02/NQ-CP; theo đó, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng đã kịp thời ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện. Đến tháng 7/2015, tổng số tiền cam kết cho vay là 17.045 tỷ đồng, đã giải ngân 10.141 tỷ đồng; trong đó, Ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng cam kết cho vay đối với 24.150 hộ với 11.090 tỷ đồng, có 9.747 hộ vay để mua nhà ở xã hội với 3.820 tỷ đồng; 13.210 hộ vay để mua nhà ở thương mại với 6.741 tỷ đồng; 1.193 hộ vay để cải tạo, xây mới nhà ở với 390 tỷ đồng; đối với tổ chức, các ngân hàng cam kết cho vay 43 dự án với 5.955 tỷ đồng. 

Về chế độ, chính sách đối với cán bộ xã, phường thị trấn, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu, hoàn thiện Đề án chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn và cán bộ về công tác ở địa bàn khó khăn theo hướng nhất thể hóa đối với một số chức danh, khuyến khích kiêm nhiệm, khoán kinh phí và quy định về hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ ngân sách địa phương cho những người hoạt động không chuyên trách. Bộ Nội vụ ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã; triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án “Một số vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn”; phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu giải quyết những vướng mắc trong thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với các chức danh ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; triển khai Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi... 

Công tác hướng dẫn thi hành luật đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao kịp thời phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành thông tư hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính; qui định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố. Các cơ quan đã đề ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các loại vụ án, khắc phục tình trạng để những vụ án quá thời hạn xét xử, do lỗi chủ quan của Tòa án và đã đạt được kết quả tích cực, với số lượng các loại vụ án phải thụ lý, giải quyết tăng từ 10-15%. Số lượng vụ án để quá hạn luật định giảm rõ rệt như năm 2012 còn 869 vụ, chiếm 0,24%; năm 2013 còn 410 vụ, chiếm 0,1%; năm 2014 còn 146 vụ, giảm 60% so với năm 2013… 

Chậm trả lời các kiến nghị của cử tri 

Báo cáo cũng thẳng thắn nêu rõ: một số bộ, ngành giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 và một số kỳ họp trước còn chậm. Báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết còn chưa đầy đủ, nội dung chưa rõ ràng; chưa xác định rõ giải pháp và lộ trình giải quyết. Một số báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn chưa đáp ứng yêu cầu, sử dụng số liệu cũ, chưa bám sát nội dung kiến nghị như báo cáo về quản lý sử dụng đất nông, lâm trường. Một số văn bản giải quyết kiến nghị của cử tri còn chưa phù hợp với thực tiễn nên cử tri tiếp tục kiến nghị như: quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường; chính sách phát triển thủy sản; về bồi thường, tái định cư các công trình thủy điện, thủy lợi … 

Qua giám sát cho thấy, kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; trong khi đó, việc xem xét, giải quyết, trả lời chỉ được thực hiện trong một thời gian ngắn, giữa hai kỳ họp Quốc hội nên chất lượng giải quyết, trả lời còn những hạn chế nhất định, nhất là những cơ quan nhận được nhiều kiến nghị. Một số kiến nghị thể hiện nguyện vọng và mong muốn rất lớn của cử tri, như: đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, các công trình phúc lợi, chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo… là những vấn đề cần có thời gian, nguồn lực, lộ trình cụ thể và sự thống nhất của nhiều bộ, ngành. Vì vậy, việc giải quyết chưa thể đáp ứng được nguyện vọng và mong mỏi của cử tri nhân dân cả nước. 

PV