Hiểu vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự như thế nào cho đúng?
Chính trị - Ngày đăng : 09:11, 13/11/2015
Những quan điểm trái chiều
Về vị trí, vai trò của VKSND trong tố tụng dân sự và việc phát biểu quan điểm tại phiên tòa sơ thẩm, dự thảo quy định: “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và của người tham gia tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án”.
ĐB Hồ Trọng Ngũ: “Chúng ta đang trộn lẫn tố tụng dân sự với tố tụng hình sự”
Thảo luận về nội dung này, ĐB Bùi Văn Xuyền, Thái Bình và một số ĐB khác đồng tình cho rằng, vị trí, vai trò của VKSND đã được quy định trong Hiến pháp và trong Luật Tổ chức VKSND, nên quy định Kiểm sát viên phát biểu quan điểm tại phiên tòa sơ thẩm theo Điều 262 của dự thảo là phù hợp. Theo ĐB Xuyền, ý kiến của Kiểm sát viên bày tỏ quan điểm của VKSND về nội dung, hình thức tham gia tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ giúp cho Hội đồng xét xử thêm niềm tin, tự tin trong việc đưa ra quyết định của mình,…nhưng không can thiệp vào thẩm quyền quyết định của Hội đồng xét xử. Nếu không đồng tình, các đương sự có thể khiếu nại giải quyết tiếp theo, không phải dừng lại.
ĐB Lương Văn Thành, Hải Phòng đề quy định rõ hơn về việc "đại diện VKS tại phiên tòa sơ thẩm có thẩm quyền phát biểu về hướng giải quyết vụ án và việc chấp hành pháp luật", vì như vậy cũng không làm kéo dài thời gian vụ án.
Tuy nhiên, với tư cách là một luật sư, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, VKS chỉ nên thực hiện đúng chức năng Hiến định trong tố tụng dân sự. Quan hệ tranh chấp dân sự, thương mại là quan hệ tư, quyền định đoạt là thuộc về đương sự nên hạn chế sự can thiệp của nhà nước. Theo quy định của Hiến pháp, VKSND thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Luật Tổ chức VKSND cũng đã thể chế tinh thần này và VKS tham gia phiên tòa, phát biểu quan điểm chỉ nhằm thực hiện “chức năng kiểm sát” của mình, không phải để tham gia xét xử. Đại diện VKS có thể trực tiếp tham gia phiên tòa hoặc kiểm sát thông qua hồ sơ vụ án, vì chức năng của VKS trong tố tụng dân sự khác với tố tụng hình sự.
ĐB Nghĩa phân tích, nếu VKS tham gia ý kiến về nội dung mà lại kháng nghị về nội dung của vụ án thì đồng nghĩa với việc có hai cơ quan xét xử, sẽ vi phạm quyền độc lập tư pháp theo khoản 2, Điều 103 của Hiến pháp: "Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nghiêm cấm việc can thiệp của các cơ quan, tổ chức". Vì vậy, Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) nên quy định đúng chức năng tiến hành tố tụng của VKSND là tham gia tiến hành tố tụng để kiểm sát, không tham gia xét xử.
ĐB Phạm Hồng Phong, Hậu Giang cũng khẳng định: Nếu VKSND phát biểu quan điểm giải quyết nội dung vụ án sẽ vi phạm về “quyền tự định đoạt của đương sự”, vi phạm về tranh tụng của đương sự. Nếu quy định tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên được phát biểu quan điểm giải quyết vụ án sẽ không đúng với bản chất là giám sát của cơ quan này.
Cần đánh giá khách quan, đúng bản chất
Trước những ý kiến trái chiều trên, ĐB Hồ Trọng Ngũ- Vĩnh Long đã có những phân tích khá toàn diện vấn đề này.
Ông cho rằng, Bộ luật Tố tụng dân sự là luật thủ tục, luật hình thức và ai cũng biết rằng các chính sách quy định trong luật nội dung muốn được thực hiện trong thực tế thì Luật thủ tục phải được giải quyết rõ ràng. Nếu chúng ta không xử lý tốt môi trường pháp lý trong Luật tố tụng thì những quy định trong Bộ luật Dân sự sẽ không trở thành hiện thực. Những chính sách đã được quy định trong luật nội dung, cần triển khai thực hiện trong môi trường thuận lợi và ít tốn kém hơn. Bên cạnh đó, nên hạn chế sự tham gia của bộ máy nhà nước, công chức vào tố tụng dân sự, vừa tiết kiệm thời gian vừa đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
ĐB Ngũ cho rằng, dường như đang có sự trộn lẫn giữa tố tụng hình sự với tố tụng dân sự mặc dù đây là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau về bản chất. Tố tụng hình sự là khi có sự tham gia của Nhà nước, với mối quan hệ một bên là Nhà nước, một bên là công dân, lúc ấy mới cần đến vai trò của công tố, truy tố. Còn trong tố tụng dân sự, đó là quan hệ giữa các công dân, không thể gọi là công tố, khởi tố được. “Việc dân sự cốt ở hai bên”, nhà nước chỉ là “bà đỡ” chứ không nên can thiệp sâu để phá vỡ quyền tự định đoạt đó của công dân. Vì vậy VKSND tham gia với vai trò cơ quan tiến hành tố tụng và phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án là không phù hợp.
Cũng theo ĐB Ngũ, có ý kiến cho rằng, VKSND tham gia sẽ tốt thêm cho Tòa án, vì họ có thể thu nhận được thông tin từ đó... “Không có lý gì một cơ quan nhà nước lại đến ngồi nói cho vui, Tòa muốn nghe thì nghe, không nghe thì thôi, sẽ lãng phí tiền bạc của nhà nước và là sự tùy tiện không thể chấp nhận được”, ĐB Ngũ thẳng thắn nêu quan điểm.
Thực tế cho thấy, tại phiên tòa, VKSND phát biểu ý kiến là đã có thêm một bên trong quan hệ dân sự, lúc này không còn 2 bên nữa mà là 3 bên. Nếu Thẩm phán và Hội thẩm vi phạm pháp luật trong quá trình tố tụng, VKSND có thể có ý kiến, thậm chí khởi tố hình sự, nhưng đó không phải là tham gia phiên tòa với tư cách là chủ thể của quan hệ tố tụng dân sự.
Vì vậy, VKSND thực hiện trách nhiệm đảm bảo tính đúng đắn việc thi hành pháp luật, nhưng không nhất thiết phải tham gia phiên tòa. Để kiểm sát việc đó có nhiều phương cách khác nhau. Như quy định yêu cầu Tòa án sau khi xét xử một thời gian nào đấy phải gửi bản án cho VKSND chẳng hạn, hoặc VKSND có thể cử người theo dõi phiên toà…làm sao đó để đảm bảo quyền lợi của người dân và sự độc lập của Thẩm phán- ĐB Ngũ nói.