Thông qua Nghị quyết chương trình mục tiêu quốc gia và thảo luận Luật Trưng cầu ý dân
Chính trị - Ngày đăng : 21:47, 12/11/2015
Mục tiêu giảm nghèo từ 1,0%-1,5%/năm
Với tỷ lệ 88,26% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Nghị quyết nêu rõ, danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 bao gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Về mục tiêu tổng quát của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết nêu rõ: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh, trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách Nhà nước tối thiểu là 193.155,6 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương: 63.155,6 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 130.000 tỷ đồng.
Đại biểu thảo luận về Luật Trưng cầu dân ý
Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó, mục tiêu cụ thể góp phần giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân 1,0%-1,5%/năm; riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020. Tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách Nhà nước tối thiểu là 46.161 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 41.449 tỷ đồng; ngân sách địa phương 4.712 tỷ đồng. Phạm vi thực hiện chương trình này trên cả nước nhưng ưu tiên tập trung các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.
Trưng cầu ý dân trên phạm vi toàn quốc
Sau khi biểu quyết thông qua Nghị quyết trên, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Trưng cầu ý dân. Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này. Về cơ bản, các Đại biểu Quốc hội (ĐB) tán thành với nội dung của dự thảo Luật. Đây là dự án Luật quy định về nội dung, nguyên tắc, trách nhiệm của các cơ quan và trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân và đề cao vai trò, ý nghĩa quan trọng của vấn đề trưng cầu ý dân, bảo đảm để thi hành được ngay mà không phải chờ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Về các vấn đề trưng cầu ý dân, dự thảo Luật quy định, Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân các vấn đề: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh; vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Các ĐB đánh giá, việc quy định rõ những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân sẽ làm cơ sở pháp lý cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện trưng cầu ý dân. Quy định trên chỉ rõ từng lĩnh vực, nội dung vấn đề được Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu. Tuy nhiên, xét dưới góc độ kỹ thuật lập pháp thì thuật ngữ “quan trọng” và “vấn đề đặc biệt quan trọng” còn rất chung chung, không thể định tính, định lượng được rõ ràng.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phân tích, nếu quy định như vậy, khi nảy sinh vấn đề cần xem xét, Quốc hội và ĐB phải thêm một bước trước khi quyết định trưng cầu ý dân, đó là xác định vấn đề có thực sự là “đặc biệt quan trọng” hay không? Từ đó sẽ dẫn đến tình huống, vấn đề có thể đưa ra hoặc không đưa ra trưng cầu ý dân đều được, vì nó có thể được xác định là “vấn đề đặc biệt quan trọng” hoặc không phải là “vấn đề đặc biệt quan trọng”. Điều này có nguy cơ làm cho quy định mang tính hình thức, dễ bị các thế lực phản động, thù định lợi dụng, xuyên tạc. Vì vậy, ĐB Vinh đề nghị quy định theo hướng thật cụ thể, rành mạch về từng vấn đề, hoặc bổ sung thêm và hướng dẫn cụ thể các “vấn đề đặc biệt quan trọng” là những vấn đề gì?
Về phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân, nhiều ý kiến tán thành với quy định trưng cầu ý dân được tổ chức và thực hiện trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trưng cầu ý dân ở địa phương và giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, Hiến pháp quy định thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là của Quốc hội; chính quyền địa phương không có thẩm quyền này. Theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng của đất nước có ý nghĩa ở tầm quốc gia, cần đưa ra để toàn dân quyết định. Đối với những vấn đề chỉ ảnh hưởng đến phạm vi một hoặc một số địa phương thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật hiện hành như: Việc lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc quyết định về điều chỉnh địa giới hành chính, quyết định dự án kinh tế - xã hội có tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của bộ phận người dân... Vì vậy, đề nghị quy định trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước, không bổ sung quy định trưng cầu ý dân ở địa phương.
Về quy định hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân, các ĐB cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung những quy định cần thiết để làm rõ hơn vị trí, vai trò của kết quả trưng cầu ý dân có hiệu lực, làm căn cứ cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.