Quốc hội đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2016
Chính trị - Ngày đăng : 16:26, 10/11/2015
Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày dự thảo Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN
Sau những phiên thảo luận sâu rộng, thẳng thắn tại hội trường, sáng 10/11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 bao gồm nhiều chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với 100% đại biểu có mặt bấm nút tán thành.
Cải thiện chất lượng tăng trưởng
Mục tiêu tổng quát được đặt ra trong năm 2016 vẫn là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững. Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.
Trước khi tiến hành thông qua văn kiện quan trọng này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã báo cáo tiếp thu chỉnh lý giải trình dự thảo Nghị quyết. Đối với tính khả thi trong việc đề ra mức tăng trưởng 6,7% vào năm 2016, báo cáo giải thích, chỉ số này được đưa ra dựa vào dự kiến tăng trưởng 6,5% GDP của báo cáo tăng trưởng năm 2015, dự báo tình hình quốc tế, trong nước và cân đối các nguồn lực.
Ngoài chỉ tiêu về GDP, CPI, Nghị quyết của Quốc hội cũng đề ra mức tăng tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP. Tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5% so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53%, trong đó: tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo: 21%. Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 24,5 giường. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 76%.Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 85% và tỷ lệ che phủ rừng đạt 41%.
Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo sự chuyển biến rõ nét về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Kiểm soát chặt chẽ nợ công
Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2016. Trong đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác; điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng phù hợp, xử lý nợ xấu có hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội năm 2016. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN
Đặc biệt trong năm 2016, Quốc hội yêu cầu xây dựng khung pháp lý bảo đảm thực hiện việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung từ năm 2016, áp dụng đối với các tài sản có số lượng mua sắm nhiều, giá trị mua sắm lớn, được sử dụng phổ biến ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả việc sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhất là các công ty nông, lâm nghiệp. Tiếp tục bán phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường và sử dụng một phần số tiền thu này cho đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành và bảo đảm chất lượng các chương trình, dự án, công trình trọng điểm quốc gia, các công trình giao thông, y tế, giáo dục cấp thiết.
Nâng cao hiệu quả, hiệu lực nền hành chính công và cải cách hành chính, thực hiện nghiêm Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát năng lực, thái độ thực thi pháp luật, đánh giá thực chất đội ngũ cán bộ, công chức, cương quyết loại bỏ những người cản trở, trục lợi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 đạt kết quả cao nhất.
Nhiều bất cập tại các nông, lâm trường quốc doanh
Cũng tại buổi làm việc sáng nay, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014.
Theo Báo cáo, từ 186 nông trường (năm 2005) trên địa bàn cả nước, nay đã sắp xếp lại còn 145 công ty nông nghiệp (năm 2012). Từ 256 lâm trường (năm 2005), đến năm 2012 sắp xếp, chuyển đổi còn 151 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu nhà nước; 3 công ty cổ phần; thành lập mới 91 ban quản lý rừng (sau đó giảm còn 87 ban quản lý); giải thể 14 đơn vị khác.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính: Tổng giá trị tài sản của các công ty nông nghiệp là 39.773 tỷ đồng (trong đó tài sản của Tập đoàn Công nghiệp Cao su 32.326 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu 23.170 tỷ đồng. Bình quân, mỗi công ty nông nghiệp có giá trị tài sản 141 tỷ đồng; nếu tính cả đơn vị phụ thuộc, thì bình quân mỗi đơn vị có tài sản 90 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản các công ty lâm nghiệp là 3.905 tỷ đồng; các khoản phải thu là 529 tỷ đồng; các khoản nợ là 1.833 tỷ đồng; tổng doanh thu là 2.478 tỷ đồng; tổng lợi nhuận là 182 tỷ đồng; tổng nộp ngân sách nhà nước trong 10 năm (2004-2014) là 276 tỷ đồng.
Về lao động, sau sắp xếp số lao động giảm mạnh từ bộ máy quản lý đến người lao động trực tiếp. Đến 31/12/2000, số cán bộ, công nhân viên nông trường còn 173.932 người. Số cán bộ, công nhân viên lâm trường 26.843 người, giảm 52,6%.
Theo báo cáo của Chính phủ, sau sắp xếp, phần lớn các công ty nông, lâm nghiệp hoạt động ổn định. Một số doanh nghiệp thực hiện thí điểm cổ phần hóa, đổi mới cơ chế quản lý, quản trị kinh doanh; chủ động trong sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước; tăng cường đầu tư khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện thu nhập và điều kiện sống của người lao động.
Tuy nhiên, qua thực tế, Đoàn giám sát nhận thấy: Bản chất việc quản lý, sử dụng đất đai, các phương án, hình thức quản lý, sử dụng đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng hầu như không thay đổi. Việc chuyển đổi mô hình công ty mới chỉ dừng lại trên đề án. Các công ty nông, lâm nghiệp mới chỉ chuyển đổi tên, chưa thực sự thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, sử dụng đất đai theo các quy đinh hiện hành của luật pháp và theo phương án quản lý, sử dụng đất tại các đề án đã được phê duyệt.
Báo cáo giám sát nhận định, chủ trương chính sách sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh thời gian qua mới chủ yếu làm thay đổi hình thức tổ chức quản lý, chưa làm thay đổi căn bản cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp nên chưa tạo được sự chuyển biến căn bản theo mục tiêu đề ra. Do buông lỏng quản lý, áp dụng không đúng chủ trương chính sách khoán nên một số nông, lâm trường không còn thực chất là doanh nghiệp nhà nước, nhưng vẫn áp dụng cơ chế chính sách sắp xếp, đổi mới như nhau là không phù hợp.