Văn hóa - giải trí

"Rác văn hóa” trên mạng xã hội: Cần thanh lọc!

Minh Anh 17/03/2023 - 09:34

Hiện nay, mạng xã hội (MXH) trở thành công cụ truyền thông, môi trường giải trí được nhiều người ưa thích, sử dụng hàng ngày, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh mặt tích cực với những tiện ích vượt trội mà MXH mang lại thì việc sử dụng MXH trong giới trẻ cũng nảy sinh không ít vấn đề mà dư luận lo ngại.  

rac-van-hoa.jpg
Môi trường MXH đang bị vẩn đục bởi các hành vi giao tiếp, ứng xử chưa văn hóa. (Hình minh họa)

Mạng ảo, hậu quả thật

Mạng xã hội trong kỷ nguyên 4.0 được xem là "vũ khí" lợi hại, phản ánh những tâm tư nguyện vọng của mọi người, thông tin nhanh nhạy giúp chúng ta cập nhật bản thân với thế giới.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là giá trị thật và giá trị được thừa nhận trên mạng xã hội không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau, khiến nhiều người hoang mang, dễ bị cuốn vào việc thể hiện cái tôi...

Khá nhiều trường hợp cố tình vượt qua giới hạn, bôi nhọ danh dự của người khác; đăng tin sai sự thật để lôi kéo sự chú ý. Đáng sợ hơn, những thông tin không kiểm chứng, thiếu cơ sở hay bịa đặt khiến nhiều người lầm tưởng là một quyền lực được mạng xã hội trao cho nhưng không ai được phép đứng trên luật pháp như vậy, họ đã phải trả giá.

Trong những ngày vừa qua, sự việc lùm xùm giữa YouTuber Lê Thị Đức Nhân (hay còn gọi là Bà Nhân Vlog) và bác sĩ Cao Hữu Thịnh là tâm điểm chú ý của dư luận. Tranh cãi nổ ra khi phía Bà Nhân Vlog “bóc phốt” bác sĩ Thịnh làm việc không có tâm, không nhất quán trong việc thông báo thời gian hút trứng sau khi kích trứng.  

Nhiều ai theo dõi vụ việc này cho rằng, YouTuber kia đã đẩy câu chuyện theo chiều hướng có lợi cho mình, “ảo tưởng” về quyền lực mạng xã hội mà bất chấp đúng sai.  

Còn nhớ trước đây, TAND TP Bắc Ninh đã tuyên phạt Nguyện Văn Thiện, chủ quán Nhắng nướng Hiền Thiện 12 tháng tù và Lãng Văn Vân (nhân viên quán) 9 tháng tù về tội danh “làm nhục người khác”.

Nguyên nhân sự việc là do một nữ khách hàng đăng bài tố cáo đồ ăn của quán có sán nên đã bị các đối tượng chửi bới, mạt sát rồi ép phải quỳ gối xin lỗi. Đáng nói, toàn bộ quá trình được Thiện phát trực tiếp trên Facebook cá nhân khiến người xem bức xúc vì thái độ hung hãn, coi “trời bằng vung”, khinh thường pháp luật của các đối tượng này.

Giới trẻ thể hiện xu hướng của cá nhân rất rõ thông qua văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội vô tình trở thành con dao giết chết hay nâng đỡ một người nào đó cả về thể chất lẫn tinh thần.

ThS tâm lý Lê Thị Hằng - trưởng bộ môn tâm lý - khoa du lịch và Việt Nam học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Xu hướng nhưng không được tách rời chuẩn mực văn hóa

Nghiện mạng xã hội, tình trạng sống ảo, hành động sốc nổi để câu view, câu like, chia sẻ không cần kiểm chứng, phán xét, xúc phạm người khác... là những hội chứng đáng lo ngại khi giới trẻ sử dụng mạng xã hội. Theo các chuyên gia, sử dụng mạng xã hội có mặt tích cực và tiêu cực tùy theo mục tiêu sử dụng và cách ứng xử của mỗi người.

ThS tâm lý Lê Thị Hằng, Trưởng bộ môn Tâm lý (Khoa Du lịch và Việt Nam học, trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho biết, mạng xã hội là nơi cho người dùng rất nhiều thông tin, hỗ trợ họ truy cập một khối lượng kiến thức khổng lồ phục vụ cho công việc và cuộc sống. Có thể nói, mạng xã hội mang lại một xu hướng sống mới, xu hướng công nghệ số của một thế giới mở.

"Một lời chê bai, một lời bình luận vô tình có thể làm tổn thương sâu sắc đến tâm lý của một người nào đó mà chúng ta không hề quen biết. Những lời khen ngợi, động viên, cổ vũ cũng có thể là một liều thuốc tinh thần giúp cho giới trẻ thấy tự tin và sống lạc quan hơn. Trước khi thích và chia sẻ, mọi người hãy suy nghĩ nó sẽ tác động thế nào đến người xung quanh và chính bản thân mình", bà Hằng chia sẻ.

Phát biểu tại một tọa đàm về mạng xã hội, TS tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ câu chuyện nhiều bạn trẻ đưa tự ra các "thử thách" trên Facebook của mình như "đủ 2.000 like sẽ cởi… ".

rac-van-hoa4.jpg
Vợ chồng bà Nhân Vlog cúi đầu xin lỗi bác sĩ Thịnh.

"Nhu cầu thể hiện bản thân của các bạn trẻ rất lớn nhưng khả năng bản thân chưa đủ sức để làm việc đó nên phải thực hiện bằng những cách lệch lạc. Không ít bạn trẻ cân đo đong đếm bản sắc và giá trị bản thân bằng số lượng like trên mạng xã hội trong khi số lượng like nhiều khi không thể hiện được điều gì cả", ông An nói thêm.

Cũng theo ông An, thông tin trên mạng xã hội rất nhanh, vì nhanh nên đôi khi chưa chính xác. Mỗi người sử dụng mạng xã hội như một người cung cấp thông tin nhưng không có ai kiểm duyệt thông tin trước khi đăng ngoài ý chí chủ quan của mỗi người. Do vậy, người sử dụng cần kiểm chứng thông tin trước khi like hoặc chia sẻ.

rac-van-hoa3.jpg
TikToker Nờ Ô Nô bị khóa kênh sau clip "mua phở cho người nghèo"

Thẳng thắn nhìn nhận, xử lý “quyền lực ảo”

Mạng xã hội trao cho mỗi người khả năng phát ngôn và thể hiện bản thân lớn chưa từng có. Cũng vì thế, trên mạng xã hội, chúng ta cần rất cẩn trọng với những hành động của mình, bởi chỉ một phát ngôn không chuẩn mực, một tin đồn vô căn cứ thì ảnh hưởng xấu nhân lên gấp nhiều lần và chúng ta có thể phải trả giá vì những hành động của mình trên mạng xã hội.

Hiện nay, nhiều người sống bằng cách sử dụng các nền tảng công nghệ để kiếm tiền. Càng đông người xem đồng nghĩa càng kiếm được nhiều. Bởi vậy, không ít cá nhân đang bất chấp nguyên tắc đạo đức để sử dụng mạng xã hội như công cụ nhằm kiếm chác.

Cũng từ đó, những người sử dụng truyền thông một cách nghiêm túc, tử tế sẽ tạo ra lợi ích cho xã hội. Ngược lại, việc sử dụng sức mạnh truyền thông để gây tiếng vang, câu view, trục lợi là điều cần lên án.

Theo các chuyên gia, để sử dụng hiệu quả mạng xã hội, các bạn trẻ cần xác định rõ mục tiêu sử dụng mạng xã hội, chọn lọc thông tin để không bị lôi kéo vào các hoạt động xấu, những hành vi vi phạm pháp luật.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Đoàn luật sư TP.HCM - chia sẻ: "Luật đã có quy định rõ mức xử phạt hành vi việc xúc phạm danh dự nhân phẩm, vu khống người khác trên mạng xã hội, nghiêm trọng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người bị xúc phạm, vu khống có thể khởi kiện. Tuy nhiên mức xử phạt hiện nay còn khá nhẹ so với hậu quả gây ra nên chưa đủ sức răn đe. Bản thân người dùng mạng xã hội cũng ý thức, trách nhiệm hơn trong việc sử dụng mạng xã hội, tự bảo vệ mình”.

Ở góc độ bệnh lý học, bác sĩ Hồ Nhật Quang cho rằng có nhiều người trẻ nghiện mạng xã hội, có nhiều trạng thái tiêu cực, phán xét người khác. Nghiện mạng xã hội là một loại bệnh lý, sử dụng quá nhiều gây ra bệnh hoang tưởng.

"Nếu nghiện mạng xã hội, người dùng cần cai bằng cách ngưng sử dụng một thời gian để quay lại lối sống, suy nghĩ thực tế, các mối quan hệ thực ngoài xã hội để xây dựng lại lối sống của mình", ông Quang nói thêm.

Mạng ảo nhưng hậu quả thì thật. Pháp luật ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của công dân, nhưng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, và quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cũng đã có một loạt các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng; Luật Viễn thông; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Dân sự hay gần nhất là Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, người có ảnh hưởng tới công chúng... để điều chỉnh phát ngôn, hành vi, ứng xử và cả sản phẩm văn hóa trên không gian mạng.

rac-van-hoa2.jpg
MXH là sự phản ánh con người, tính cách, lối sống của bạn, vì vậy nên là một người dùng thông minh, có văn hóa, rèn cho mình cách ứng xử, tương tác thật chuẩn mực. (Ảnh minh họa: Internet)

Tất cả những giải pháp từ góc độ pháp lý - kỹ thuật - giáo dục tuyên truyền được coi như kiềng 3 chân, giúp điều chỉnh phát ngôn, hành vi, ứng xử và cả sản phẩm văn hóa trên mạng xã hội một cách hiệu quả nhất, góp phần đảm bảo một không gian mạng lành mạnh, "sạch" và an toàn.

Mỗi chúng ta phải là một người sử dụng mạng xã hội có bản lĩnh, có văn hóa, ứng xử văn minh thì mới mong xây dựng một cộng đồng mạng xã hội lành mạnh. Còn sự ảo tưởng sức mạnh từ ngoài đời thật cho đến môi trường mạng xã hội đều để lại những hậu họa khôn lường.

Minh Anh