Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý Hà Nội 7 vấn đề lớn
Chính trị - Ngày đăng : 02:02, 02/11/2015
Sáng 1/11, Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội đã chính thức khai mạc
Nhìn lại chặng đường 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là 5 năm qua của Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới bên cạnh thuận lợi và thời cơ cũng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, thành phố phải giải quyết một khối lượng công việc lớn và khó. Nhưng với sự nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng bộ Hà Nội đã vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, bám sát thực tiễn phong phú, sinh động của Thủ đô; đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, tạo sự chuyển biến toàn diện, rõ rệt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội Thủ đô, đóng góp tích cực vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của cả nước, xứng đáng với vai trò, trách nhiệm và vị thế của Thủ đô.
Bên cạnh những thành quả và tiến bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ những hạn chế, tồn tại của Hà Nội. Đó là, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh chưa cao; chuyển dịch cơ cấu còn chậm. Quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường một số mặt còn yếu. Phát triển văn hoá - xã hội chưa thực sự xứng tầm với vai trò, tiềm năng, vị thế của Thủ đô. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả mong muốn.
Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị có mặt chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đòi hỏi thực tiễn. Công tác quản lý, điều hành của bộ máy hành chính ở một số cấp, ngành, lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt; hiệu lực, hiệu quả thấp. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chất lượng của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa ngang tầm yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của một số cấp uỷ còn hạn chế. Những biểu hiện suy thoái, tiêu cực trong Đảng, trong xã hội, nhất là về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chưa được ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả.
Trên tinh thần đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Hà Nội cần đi sâu phân tích, làm rõ nguyên nhân của những thành quả, tiến bộ và những yếu kém, khuyết điểm; rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra các biện pháp tích cực phát huy ưu điểm, kiên quyết khắc phục khuyết điểm, hạn chế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội lần thứ XI Đảng bộ TP Hà Nội
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tán thành với những nội dung cơ bản nêu trong các văn kiện Đại hội, hoan nghênh quyết tâm chính trị của Đảng bộ Thủ đô nhiệm kỳ 2015 - 2020 là : Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; nhất trí với mục tiêu tổng quát, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá và 16 chỉ tiêu của Đảng bộ Hà Nội. Đồng thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, nhấn mạnh thêm 7 vấn đề lớn sau:
Một là, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, vai trò, vị thế của Thủ đô, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chủ động phát huy nội lực, tiềm năng, thế mạnh, những thành tựu và kinh nghiệm từ tổng kết thực tiễn, Đảng bộ Hà Nội cần nêu cao hơn nữa tinh thần năng động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo, điều hành, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và những giải pháp khả thi để tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ hơn trên các lĩnh vực công tác trọng tâm; xây dựng, phát triển Hà Nội xứng đáng với vai trò, vị thế Thủ đô, là động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Hai là, tiếp tục thực hiện tốt chủ trương cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược. Hà Nội phải đi đầu trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của kinh tế, trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy mọi khả năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, gắn với phát triển và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ; xây dựng hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị. Chú trọng phát triển các dịch vụ chất lượng cao; các ngành, sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao giá trị gia tăng, gắn với các vùng chuyên canh và xây dựng nông thôn mới; giải quyết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Ba là, Thủ đô Hà Nội đang trong quá trình phát triển, tốc độ đô thị hoá rất nhanh, tạo ra nhiều áp lực về hạ tầng kinh tế - xã hội và gia tăng dân số. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển đồng bộ, hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng; làm tốt hơn nữa công tác quản lý đô thị, đặc biệt là quản lý trật tự xây dựng, an toàn giao thông, kỷ cương và văn minh đô thị; hạ tầng thông tin - truyền thông. Tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề dân sinh bức xúc, trước hết là nhà ở đô thị, cấp thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, quản lý dân cư. Tăng cường quản lý khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, v.v...
Bốn là, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não, các hoạt động của Đảng và Nhà nước, các hoạt động đối ngoại quốc gia, các sự kiện chính trị lớn diễn ra trên địa bàn thành phố. Xây dựng thế trận lòng dân, kiên quyết đấu tranh làm thất bại các hoạt động chống phá của các thế lực xấu, thù địch, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Chủ động có các phương án phòng ngừa và kịp thời xử lý có hiệu quả các vấn đề phức tạp nảy sinh, không để bị động, bất ngờ.
Năm là, Hà Nội ngàn năm văn hiến là bộ mặt, là niềm tự hào của quốc gia. Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hoá, tiêu biểu cho văn hoá của dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thuỷ chung, trong sáng, tôn trọng pháp luật. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế, chúng ta càng phải đặc biệt chú trọng vấn đề này. Đây là bản chất của chế độ ta, bản sắc của người Hà Nội. Bên cạnh việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống cả vật thể và phi vật thể, sáng tạo các giá trị văn hóa mới, Hà Nội phải có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch.
Sáu là, đặc biệt chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị các cấp của thành phố trong sạch, vững mạnh; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, trọng tâm là thực hiện nghiêm túc 3 nhóm nội dung và 4 nhóm giải pháp, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện tiêu cực khác trong cán bộ, đảng viên; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, trước hết là người đứng đầu cấp uỷ cơ quan, đơn vị thực sự gương mẫu, trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu… củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức đảng; phát huy vai trò, hiệu lực, hiệu quả và chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đổi mới phương pháp công tác, lề lối làm việc, thực hiện phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, kỷ cương, gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến và giải quyết kịp thời kiến nghị của nhân dân; bám sát thực tiễn cơ sở, nói đi đôi với làm.
Bảy là, Thủ đô Hà Nội là nơi hội tụ, đứng chân của nhiều cơ quan Trung ương, nhiều cơ quan đại diện nước ngoài; xây dựng và phát triển Thủ đô là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội; đồng thời cũng là trách nhiệm của Trung ương và cả nước. Vì vậy, tôi đề nghị Thành phố cần chủ động hơn nữa trong việc tranh thủ sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương; đồng thời các ban, bộ, ngành Trung ương cũng cần phát huy hơn nữa trách nhiệm của mình, quan tâm phối hợp chặt chẽ với Thành phố, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, các nguồn lực đầu tư, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô. Cán bộ, công chức, viên chức, những người lao động, học sinh, sinh viên... các cơ quan Trung ương sống và làm việc trên địa bàn Thủ đô cũng phải gương mẫu chấp hành nghiêm túc luật pháp, các quy định của Thành phố, tham gia vận động quần chúng, hưởng ứng các phong trào thi đua, đóng góp thiết thực cho Thành phố.