Kiến nghị xử phạt nhóm “Rao vặt Nam Định” vì đăng tin sai sự thật
An ninh trật tự - Ngày đăng : 10:34, 13/08/2017
Như Công lý đã đưa tin, mấy ngày nay trên mạng xã hội hội lan truyền với tốc độ chóng mặt về một hình ảnh kèm theo nội dung “Vụ thảm sát gây chấn động Nam Định vừa xảy ra…”.
Theo điều tra ban đầu, người tung tin có tên Facebook là Nhỏ Dâu Tây, đã đăng đường link website trong nhóm “Rao vặt Nam Định”, kèm theo ảnh chụp lực lượng Công an đang khám nghiệm hiện trường.
Hình ảnh tin đồn thất thiệt xuất hiện trên trang Rao vặt Nam Định
Trước thông tin này, đại diện Công an tỉnh Nam Định khẳng định đó là bịa đặt. Cơ quan Công an không nhận được bất cứ thông tin nào liên quan đến vụ việc thảm sát.
Công an tỉnh Nam Định kiến nghị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh có hình thức xử lý người điều hành nhóm “Rao Vặt Nam Định” vì đã không kiểm soát, cho đăng tải thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận; đồng thời lực lượng công nghệ cao đang tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để xac định người tung tin thất thiệt.
Trước đó, một vụ việc khác xảy ra vào cuối tháng 6/2017, khi một tài khoản cá nhân đưa tin đồn ác ý về việc 7 chiến sỹ Công an bị bắn chết ở Lai Châu phát tán mạnh mẽ trên mạng xã hội giữa thời điểm tạm hoãn chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung lần thứ 4 tổ chức tại tỉnh Lai Châu khiến dư luận xôn xao. Công an tỉnh Lai Châu sau đó đã lên tiếng bác bỏ và khẳng định đây đều là những thông tin bịa đặt sai sự thật, gây dư luận xấu trong nhân dân.
Có thể thấy hành vi phát tán những clip nhạy cảm, bịa đặt những thông tin thất thiệt lên mạng xã hội Facebook ngày càng phổ biến trong thời gian gần đây không chỉ đơn thuần là những trò câu like, những trò đùa ác ý theo chiều hướng xấu mà còn tạo nên những hậu quả khôn lường cho cả xã hội nếu không được ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh.
Một số chuyên gia pháp lý khẳng định, hành vi phát tán, bịa đặt thông tin trên mạng là vi phạm pháp luật. Do đó, tùy theo tính chất, mức độ, mục đích mà có thể phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, theo điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng.
Nếu hành vi tung tin sai sự thật đủ yếu tố cấu thành tội phạm của tội Vu khống thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù. Theo đó, người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm; nếu phạm tội thuộc khoản 2 Điều này thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.
“Việc xác định và khoanh vùng người đưa tin thất thiệt lên mạng xã hội là không dễ. Để có căn cứ xử lý những hành vi phát tán clip, tin thất thiệt lên mạng xã hội, cơ quan điều tra cần phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC 50) để truy tìm người phát tán các thông tin thất thiệt đó lên mạng xã hội. Khi xác định được đối tượng có hành vi vi phạm thì cần làm rõ động cơ, mục đích đưa thông tin đó làm làm căn cứ xử lý”, ông Thơm nhấn mạnh.