Dự thảo Luật TTHC (sửa đổi): Thẩm phán phải được độc lập trong xét xử vụ án hành chính

Chính trị - Ngày đăng : 21:54, 27/10/2015

Sáng 27/10, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).

Theo đó, các ĐB tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính của Tòa án; vai trò của VKSND trong tố tụng hành chính...

Bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán

Nội dung được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến liên quan đến việc phân định thẩm quyền xét xử của Tòa án. UBTVQH đề nghị cho giữ thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện, cấp tỉnh như Luật hiện hành. Đồng thời, để tháo gỡ một số trường hợp khó khăn, vướng mắc cho TAND cấp sơ thẩm trong việc giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện, UBTVQH đề nghị Quốc hội chỉnh lý theo hướng: “Theo đề nghị của TAND cấp huyện và khi xét thấy cần thiết, TAND cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện quy định tại Điều 32 của Luật này”.

Tuy nhiên, thảo luận tại hội trường, đa số các ý kiến đề nghị giao cho TAND cấp tỉnh thẩm quyền giải quyết sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện nhằm hạn chế tác động từ phía UBND cấp huyện đến sự độc lập của Thẩm phán khi xét xử vụ án.

Theo ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang), việc giao thẩm quyền cho Tòa án cấp tỉnh như trên là phù hợp, không ảnh hưởng đến sự độc lập của Thẩm phán. Vì thời gian qua, lĩnh vực này thường bị chi phối làm ảnh hưởng đến vai trò của Thẩm phán cấp huyện, khiến cho người dân lựa chọn con đường khiếu nại mà không ra Tòa án, dẫn đến kéo dài và phức tạp. Hơn nữa, qua công tác tiếp công dân thấy rằng, những khiếu nại chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, liên quan đến các quyết định của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện. Trong khi đó, với nhiều nguyên nhân khác nhau khiến Tòa án vẫn phụ thuộc vào cơ quan cấp huyện, ảnh hưởng đến sự độc lập của Thẩm phán.

Dự thảo Luật TTHC (sửa đổi): Thẩm phán phải được độc lập trong xét xử vụ án hành chính

 ĐB Trương Trọng Nghĩa phát biểu (Ảnh: Hải Lý)

Đồng quan điểm, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cũng phản ánh, việc ông ghi nhận được ý kiến từ Chánh án cấp huyện cho rằng, nếu giao Tòa án cấp huyện giải quyết các khiếu kiện hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND cấp huyện là không khả thi. Đã có trường hợp, Thẩm phán xét xử tuyên “dân thắng kiện quan”, nhưng đến khi tái bổ nhiệm, mặc dù Thẩm phán đó có năng lực, nằm trong quy hoạch nhưng vẫn rất khó khăn, buộc lòng phải chuyển sang công tác ở một vị trí khác… Do vậy, đề nghị quy định TAND cấp tỉnh giải quyết các loại vụ án hành chính này là phù hợp. Đồng thời, ĐB Chu Sơn Hà cũng kiến nghị, nếu vụ án hành chính sau khi xét xử có hiệu lực pháp luật mà không thực hiện, phải xử lý trách nhiệm các bên liên quan thì hiệu quả thi hành án mới cao.

Về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND, nhiều ý kiến đề nghị quy định theo hướng mở rộng thẩm quyền của Tòa án đối với khiếu kiện hành chính như Dự thảo Luật. Nhưng đối với các quyết định mang tính nội bộ của cơ quan, theo quy định của Luật TTHC hiện hành, phạm vi các quyết định mang tính nội bộ được khởi kiện tại Tòa án hành chính về cơ bản đã bảo đảm được nguyên tắc: Tòa án không can thiệp quá sâu vào hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính và gây cản trở đến việc quản lý và hoạt động bình thường của các cơ quan này cũng như không giao quá nhiều việc cho Tòa án giải quyết trong điều kiện Tòa án còn thiếu cán bộ, Thẩm phán. Do đó, chỉnh lý khoản 3 Điều 31 của Dự thảo Luật theo hướng: “TAND có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống”.

ĐB Đặng Công Lý (Bình Định) đồng tình với việc mở rộng thẩm quyền xét xử như trên. Tuy nhiên, đối với các quyết định xử lý hành chính của TAND xử lý vi phạm hoạt động tố tụng tại Tòa án nên loại trừ, để đảm bảo khách quan, Tòa án không thể xét xử hành vi hành chính của chính mình.

Cần hiểu và quy định đúng vai trò của VKS

Một nội dung nữa được các ĐB quan tâm thảo luận là vị trí, vai trò của VKSND trong tố tụng hành chính. Nhiều ý kiến cho rằng, VKSND không thực hành quyền công tố, không khởi tố vụ án hành chính, không chủ trì thực hiện bất kỳ một giai đoạn tố tụng hành chính nào như TAND (cụ thể: Thụ lý vụ án, lập hồ sơ vụ án, thu thập chứng cứ, hòa giải, ra các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án, trưng cầu giám định…) mà chỉ kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng hành chính. Vì vậy, cần xác định VKSND là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ việc hành chính.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, theo Hiến pháp và Luật Tổ chức VKSND, VKS thực hành quyền công tố và kiểm sát tư pháp. Trong tố tụng hình sự, VKS làm 3 việc: Truy tố, công tố; tranh  tụng và kiểm sát tư pháp nhưng không phán quyết. Trong tố tụng dân sự, hành chính không có chức năng truy tố và công tố, chúng ta có thể gọi VKS là cơ quan tiến hành tố tụng cũng được, nhưng tiến hành tố tụng là để kiểm sát tư pháp chứ không phải để tham gia xét xử, do đó, nếu VKS tham gia xét xử là trái với Hiến pháp. Nếu quy định VKS phát biểu quan điểm trước khi Tòa phán quyết là không phù hợp. Đại biểu Nghĩa nhấn mạnh, VKS chỉ có vai trò kiểm sát hoạt động tư pháp nên cần quy định sao cho đúng với vị trí, vai trò của mình.

Về người đại diện tham gia tố tụng, Dự thảo Luật quy định: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này”. Đa số các ĐB đồng tình và đánh giá, đây là quy định tiến bộ và khắc phục được những hạn chế, vướng mắc hiện nay, nhưng cần có cơ chế rõ ràng để đảm bảo thực hiện.

Quốc Huy