Nên giao Bộ Thông tin & Truyền thông quản lý quảng cáo
Chính trị - Ngày đăng : 10:49, 13/04/2012
Bộ nào quản lý?
Điều 6 Dự thảo Luật quy định giao cho Bộ VHTT&DL chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo. Về điều này, hiện còn có ý kiến khác nhau.
Một số ý kiến vẫn đề nghị giao Bộ VHTT&DL chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo vì mục đích chính của công tác quản lý hoạt động quảng cáo là quản lý nội dung sản phẩm quảng cáo. Mỗi sản phẩm quảng cáo, ngoài việc đảm bảo thông tin chính xác, còn cần phải hàm chứa yếu tố văn hóa, thẩm mỹ phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục của nước ta. Hơn nữa, hiện nay Chính phủ đang giao Bộ VHTT&DL quản lý nhà nước về quảng cáo, nên Bộ này đã có kinh nghiệm và có sẵn bộ máy quản lý lĩnh vực này, giao cho Bộ tiếp tục quản lý đỡ phải xáo trộn bộ máy.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định phát biểu ý kiến (Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN)
Tuy nhiên, đa số ý kiến đại biểu đề nghị giao Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) quản lý nhà nước về quảng cáo vì khoảng 80% thị phần quảng cáo hiện nay được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo in, hệ thống đài phát thanh, đài truyền hình, internet, các phương tiện truyền dẫn phát sóng, xuất bản phẩm...; trong khi đó, ngành VHTT&DL chỉ trực tiếp quản lý quảng cáo ngoài trời (quảng cáo trên bảng, biển, pano, băng rôn).
Cũng có ý kiến cho rằng, hoạt động quảng cáo chủ yếu nhằm mục đích thương mại, vì vậy cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về quảng cáo phải là Bộ Công Thương mới hợp lý.
Hạn chế quảng cáo trên báo điện tử: khó khả thi
Nhiều đại biểu cho rằng một số quy định về quảng cáo trên báo điện tử vẫn cần được hoàn chỉnh thêm, cụ thể như: Khoản 2 Điều 27 quy định: “Vùng quảng cáo không được tràn vào vùng nội dung tin và có diện tích không quá 25% diện tích mỗi trang thể hiện trên khuôn hình”. Một số ý kiến cho rằng, việc quy định về diện tích quảng cáo trên báo điện tử như trong Dự thảo Luật là khó khả thi do đặc thù về tính năng, công nghệ của phương tiện điện tử, diện tích mỗi trang báo có thể thay đổi bằng cách di chuột trên thanh cuốn bên phải màn hình.
Thêm vào đó, công nghệ hiện nay cho phép tích hợp thông tin đa phương tiện, cùng một thông tin có thể truyền tải trên nhiều loại phương tiện như máy tính, tivi, điện thoại di động có cấu hình khác nhau. Vì vậy, các quy định về quảng cáo trên báo điện tử cũng phải tính đến yếu tố này.
Ngoài ra, theo quy định hiện hành, chỉ có báo điện tử và trang thông tin điện tử phải xin cấp phép hoạt động, trong khi đó, hoạt động quảng cáo thông qua các blog cá nhân, các trang mạng xã hội, thư điện tử,... đang nằm ngoài sự quản lý của nhà nước. Một số trang mạng từ các máy chủ nước ngoài đang tự do quảng cáo ngoài tầm kiểm soát của pháp luật Việt Nam.
Các đại biểu đề nghị cân nhắc tính đặc thù của các loại phương tiện nói trên, nghiên cứu thiết kế điều này cho phù hợp với thực tiễn. Hơn nữa, Dự thảo Luật cũng cần làm rõ các khái niệm vùng quảng cáo, vùng nội dung tin, quảng cáo không cố định vì đây là những khái niệm cơ bản về báo điện tử.
Trung Kiên