Cần thiết đưa 8 vụ án tham nhũng trọng điểm ra xét xử trước khi Đại hội Đảng
Chính trị - Ngày đăng : 10:22, 24/10/2015
Bên lề kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa đã chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề phòng, chống tham nhũng.
PV: Trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII chỉ ra bốn nguy cơ mà Đảng ta tiếp tục phải đối mặt, trong đó có nạn tham nhũng và tệ quan liêu. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
ĐB Trương Trọng Nghĩa: Tham khảo dư luận trong nhân dân và cán bộ thì trong các nguy cơ trên, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những nỗ lực khắc phục. Riêng nguy cơ cán bộ Nhà nước quan liêu, tham nhũng hiện nay còn rất nhiều hạn chế, thiếu sót và chính những hạn chế và thiếu sót này tác động vào các nguy cơ khác.
Cụ thể: Bộ máy nhà nước, cán bộ công chức quan liêu tham nhũng làm cho chủ trương, chính sách méo mó đi, làm giảm lòng tin trong nhân dân. Tham nhũng làm suy yếu lực lượng của đất nước, ảnh hưởng trầm trọng đến các nguy cơ khác, như bảo vệ chủ quyền, mất lòng tin ngay cả trong cán bộ và nhân dân.
Tôi đồng ý với báo cáo chính trị của Đảng đã nêu, theo tôi rõ ràng đây là nguy cơ cao, tác động tiêu cực, trầm trọng đến các nguy cơ khác. Đây là vấn đề cần được quan tâm và đưa ra bàn trong Đại hội XII. Bởi suy cho cùng con người là yếu tố quyết định, để từ đó mới có lực lượng khắc phục nguy cơ khác.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa
PV: Việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng quyết định đưa 8 vụ án tham nhũng trọng điểm ra xét xử trước Đại hội XII có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện nay?
ĐB Trương Trọng Nghĩa: Đây là vấn đề nhân dân và cử tri quan tâm. Nó thể hiện công tác phòng chống tham nhũng sau khi có sự thay đổi về tổ chức, đặc biệt là việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã có kết quả rõ ràng.
Theo tôi, việc đưa ra xét xử trước Đại hội 8 vụ án tham nhũng trọng điểm là biện pháp cần thiết và đúng đắn, để cho cán bộ, đảng viên, đại biểu Quốc hội thấy được quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng.
Đồng thời, qua xét xử nếu phát hiện cán bộ, đảng viên có hành vi sai phạm, sẽ cung cấp thông tin cho nhân dân, đại biểu để giám sát. Bên cạnh đó, phải bầu vào Ban chấp hành Trung ương các đồng chí có phẩm chất, năng lực lãnh đạo, có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc.
PV: Vậy theo ông, để giải quyết nguy cơ và thách thức trên, giải pháp nào có yếu tố quyết định?
ĐB Trương Trọng Nghĩa: Tôi hết sức quan tâm đến nhân sự của Đại hội XII, đây là chân lý chung trên toàn thế giới. Lực lượng lãnh đạo của đất nước là yếu tố quyết định.
Tôi tán thành với ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cần kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, chuyên quyền, độc đoán; để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị…
Quan điểm cá nhân tôi, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng, thì Đại hội Đảng XII phải chọn lựa được các đồng chí có khả năng đổi mới về tư duy, có khả năng lãnh đạo trong công cuộc hội nhập quốc tế, có tinh thần dân chủ với nhân dân. Như Bác Hồ đã nói, dứt khoát đảng viên, lãnh đạo phải có tinh thần công bộc với người dân.
PV: Thực tế cho thấy, vẫn còn những “rào cản” trong công tác tuyển chọn cán bộ trong Đảng?
ĐB Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi, trước hết trong nội bộ Đảng phải có sự đấu tranh thẳng thắn, trung thực, phải sự kiên quyết vì lợi ích của nhân dân và đất nước, đặt lên trên hết vì sự tồn vong và vững mạnh của Đảng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!