Tin tức thời sự ngày 20/10: Chính phủ báo cáo Quốc hội về TPP; Bộ Chính trị quyết định nhân sự Bí thư Thành ủy Hà Nội
Chính trị - Ngày đăng : 19:00, 20/10/2015
Chính phủ báo cáo Quốc hội về TPP
Sáng nay 20/10, khi trình bày Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo thêm nhiều nội dung về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thủ tướng báo cáo tình hình KH-XH tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, TPP là hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao với sự tham gia của 12 quốc gia là Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Brunei, Canada, Mexico, Peru, Chile, Australia, New Zealand. Như vậy, TPP sẽ có quy mô chiếm khoảng 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu.
Việt Nam đã chủ động tham gia đàm phán Hiệp định này ngay từ đầu với tư cách là quan sát viên đặc biệt và trở thành thành viên chính thức từ tháng 11/2010.
Các nước tham gia đàm phán cùng thống nhất mục tiêu của Hiệp định TPP là một hiệp định toàn diện, tiêu chuẩn cao, nhưng cân bằng về lợi ích và có tính đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước thành viên; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phát huy sáng tạo; nâng cao năng suất lao động; tạo nhiều việc làm mới; nâng cao đời sống nhân dân và giảm nghèo.
Trong quá trình xây dựng phương án và đàm phán, Chính phủ đã nhiều lần báo cáo và thực hiện nghiêm túc các chủ trương về hội nhập quốc tế theo nghị quyết và các chỉ đạo của Bộ Chính trị. Nguyên tắc đàm phán TPP là bảo đảm lợi ích quốc gia cao nhất, không ký kết Hiệp định bằng mọi giá; các nước tôn trọng thể chế chính trị của nước ta và có đối xử linh hoạt, dành cho Việt Nam lộ trình thực thi phù hợp.
Theo thỏa thuận, các bên sẽ tiếp tục hoàn tất các văn bản, thủ tục để có thể cùng ký chính thức Hiệp định vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016. Sau đó, các nước sẽ tiến hành phê chuẩn Hiệp định theo quy định pháp luật của mỗi nước với mục tiêu là đưa Hiệp định có hiệu lực từ giữa năm 2017 hoặc đầu năm 2018.
Việc thực hiện Hiệp định TPP sẽ tạo thêm nhiều cơ hội, thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội nước ta, nhất là tăng mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần tăng trưởng kinh tế cao hơn. Đương nhiên, TPP cũng mang đến nhiều khó khăn, thách thức.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, đối với một số ngành hàng khả năng cạnh tranh còn thấp, đàm phán đã đạt được lộ trình với thời gian thực thi phù hợp để giúp các doanh nghiệp tái cơ cấu, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Thủ tướng cũng bày tỏ tin tưởng với những kinh nghiệm thực tế trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là sau hơn 8 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Việt Nam sẽ vượt qua được khó khăn thách thức, phát huy tối đa cơ hội, thuận lợi, phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong thực hiện Hiệp định TPP, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật.
Năm 2015: 13/14 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch
Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011- 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.
Theo báo cáo của Chính phủ, tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 2% vào năm 2015, thấp nhất trong 15 năm qua. Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng 40% so với năm 2011; dư nợ tín dụng tăng 17%, cao nhất kể từ năm 2011, chất lượng tín dụng từng bước được cải thiện. Tỉ giá được điều chỉnh phù hợp; thị trường ngoại hối cơ bản ổn định; niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên; khắc phục một bước quan trọng tình trạng đô-la hoá, vàng hoá trong nền kinh tế...
Trên cơ sở các chỉ tiêu đạt được 9 tháng đầu năm và phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong những tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong 14 chỉ tiêu kế hoạch của năm 2015, ước tính có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Cụ thể, có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch, gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,5% (kế hoạch 6,2%); tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6% (kế hoạch 5%); chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 1,5-2,5% (kế hoạch 5%); tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế 51,6% (kế hoạch 50%); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng 14,1% (kế hoạch dưới 15%); số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) 24 giường (kế hoạch 23,5 giường); tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg) được xử lý 92% (kế hoạch 90%); tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 84% (kế hoạch là 82%).
Có 5 chỉ tiêu đạt kế hoạch, gồm: Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 10% (kế hoạch 10%); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP 30,5% (kế hoạch 30-32%); tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu người (kế hoạch 1,6 triệu); tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4% (kế hoạch dưới 4%); giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,7-2% (kế hoạch 1,7-2%).
Bộ Chính trị quyết định nhân sự Bí thư Thành ủy Hà Nội
Chiều 20-10, tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, ông Nguyễn Văn Phong, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, đã thông tin tới báo chí về Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020.
Theo ông Phong, phiên trù bị Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ diễn ra vào ngày 31-10. Phiên khai mạc Đại hội sẽ diễn ra vào sáng 1-11 và phiên bế mạc vào ngày 3-11. Dự đại hội lần XVI có 497 đại biểu chính thức thay mặt cho hơn 39 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ thành phố, trong đó có 67 đại biểu là ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ khóa XV là đại biểu đương nhiên, 430 đại biểu được bầu từ đại hội đảng bộ các quận, huyện, thị xã và đảng bộ trực thuộc Thành ủy; 60 đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ hơn 12%.
Đến nay, công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI đã hoàn thành. Thành ủy Hà Nội đã chuẩn bị xong toàn bộ các dự thảo văn kiện trình Đại hội. Đại hội lần này có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XV; quyết định phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu và các giải pháp 5 năm 2015-2020; đóng góp vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; lựa chọn và bầu 75 người vào Ban chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVI; bầu đại biểu chính thức đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (trong đó có 4 đại biểu đương nhiên, 57 đại biểu bầu tại Đại hội).
Trả lời về việc Đại hội có bầu trực tiếp Bí thư Thành ủy hay không, đại diện Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết Hà Nội là Thủ đô của cả nước. Nhân sự Bí thư Thành ủy là hết sức quan trọng và thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị trực tiếp quyết định.
Đại hội XVI TP Hà Nội xác định 5 nhiệm vụ chủ yếu và 3 khâu đột phá cũng như đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển trên 14 lĩnh vực chủ yếu.
Đồng chí Trần Văn Rón tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long
Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, chiều 20/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã thành công tốt đẹp.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón phát biểu khai mạc Đại hội.
Đại hội đã bầu Ban Chấp Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long khóa X gồm 51 đồng chí; bầu Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng gồm 16 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết.
Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 đồng chí. Đồng chí Trần Văn Rón, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long khóa IX tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long khóa X; các đồng chí Trương Văn Sáu, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Thị Thu Hà tiếp tục được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long khóa X; đồng chí Bùi Văn Nỡ được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa X.