Cần quy định cụ thể các tội của những người chưa thành niên
Chính trị - Ngày đăng : 19:10, 16/10/2015
Cần quy định cụ thể các tội của người chưa thành niên
Phần đầu phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Góp ý về việc không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý tán thành với phương án 1 của dự thảo Bộ luật là quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên như dự thảo. Quy định như vậy thể hiện tính nhân đạo, chính sách khoan hồng của Nhà nước Việt Nam.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị rà soát lại việc bỏ một số tội và bổ sung một số tội danh khác, nhất là không nên quy định xử lý hình sự đối với các tội: đăng ký hộ tịch trái pháp luật; đăng ký kết hôn trái pháp luật… Bởi, các vấn đề này không gây hậu quả nghiêm trọng, do đó chỉ cần quy định xử lý hành chính là phù hợp.
Thảo luận về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, các ý kiến tán thành cần quy định cụ thể những tội mà người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.
Về hạn chế hình phạt tử hình, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu 3 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất, tán thành bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh (cướp tài sản; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh).
Loại ý kiến thứ hai, ngoài 7 tội trên, đề nghị bỏ hình phạt tử hình thêm 3 tội khác: tham ô; nhận hối lộ; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Loại ý kiến thứ ba, đề nghị không bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh; vận chuyển trái phép chất ma túy; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; cướp tài sản; đầu hàng địch; chống mệnh lệnh; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm.
Vấn đề trên, qua thảo luận, một số ý kiến tán thành với việc bỏ 7 tội danh như trên. Đồng tình bỏ một số tội danh như dự thảo, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng riêng tội chống loài người và tội phạm chiến tranh không nên bỏ, cho dù chưa xảy ra.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, 2 tội này khi xảy ra sẽ giết hại hàng loạt dân thường và tù binh. Mặt khác, việc không bỏ 2 tội này để thống nhất với các điều quy định trong Bộ luật Hình sự.
Đối với việc không thi hành án tử hình trong một số trường hợp khác, các ý kiến cho rằng vẫn giữ hình phạt tử hình đối với tội tham nhũng; còn tội tham ô tài sản có thể giảm tử hình, nếu sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra; đồng thời hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Về bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án, qua thảo luận, các ý kiến đề nghị không quy định việc chuyển đổi 2 hình phạt này như quy định trong dự thảo.
Cũng trong sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tố tụng dân sự (sửa đổi).
Góp ý quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, các ý kiến tán thành với dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi).
Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Tuy nhiên, dự thảo thảo Bộ luật cần viết lại cho lý lẽ thuyết phục hơn.
Về thủ tục gửi, nhận đơn khởi kiện, qua thảo luận, các ý kiến đồng ý bổ sung thêm hình thức gửi đơn khởi kiện bằng thư điện tử đến cơ quan tố tụng nhằm bảo đảm thuận tiện cho người khởi kiện và tránh sự lạm dụng.
Thảo luận về thành phần xét xử phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn, các ý kiến tán thành vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn là các vụ án đơn giản, do 1 Thẩm phán tiến hành. Bởi, quy định như vậy là phù hợp với khoản 4 Điều 103 của Hiến pháp năm 2013 “Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.”
Đối với công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án, các ý kiến đồng ý Tòa án thụ lý, giải quyết và ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành.
Liên quan đến thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự, các ý kiến đề nghị thống nhất trường hợp không có yếu tố nước ngoài và không có đương sự ở nước ngoài sẽ tiến hành theo thủ tục rút gọn.