Thể chế hóa Hiến pháp về việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân
Chính trị - Ngày đăng : 20:39, 15/10/2015
Báo cáo giải trình về dự thảo lần này nhận được sự tán thành và đánh giá cao của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là những vấn đề mang tính nguyên tắc, có tác động mạnh mẽ điều chỉnh các quan hệ dân sự.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long phát biểu ý kiến.
Các ý kiến tán thành quan điểm cần quy định về bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền nhằm tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp về việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về áp dụng tập quán, lẽ công bằng, tương tự pháp luật cho phù hợp với quy định Thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định cụ thể, làm rõ khái niệm tập quán, tương tự pháp luật, án lệ, lẽ công bằng và cơ chế áp dụng để bảo đảm tính khả thi của dự án luật.
Liên quan đến quy định của dự thảo về chuyển đổi giới tính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc chuyển đổi giới tính kéo theo nhiều vấn đề xã hội phát sinh, chẳng hạn như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, hệ thống các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực: Y tế, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình, các chính sách an sinh xã hội.... Vì vậy, để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tách việc chuyển đổi giới tính thành một điều riêng và chỉnh lý nội dung này theo hướng xác định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền phát biểu ý kiến.
Đối với quy định của dự thảo về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức, dự thảo đã chỉnh lý theo hướng “Giao dịch đã được xác lập mà vi phạm quy định bắt buộc bằng văn bản, nhưng một bên hoặc các bên đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó”. Theo quan điểm của Ủy ban pháp luật, một trong những điểm sửa đổi quan trọng trong phần này là việc hạn chế các trường hợp giao dịch dân sự bị Tòa án tuyên vô hiệu về hình thức để một mặt bảo đảm tôn trọng sự thỏa thuận và ý chí của các bên, mặt khác bảo đảm sự ổn định của các giao dịch dân sự phát sinh trong đời sống. Do đó, Ủy ban đề nghị cho được giữ nội dung này như dự thảo.
Về nội dung chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân, theo đại diện Ủy ban Pháp luật, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân không phải là chủ thể của quan hệ dân sự, mà tùy thuộc vào từng quan hệ dân sự, việc tham gia của các chủ thể này thực hiện thông qua các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác hoặc thông qua người đại diện. Cũng theo quan điểm đó, đã là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự thì phải có đầy đủ quyền, nghĩa vụ chủ thể, phải chịu trách nhiệm về việc tham gia quan hệ dân sự của mình. Vì vậy, chỉ có cá nhân và pháp nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự.
Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đều cho biết, qua tổng kết thi hành Bộ luật dân sự 2005, nếu coi hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, thì thực tiễn xét xử rất khó khăn. Cách thức xử lý hợp lý là ủy quyền cho một cá nhân đại diện. Các nước cũng chỉ quy định 2 chủ thể của pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân. Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu báo cáo đầy đủ ý kiến đối với các nội dung thảo luận để Quốc hội thảo luận, biểu quyết.
Sáng mai, 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).