Tin tức thời sự ngày 13/10: Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc gia nhập Công ước La Haye
Chính trị - Ngày đăng : 19:00, 13/10/2015
Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương họp phiên thứ 23
Ngày 13/10, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương họp phiên thứ 23 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo, để thảo luận, cho ý kiến về Đề án phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Đề án này do Đảng ủy Công an Trung ương và Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp trình.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP Toàn Thắng.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương và đánh giá cao việc xây dựng Đề án thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của hai Bộ Công an và Tư pháp. Chủ tịch nước cho rằng, các đề án đã được chuẩn bị công phu, cơ bản đã xác định đúng hành vi, thực trạng tình hình tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp. Đồng thời đánh giá được thực trạng tham nhũng, tiêu cực và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp của lực lượng công an và phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp do Bộ Tư pháp quản lý. Từ đó đưa ra được phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp.
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao các ý kiến đóng góp và đề nghị, trong mục tiêu của các đề án cần bám sát yêu cầu của văn kiện Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị để xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, công bằng và bảo vệ quyền con người.
Theo Chủ tịch nước, đây chính là mục tiêu và tôn chỉ để xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh. Nội dung của các đề án đưa ra đã đạt yêu cầu nhưng phải mô tả đầy đủ thực trạng trong từng lĩnh vực, từng ngành để đưa ra giải pháp có tính đột phá.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, việc tổ chức thực hiện các Đề án sẽ góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Trong đó, việc phân công, phân nhiệm phải rõ ràng, nhất trong việc rà soát lại hệ thống quy chế trong nội bộ và quy chế phối hợp giữa các ngành, các tổ chức và các địa phương có liên quan. Đồng thời phải tăng cường kiểm tra, giám sát chéo lẫn nhau để giảm bớt tiêu cực và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan được phân công. Sau hội nghị này, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan trình Đề án hoàn thiện văn bản. Trên cơ sở đó, hàng năm có tổng kết, đánh giá về kết quả của đề án.
Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc gia nhập Công ước La Haye
Chiều 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc gia nhập Công ước La Haye về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại.
Báo cáo của Chính phủ về việc gia nhập Công ước La Haye về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại nêu rõ Công ước Tống đạt là điều ước quốc tế đa phương do Hội nghị La Haye về Tư pháp quốc tế soạn thảo và được thông qua ngày 15/11/1965, có hiệu lực từ ngày 10/2/1969. Hiện nay, có 68 quốc gia tham gia là thành viên từ các nền kinh tế phát triển và đang phát triển với truyền thống pháp luật khác nhau.
Công ước có 31 điều và 1 Phụ lục bao gồm các mẫu Yêu cầu tống đạt, Giấy xác nhận kết quả tống đạt, Bản tóm tắt giấy tờ được tống đạt. Nội dung của Công ước tập trung quy định 2 vấn đề chính là: thủ tục tống đạt giấy tờ và bảo vệ bị đơn trước hoặc sau khi bị xét xử vắng mặt trong trường hợp giấy triệu tập đã được tống đạt theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với báo cáo của Chính phủ về sự cần thiết gia nhập Công ước này. Các quy định của Công ước La Haye phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013, nhất là các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại Điều 18, Điều 48; đảm bảo quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự tại Điều 103; thể hiện đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế tại Điều 12 Hiến pháp năm 2013.
Các ý kiến nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc cần tiến hành sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành trong thời gian tới như Luật Tương trợ tư pháp, Bộ luật Tố tụng dân sự nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho việc thực thi Công ước và phát huy quyền của quốc gia thành viên Công ước. Công ước đặt ra yêu cầu các quốc gia thành viên phải có trách nhiệm chỉ định chính thức Cơ quan Trung ương theo kênh tống đạt chính.
Hiện nay theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, việc ủy thác tư pháp tống đạt giấy tờ gửi qua Cơ quan Trung ương là Bộ Tư pháp và thông lệ ở các nước thành viên Công ước Lay Haye cũng chỉ định Bộ Tư pháp là Cơ quan Trung ương. Vì vậy, các ý kiến nhất trí với đề xuất của Chính phủ đó là chỉ định Bộ Tư pháp là cơ quan trung ương. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Công ước, Bộ Tư pháp cần xây dựng cơ chế chi tiết trong việc phối hợp với Tòa án, Viện kiểm sát và Bộ Ngoại giao trong công tác tống đạt..
Phó Thủ tướng dự lễ khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An
Sáng 13/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 chính thức khai mạc. Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đức Lương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và hai tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, cùng 450 đại biểu chính thức đại diện cho trên 179.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành tựu đã đạt được của tỉnh Nghệ An trong nhiệm kỳ qua. Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và các dân tộc tỉnh Nghệ An đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện, tạo thế và lực để vươn lên tầm cao mới.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại đó là Nghệ An vẫn là tỉnh nghèo; thu nhập bình quân đầu người thấp (chỉ bằng 70% mức bình quân cả nước); chất lượng, sức cạnh tranh hàng hóa thấp; kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; nguồn nhân lực lớn nhưng chất lượng chưa cao; số huyện, xã nghèo còn lớn; chất lượng một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao; chỉ số năng lực cạnh tranh thấp hơn một số tỉnh bên cạnh…
Đảng bộ và nhân dân Nghệ An cần tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 kết thúc vào ngày 14/10