Việt Nam cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững
Chính trị - Ngày đăng : 15:32, 23/09/2015
Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững là hội nghị lớn nhất của Liên hợp quốc kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc năm 2000, thông qua các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG). Hơn 170 nguyên thủ và thủ tướng các nước đã đăng ký tham dự.
Một phiên họp toàn thể cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Hội nghị Thượng đỉnh lần này được tổ chức đúng vào dịp Liên hợp quốc kỷ niệm 70 năm thành lập và nằm trong chuỗi nhiều sự kiện lớn toàn cầu. Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, lãnh đạo các nước sẽ thông qua Chương trình nghị sự toàn cầu mới về phát triển, tạo khuôn khổ và định hướng chiến lược về phát triển bền vững từ nay đến năm 2030.
Văn kiện Hội nghị với 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu phát triển bền vững được đánh giá là đã đáp ứng được các quan tâm và lợi ích của tất cả các nước, nhất là các nước đang phát triển. Đây là kết quả của quá trình thương lượng tích cực trong hơn hai năm của các nước thành viên Liên hợp quốc.
Sự tham gia tích cực của Việt Nam vào nhiều hoạt động quan trọng của Liên hợp quốc như hợp tác phát triển, giữ gìn hòa bình…, cũng như nỗ lực của Việt Nam trong việc đạt và vượt trước hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nhất là về xóa đói giảm nghèo, được các nước ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam cũng đã chủ động tham gia đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng văn kiện Hội nghị và Chương trình nghị sự 2030.
Tại Hội nghị lần này, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và phát triển bền vững, cùng các nước trao đổi và thông qua các định hướng phát triển mới của Liên hợp quốc trong thời gian tới.
Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững nhằm các mục tiêu: Triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế theo tinh thần Đại hội Đảng XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị nhằm nâng cao hình ảnh, vị thế quốc tế của đất nước; thể hiện cam kết, quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trên lĩnh vực này; kết hợp thúc đẩy các lợi ích chính đáng của các nước đang phát triển, tăng cường quan hệ và sự hỗ trợ của Liên hợp quốc đối với Việt Nam; đề cao đường lối đối ngoại vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và thúc đẩy hợp tác song phương với một số nước ít có dịp gặp gỡ cấp cao.
Trong khuôn khổ các hoạt động tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam sẽ cùng lãnh đạo các nước chính thức thông qua Văn kiện Hội nghị thượng đỉnh tại Phiên toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh; tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc (PKO) do Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Tổng thống Hoa Kỳ chủ trì; dự Hội nghị lãnh đạo toàn cầu về Bình đẳng giới do Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc và Trung Quốc đồng chủ trì; gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc.
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tiếp xúc với nhiều tổng thống, thủ tướng các nước mà Việt Nam cần thúc đẩy quan hệ thực chất, nhất là về kinh tế, thương mại.
Tại Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng sẽ tham dự phiên Đối thoại Chính sách với Hội châu Á và Đối thoại Doanh nghiệp Việt Nam-Hoa Kỳ về chủ đề tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ; đồng thời tham dự hội nghị thường niên của Quỹ Sáng kiến toàn cầu (Quỹ Clinton); trả lời phỏng vấn và thăm Hãng thông tấn AP; gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Đoàn cấp cao của Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc lần này trong bối cảnh Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội: kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ ổn định; tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2015 đạt 6,28% (cao nhất trong 5 năm qua); Việt Nam được quốc tế ghi nhận đã đạt và vượt trước nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nhất là về xóa đói giảm nghèo.
Việt Nam cũng đạt nhiều thành tựu về đối ngoại, đặc biệt đã củng cố và thắt chặt hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước lớn, các đối tác quan trọng, đẩy mạnh kết nối, liên kết khu vực, tăng cường quan hệ với Liên hợp quốc…