Phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Báo chí (sửa đổi)
Chính trị - Ngày đăng : 22:26, 17/09/2015
Điểm mới của dự thảo Luật so với Luật hiện hành là bổ sung thêm một chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013; mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; quan tâm đến kinh tế báo chí; thừa nhận và cụ thể hóa phạm vi, lĩnh vực và nội dung liên kết trong tất cả các loại hình báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng lựa chọn luật hóa những quy định trong các văn bản dưới luật về thông tin trên báo chí, thẻ nhà báo, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú… đã áp dụng ổn định trong thực tiễn hoạt động báo chí làm tăng tính cụ thể và khả thi của Luật.
Thẩm tra dự án Luật này, Thường trực Ủy ban VHGDTN, TN&NĐ (TTUB) cho rằng, phần quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp, dự thảo Luật lại phân biệt quyền tự do báo chí dành cho cơ quan báo chí và nhà báo (Điều 11), còn quyền tự do ngôn luận trên báo chí thì dành cho công dân (Điều 12). Mặt khác, tên Điều 11 (quyền tự do báo chí) quá rộng, muốn bao quát toàn bộ nội dung quy định của Hiến pháp về quyền tự do báo chí nhưng lại không chỉ rõ quyền này của ai, còn nội dung của Điều 11 cũng chưa thể hiện đầy đủ nội hàm của quyền này.
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phát biểu ý kiến
Bởi vậy, TTUB đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, chỉ nên quy định nguyên tắc chung về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân và cụ thể hóa các quyền này tại các chương phù hợp theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013.
Về quản lý hoạt động báo chí, qua giám sát, TTUB nhận thấy, hiện nay có quá nhiều cơ quan báo chí do các cơ quan nhà nước thành lập và cấp kinh phí hoạt động, làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Trong khi đó, dự thảo Luật không có những quy định nhằm khắc phục tình trạng trên mà lại duy trì cơ chế bao cấp bằng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 16. Do đó, TTUB cho rằng dự thảo Luật cần có những quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách nhà nước nhằm nâng cao chất lượng báo chí và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban CVĐXH Trương Thị Mai cơ bản đồng tình với Tờ trình và báo cáo thẩm tra đã đánh giá khá thẳng thắn về tình trạng báo chí hiện nay. Đó là vấn đề chúng ta dần dần điều chỉnh để báo chí hoạt động theo khuôn khổ. Nhưng cần đánh giá khách quan những đóng góp tích cực của báo chí Việt Nam trong thời gian qua để quy định phù hợp.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, còn nhiều nội dung cần nghiên cứu thêm để sửa đổi cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần tách bạch quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí bởi đó là hai nội dung khác nhau, nên cần xác định lại nội hàm quyền này để thể hiện cho rõ.