Chặng đường vẻ vang dưới ngọn cờ của Đảng
Chính trị - Ngày đăng : 05:42, 02/09/2015
Mặc dù chặng đường chông gai đầy thử thách, nhưng đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng giúp cho nước ta hội nhập kinh tế quốc tế, tạo vị thế Việt Nam vững vàng sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới...
Cách đây 70 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Bản Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, không chỉ có giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc.
Tuyên ngôn Ðộc lập đã kết thúc với một quyết tâm sắt đá: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Bản Tuyên ngôn chính thức chỉ ra một chính quyền cách mạng mới của nhân dân Việt Nam được xây dựng và trưởng thành theo đúng ý nguyện của mọi tầng lớp nhân dân và cả dân tộc Việt Nam.
Đại diện giới nữ diễu hành trong ngày Quốc khánh
Tuyên ngôn độc lập khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi và đồng thời là triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Bản Tuyên ngôn Độc lập thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản Tuyên ngôn còn cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm nhìn xa về sự phát triển của lịch sử, có những dự báo thiên tài về tương lai của cách mạng cũng như quá trình hội nhập sâu rộng của cách mạng Việt Nam vào phong trào cách mạng thế giới.
Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền Cách mạng ra đời chưa có thời gian củng cố, đã phải đương đầu với hàng loạt khó khăn thách thức của “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”. Đảng và Nhà nước ta đã bắt tay ngay vào giải quyết những khó khăn cấp bách của đời sống nhân dân, tăng cường thực lực cách mạng trên tất cả các phương diện chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội... Ngày 6/1/1946, tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành công. Với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp bội ước nổ súng đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và đổ bộ hàng nghìn quân lên Đà Nẵng (20/11/1946). Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân kháng chiến của Đảng và Chính phủ, nhân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến đầy gian khổ nhưng rất anh hùng. Cùng với nhiệm vụ thực hiện cuộc kháng chiến chống chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, chúng ta đã thực hiện chuyển nền kinh tế tàn tích thực dân, phong kiến và thấp kém thành nền kinh tế dân chủ, độc lập phục vụ nhu cầu kháng chiến và kiến quốc.
Trong thời kỳ 1946 - 1954, kinh tế nông thôn và sản xuất nông nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng nên cùng với việc động viên nông dân tích cực tăng gia sản xuất, Chính phủ đã từng bước thực hiện các chính sách về ruộng đất, giảm tô, giảm tức. Nhờ đó, trong các vùng giải phóng sản xuất nông nghiệp phát triển, sản lượng lương thực năm 1954 đạt gần 3 triệu tấn, tăng 13,7% so với năm 1946, tốc độ tăng giá trị sản lượng nông nghiệp ở miền Bắc trong 9 năm kháng chiến đạt 10%/năm. Nhiều cơ sở công nghiệp quan trọng phục vụ quốc phòng và sản xuất hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho nhân dân được khôi phục và mở rộng.
Công nghiệp và thủ công nghiệp kháng chiến được xây dựng, đặc biệt là công nghiệp quốc phòng đã góp phần không nhỏ đáp ứng nhu cầu chiến đấu và tiêu dùng. Ngoài số lượng lớn về vũ khí đạn dược, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được sản xuất ngày càng nhiều. Cùng với nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, sự nghiệp giáo dục-chống giặc dốt được coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, đi đôi với chống giặc ngoại xâm, giặc đói. Từ 1946 đến 1954, có 10,5 triệu người thoát nạn mù chữ. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, kiệt quệ vì sự bóc lột lâu đời của đế quốc và phong kiến, dân tộc ta đã đứng lên kháng chiến 9 năm gian khổ chống thực dân Pháp, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nước ta đứng trước một tình hình mới, Việt Nam có hai chiến lược cách mạng: miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành độc lập dân chủ trong cả nước.
Sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc (1954), sản xuất công nghiệp từng bước được khôi phục và phát triển. Trong 3 năm khôi phục kinh tế (1955-1957) và tiếp theo là kế hoạch 5 năm 1961-1965 với đường lối công nghiệp hóa, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp mới được phục hồi và xây dựng. Từ năm 1965 đến 1975, giá trị tổng sản lượng công nghiệp năm 1975 tăng gấp 16,6 lần năm 1955, bình quân tăng mỗi năm 14,7%. Năm 1975 miền Bắc đã có 1.335 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, tăng 323 xí nghiệp so với năm 1960. Vị trí của công nghiệp trong tổng sản phẩm xã hội tăng từ 32,7% năm 1960 lên 42,6% năm 1975; thu nhập quốc dân từ 18,2% lên 28,7% trong 15 năm tương ứng. Cùng với phát triển kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cũng nâng lên. Hoạt động giáo dục, y tế đạt được những thành tựu to lớn. Có thể nói, miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội xuất phát từ một nền kinh tế hết sức nghèo nàn lạc hậu lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân miền Bắc không những làm tròn sứ mệnh là hậu phương lớn đối với miền Nam ruột thịt, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, mà còn giành được những thắng lợi to lớn trong công cuộc cải tạo và xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa và nâng cao đời sống nhân dân.
Trải qua 21 năm chiến đấu gian khổ và anh hùng, cách mạng miền Nam từng bước lớn mạnh và giành được nhiều thắng lợi to lớn. Với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược của Đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc.
Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới - giai đoạn cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội. Trong 5 năm 1976-1980, trên mặt trận kinh tế, nhân dân Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng: Khắc phục từng bước những hậu quả nặng nề của chiến tranh; khôi phục phần lớn những cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, giao thông ở miền Bắc và xây dựng lại các vùng nông thôn ở miền Nam bị chiến tranh tàn phá; củng cố kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể ở miền Bắc, bước đầu cải tạo và sắp xếp công thương nghiệp tư doanh ở miền Nam, đưa một bộ phận nông dân Nam Bộ, nông dân Nam Trung Bộ vào con đường làm ăn tập thể; bước đầu phân bố lại lực lượng lao động xã hội; tăng cường một bước cơ sở vật chất - kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân. Ngay từ những năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1981-1985), nhiều Nghị quyết và Quyết định quan trọng của Đảng và Chính phủ được ban hành nhằm từng bước sửa đổi cơ chế quản lý đối với kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế tư nhân và xóa bỏ quan liêu bao cấp. Với những bước đi đổi mới từng phần theo những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, những sáng kiến, sự năng động, sáng tạo của nhân dân của các địa phương, cơ sở sản xuất kinh doanh, đã làm cho nền kinh tế Việt Nam những năm 1981-1985 có bước phát triển khá.
Với xuất phát điểm rất thấp, lại bị tàn phá bởi chiến tranh, nên sau hoà bình, nền kinh tế nước ta hết sức khó khăn. Những năm 1986, cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội đã trở lên gay gắt, lạm phát ở mức phi mã. Nhiều doanh nghiệp nhà nước lâm vào tình trạng sản xuất, kinh doanh đình đốn, thua lỗ, hoạt động cầm chừng. Bội chi ngân sách nhà nước lớn, giá cả tăng cao, tiền lương thực tế giảm, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Trước tình hình đó, Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986) kịp thời xác định những nguyên tắc cơ bản định hướng cho công cuộc đổi mới ở nước ta. Qua các kỳ đại hội, những nguyên tắc về công cuộc đổi mới không ngừng được bổ sung và hoàn thiện. Nhờ đó, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế gây ấn tượng, được thế giới đánh giá cao.
Nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm 83% trong tổng GDP. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên; GDP tăng gấp gần 7 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp hơn 200 lần. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt khoảng 2.200 USD. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển khá nhanh với nhiều công trình hiện đại, tạo diện mạo mới cho đất nước.
Tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển văn hóa và công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Công tác giáo dục-đào tạo được chú trọng. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, hệ thống cơ sở y tế được hình thành rộng khắp trong cả nước; số bác sĩ, số giường bệnh trên một vạn dân tăng nhanh. Hệ thống dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao chất lượng. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được đặc biệt quan tâm, đảm bảo mức sống người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú.
Quốc phòng an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay nước ta đã có quan hệ ngoại giao, thương mại và đầu tư với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; hiện có hơn 18.200 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 256 tỷ USD.
Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng hệ thống chính trị được đẩy mạnh và dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được phát huy. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường.
Như vậy, có thể nói chặng đường chông gai đầy thử thách nhưng đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng giúp cho nước ta hội nhập kinh tế quốc tế, tạo vị thế Việt Nam vững vàng sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới. Đạt được thành tựu trong 70 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân. Những thành tựu này chính là cơ sở và tiền đề quan trọng, quý báu để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa trong giai đoạn mới.