Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2015: Hội nhập nhanh nhưng cải cách bên trong chậm
Chính trị - Ngày đăng : 22:05, 27/08/2015
Hội nhập cần đi liền với đổi mới
Theo chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược, mức độ tích cực trong hội nhập của Việt Nam thuộc loại nhất trên thế giới nhưng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đang không theo kịp quá trình này. “Hội nhập thì cần đi liền với đổi mới, cải cách thể chế nhưng vấn đề với chúng ta là đổi mới bên trong chậm trễ quá. Chúng ta mới chỉ giảm thời gian thông quan ở hải quan, đó là chuyện nhỏ, câu chuyện lớn là cần có đột phá về thể chế thì đến giờ này chưa làm được bao nhiêu cả”, ông Lược nói.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, Việt Nam hội nhập nhanh nhưng những cải cách bên trong chậm nên không tận dụng được nhiều cơ hội và vượt qua được những khó khăn do quá trình hội nhập tạo ra. “Quá trình hội nhập, toàn cầu hóa không hề làm giảm vai trò của Nhà nước. Nhà nước phải thay đổi chức năng từ Nhà nước chỉ huy sang Nhà nước kiến tạo phát triển. Nếu không làm được điều này, nguy cơ tụt hậu còn xa hơn”, ông nhấn mạnh.
Tiến sĩ Trần Du Lịch cũng cảnh báo: “Nếu hội nhập quá nhanh mà không có những cải cách bên trong tương ứng, Việt Nam dễ rơi vào bẫy tự do hóa thương mại”. “Để hội nhập, mở cửa thành công thì phải đổi mới từ bên trong bởi tác động bên trong là cực lớn. Tác động hội nhập buộc chúng ta phải cải cách thể chế. Nhưng nếu bộ máy, con người không cải cách, thì có sửa 100 luật cũng không thể thay đổi được", ông Lịch nhấn mạnh.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ký kết và thực thi nhiều hiệp định mở cửa thương mại quan trọng, các Hiệp định này mở ra con đường hội nhập thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như toàn bộ nền kinh tế với các đối tác thương mại lớn. Mặc dù vậy, theo ông Tuấn, có một thực tế đầy lo ngại là dường như những lợi ích tiềm tàng to lớn từ những Hiệp định, thỏa thuận thương mại này đã chưa được hiện thực hóa bao nhiêu trên thực tế. Ở thị trường xuất khẩu, chỉ mới khoảng 30% hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA. Trong khi đó thị trường nội địa lại chứng kiến sự đổ bộ nhanh chóng của hàng hóa, dịch vụ nước ngoài.
Quang cảnh Diễn đàn
"Dường như doanh nghiệp Việt Nam sau hai thập kỷ hội nhập tính từ thời điểm gia nhập ASEAN đến nay vẫn đang loay hoay, lúng túng trong việc tìm ra cách thức để hội nhập hiệu quả", ông Tuấn lo ngại.
Doanh nghiệp lớn hiệu quả thấp ?
Ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB nêu một thực tế ở Việt Nam có 94% là doanh nghiệp nhỏ (có chưa đến 50 lao động), nên rất khó tận dụng được các cơ hội từ hội nhập. Tuy nhiên, vấn đề còn phức tạp hơn khi ngay cả các doanh nghiệp lớn (có trên 300 lao động) có hiệu suất kinh doanh còn thấp hơn so với các doanh nghiệp nhỏ.
Theo ông Sandeep Mahajan, điều đó là không bình thường so với quy luật chung về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên thế giới. Các doanh nghiệp lớn trên thế giới có nhiều nguồn lực để tận dụng tốt hơn các cơ hội kinh doanh, nên thường họ có hiệu suất kinh doanh cao hơn so với doanh nghiệp nhỏ. Thế nhưng doanh nghiệp lớn ở Việt Nam lại đi ngược lại quy luật này.
Từ nhìn nhận của WB, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung có ý kiến khác. Ông Cung cho rằng, lâu nay nói hội nhập thì hay phê phán là doanh nghiệp không tích cực chuẩn bị rồi rất yếu trong cạnh tranh.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, nói như vậy, có thể đúng nhưng hoàn toàn chưa đủ. Bởi doanh nghiệp Việt Nam “như đang đi trên cái cầu khỉ, trên lưng bị đè nặng bởi khối đá đó là chi phí, họ cúi đầu dò dẫm từng bước một để sao cho khỏi rơi xuống sông nên không thể nhìn xa đến bên ngoài được”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phát biểu khai mạc
Nhấn mạnh vấn đề nền tảng của hội nhập là nhà nước, ông Cung nhấn giọng “nói không ngoa là toàn bộ hệ thống của ta không chú ý đến hội nhập”. Chứng minh cho nhận định này, ông Cung nêu thực tế Nhà nước vẫn giữ nguyên như 30 năm trước, vẫn tư duy quản lý là đứng bề trên để quản lý doanh nghiệp, đặt ra bao nhiêu rào cản chứ không đồng hành với doanh nghiệp.
“Bộ máy của ta nghiện quản lý, nghiện ra lệnh, nên cơ cấu tổ chức không thay đổi nên năng lực quản lý không thay đổi, không phải doanh nghiệp mà là nhà nước đang cản trở hội nhập”, ông Cung nhấn mạnh.
Theo Viện trưởng CIEM thì cải cách lần hai phải nhiều hơn ở phía nhà nước chứ không ở phía thị trường, làm sao để Nhà nước không làm méo mó thị trường. “Không nên phê phán doanh nghiệp mà trong tâm là phải thay đổi thể chế và bộ máy nhà nước phải thay đổi", ông Cung nói.
Ông Đặng Đức Thành - Chủ nhiệm CLB Các nhà Kinh tế (VEC) cho rằng, tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có trên 800.000 doanh nghiệp được thành lập, nhưng chỉ có khoảng 400.000 doanh nghiệp hoạt động. Tỷ lệ này quá thấp so với dân số trên 90 triệu và cũng quá thấp so với các nước, vùng lãnh thổ như Mỹ, Đài Loan, Thái Lan, Israel, Nhật. “Kinh nghiệm thế giới cho thấy để nền kinh tế có thể cất cánh, các nước cần ít nhất đội ngũ doanh nghiệp tương đương trên 2% dân số. Theo thông lệ này, Việt Nam cần ít nhất 2 triệu doanh nghiệp hiệu quả, trong khi chúng ta mới chỉ có khoảng 400 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động” – Chủ nhiệm VEC nói thêm.
Theo ông Thành, để ưu tiên phát triển các thành phần kinh tế khác, Nhà nước sẽ tập trung triệt để đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay doanh nghiệp nhà nước đang chiếm gần 40% vốn sở hữu của nền kinh tế; nhiều doanh nghiệp hoạt động (do cơ chế) không năng động và hiệu quả thấp nên việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, thay vì Nhà nước đầu tư thì nên đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài để thu hút vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý. Hiện nay đầu tư nước ngoài đang chiếm khoảng 20% vốn đầu tư của cả nước và trên 30% kim ngạch xuất khẩu. Còn 50% khu công nghiệp chưa được lấp đầy, nên những lợi thế để thu hút đầu tư Việt Nam vẫn còn rất lớn.
TPP mang theo những thách thức
Phát biểu tại Diễn đàn, PGS. TS. Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh cho rằng TPP không phải toàn màu hồng như mọi người vẫn nghĩ. Ngoài những thuận lợi, TPP cũng chứa đựng nhiều thách thức to lớn Việt Nam phải đối mặt và vượt qua.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Trình, khi gia nhập TPP Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong đàm phán TPP, bởi vì Việt Nam là nước có nền kinh tế phát triển thấp hơn các nước khác trong khối, đồng thời, hệ thống luật pháp của Việt Nam chưa được hoàn thiện theo thông lệ quốc tế. Vì vậy, đòi hỏi khi cam kết được ký, Việt Nam phải nỗ lực rất lớn trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và thực hiện cam kết xây dựng chính quyền minh bạch.
TPP sẽ tạo sức ép về mở cửa thị trường nội địa. Các vấn đề Việt Nam phải đối mặt sẽ là loại bỏ hàng rào thuế quan, theo đó, sẽ xóa bỏ hầu hết thuế quan, với thuế suất bằng 0%. Như vậy, những ngành được bảo hộ cao ở Việt Nam như lắp ráp ô tô, chăn nuôi, sản phẩm nông nghiệp khác của Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của sản phẩm đến từ các nước có trình độ công nghệ hiện đại, tiên tiến hơn trong khối, với chất lượng tốt hơn khi thuế quan giảm bằng 0% sẽ là thách thức không nhỏ đối với sản phẩm cùng loại của Việt Nam.
TPP sẽ yêu cầu thực hiện cạnh tranh công bằng theo luật chơi của thị trường đối với tất cả các thành phần kinh tế, đòi hỏi phải xóa bỏ mọi phân biệt đối xử đối với các thành phần kinh tế ngoài nhà nước trên thị trường cũng như trong đấu thầu mua sắm công.
TPP sẽ yêu cầu kiểm soát đầu tư và chi tiêu công, đòi hỏi phải công khai toàn bộ ngân sách quốc gia, mua sắm của chính quyền (ngoại trừ các khoản mua sắm phục vụ cho an ninh, quốc phòng). Nếu TPP được thông qua và ký kết bắt buộc Việt Nam phải thay đổi rất lớn trong thể chế, chính sách và điều hành kinh tế hiện nay.
Các yêu cầu trong TPP liên quan đến lao động dự kiến sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường lao động Việt Nam. Trong đó có vấn đề người lao động tham gia lập các hội để thực hiện “quyền lập hội”, một chuẩn mực quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam là một thành viên.
Vì vậy, đòi hỏi trong đàm phán phải đặt ra lộ trình mở cửa thị trường đối với Việt Nam, lộ trình cắt giảm thuế đối với Việt Nam. Đây là một khó khăn đối với Đoàn đàm phán. Bên cạnh đó, đây là thách thức đối với Việt Nam trong thời gian tới khi buộc Chính phủ và các cấp chính quyền phải đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội để khắc phục tác động tiêu cực của TPP đối với xã hội.