Vụ ông bố bị bắt vì đập 7 hộp sữa trong siêu thị: Góc nhìn pháp lý của luật sư

An ninh trật tự - Ngày đăng : 07:52, 26/07/2016

Liên quan đến vụ ông bố bị bắt vì đập 7 hộp sữa trong siêu thị ở Nghệ An, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) đã cung cấp cho Báo Công lý một góc nhìn pháp lý xoay quanh câu chuyện này.

Có hành vi sai trái nhưng chưa cấu thành tội phạm

Ngày 25/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An có báo cáo chính thức gửi Bộ Công an về vụ “ông bố bị bắt vì đập 7 hộp sữa trong siêu thị”.

Theo báo cáo, khoảng 18h ngày 14/7, Công an tỉnh Nghệ An nhận được tin báo về việc có một số đối tượng đang có hành vi hủy hoại tài sản tại Siêu thị bán đồ trẻ em Tú Bắc (số 77 đường Đinh Công Tráng, TP Vinh, Nghệ An). Ngay sau đó, Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Công an TP Vinh, Cảnh sát 113 khẩn trương có mặt tại hiện trường để ngăn chặn, giải quyết vụ việc.

Khi Cảnh sát có mặt tại hiện trường thì việc hủy hoại tài sản đã kết thúc. Qua xác minh, Cảnh sát làm rõ, đối tượng có hành vi đập phá các hộp sữa được bày bán tại siêu thị Tú Bắc là Nguyễn Cảnh Cường (28 tuổi, ở khối 6, phường Hà Huy Tập, TP Vinh) và Nguyễn Văn Hùng (49 tuổi, ở xóm 16, xã Nghi Phú, TP Vinh). Tài sản bị thiệt hại là 7 hộp sữa trẻ em nhãn hiệu Glico Icreo loại 800 gram.

Ngày 21/7, Cơ quan CSĐT Công an TP Vinh đã bắt giữ Nguyễn Cảnh Cường và Nguyễn Văn Hùng về hành vi hủy hoại tài sản. Khám xét nơi ở của Nguyễn Văn Hùng, Cảnh sát thu giữ 0,025 gam heroin, một bộ quân phục Cảnh sát kèm quân hàm Trung tá.

Vụ việc ông bố bị tạm giữ khi đập 7 hộp sữa (trong đó 5 hộp bị vỡ) gây sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, Công an TP Vinh bắt giữ ông bố về hành vi hủy hoại tài sản là chưa “thấu tình đạt lý”.

Vụ ông bố bị bắt vì đập 7 hộp sữa trong siêu thị: Góc nhìn pháp lý của luật sư

Luật sư Trương Anh Tú: "Cách hành xử của anh Cường là sai về chuẩn mực đạo đức xã hội nhưng không phải sai về quy phạm pháp luật"

Liên quan đến vụ án trên, Luật sư Trương Anh Tú (Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư Hà Nội đã cũng cấp cho báo Công lý một góc nhìn pháp lý với mong muốn các cơ quan tố tụng tỉnh Nghệ An xem xét một cách nghiêm túc, tránh gây bức xúc trong dư luận.

Luật sư Tú khẳng định, hành vi của ông bố đập 7 hộp sữa, trong đó 5 hộp vỡ là sai, nhưng chưa cấu thành tội phạm. Bởi:

Thứ nhất, do anh Cường và người thân bực tức và bức xúc vì con anh Cường uống sữa của siêu thị đã bị tiêu chảy và phải nhập viện điều trị. Sau khi phản ánh đến siêu thị nhưng không được giải quyết, phía siêu thị đã đưa đẩy trách nhiệm cho hãng sữa cho thấy sự vô trách nhiệm đối với người tiêu dùng.

“Cần phải xác định cả hãng sữa và siêu thị phải có trách nhiệm với người tiêu dùng của mình. Luật đã quy định rất cụ thể, người cung cấp sản phẩm hàng hóa dịch vụ phải đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người tiêu dùng”, ông cho biết.

Theo Luật sư Tú, trong vụ việc này có thể thấy cách hành xử của anh Cường là sai về chuẩn mực đạo đức xã hội, nhưng không phải sai về quy phạm pháp luật. Do vậy, đây là một vụ án ít nghiêm trọng, việc bắt tạm giữ là điều không nên.

Thứ hai, việc cơ quan CSĐT bắt giữ Nguyễn Cảnh Cường căn cứ vào hành vi ném 7 hộp sữa,  với tổng số tiền là 3.745.000 đồng (tức giá 535.000 đồng/hộp) là hết sức vội vàng, cẩu thả.

Ông Tú phân tích, trong số 7 hộp sữa mà anh Cường bức xúc ném xuống đất, có 5 hộp bị  vỡ, còn  2 hộp không bị vỡ cho nên không làm mất đi giá trị sử dụng của sữa nên không thể tính và áp đặt giá trị. Do vậy, thực tế chỉ có 5 hộp nhân với giá 535.000 đồng/hộp có giá 2.675.000 đồng.

Luật sư Tú nhấn mạnh, cần phải hiểu rõ thiệt hại của người bị hại là giá ở trên kệ hay là giá đầu vào. Theo quy định của pháp luật, thiệt hại phải được xác định trên giá đầu vào chứ không phải giá trên kệ (giá niêm yết trong siêu thị - PV).

Vụ ông bố bị bắt vì đập 7 hộp sữa trong siêu thị: Góc nhìn pháp lý của luật sư

Hộp sữa mà anh Cường nghi là sữa giả mua trong siêu thị Tú Bắc. Ảnh Báo Nghệ An

Ông Tú cho biết, căn cứ vào luật kinh doanh, giá trên kệ được gọi là giá kỳ vọng, đó không phải là giá mà chủ siêu thị bị thiệt hại, giá thực sự mà chủ siêu thị bị thiệt hại là giá bỏ tiền ra mua. Cụ thể, số tiền bị thiệt hại là số tiền người chủ siêu thị bỏ ra để nhập hàng hóa này (tức là giá đầu vào). Có thể người ta bán 10 đồng nhưng nhập vào có 5 đồng và giá nhập vào 5 đồng mới là thiệt hại thực sự. Do vậy, về phương pháp, nếu nhân số tiền giá bán trên kệ để tạm giữ về hành vi hủy hoại tài sản là sai.

Đặt giả thiết nếu giá nhập đầu vào 1 hộp sữa là 300.000 đồng/hộp thì 5 hộp bị vỡ có mức giá dưới hai triệu đồng thì đương nhiên không thể khởi vụ tố hình sự.

Trong vụ việc này, số tiền cơ quan Công an công bố trùng khớp với giá bán trên kệ, điều đó cho thấy Công an TP Vinh chưa tiến hành lập hội đồng thẩm định giá, hoặc đã thẩm định nhưng sai về phương pháp.  Khi kết quả định giá sai phương pháp thì không có giá trị, cho nên có thể khẳng định việc cơ quan Công an chưa lập hội đồng định giá để xác định giá, mà đã tiến hành tạm giữ là “làm ẩu”.

Cần xem xét một cách nghiêm túc

Là một nhà nghiên cứu luật, luật sư Trương Anh Tú đã phát hiện và phân tích về những điểm bất thường trong vụ án. Ông Tú mong muốn chia sẻ thông tin dựa trên căn cứ pháp lý, khách quan với mục đích xây dựng đối với các cơ quan tiến hành tố tụng ở tỉnh Nghệ An, nhằm đảm bảo công bằng, theo tinh thần Hiến pháp cũng như nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Nhìn dưới góc độ nhân văn, Luật sư Tú cho rằng việc con của anh Nguyễn Cảnh Cường uống sữa xong bị đau bụng, tiêu chảy và có biểu hiện vấn đề về đường tiêu hóa. Ở đây có mối quan hệ giữa việc sử dụng sữa của hãng Glico, siêu thị Tú Bắc và tình trạng bất ổn về đường tiêu hóa của cháu bé. Điều đó cho thấy sữa này không phải là sữa tốt, với thị trường sữa trôi nổi như hiện cộng với hiện trạng của cháu bé thì khả năng rất lớn đây là sữa giả, hết hạn sử dụng hoặc kém chất lượng.

“Nếu sữa hết hạn sử dụng, kém chất lượng thì giá trị là 0 đồng. Nếu 0 đồng thì đập 1 triệu hộp cũng giống như tiêu hủy sản phẩm kém chất lượng”, ông Tú quả quyết.

Mặt khác, xét về động cơ, mục đích thì trong tâm lý chủ quan của anh Cường, sau khi con anh bị đau bụng vì uống sữa của siêu thị, bực tức về hãng sữa không giải quyết khiếu nại, anh ta cho rằng đây là sữa không tốt và gây ảnh hưởng đến trẻ con, khi thấy những người khác mua hàng rất có thể lâm vào tình trạng như con anh thì  anh muốn ngăn chặn hậu quả đối với trẻ em khác.

“Khi anh Cường cầm sữa ném, phải chăng anh Cường muốn ngăn chặn hậu quả xảy đến với những đứa trẻ khác, mặc dù động cơ mục đích không phải quyết định trong việc giải quyết các hành vi về hủy hoại tài sản, bởi vậy, phải hết sức nhìn nhận và cân nhắc”, Luật sư Tú nói và cho biết việc cơ quan điều tra, bắt tạm giữ anh Nguyễn Văn Hùng, với vai trò người giúp sức cho Cường cũng thể hiện sự cứng nhắc của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Ông Tú cũng tỏ ra băn khoăn bởi trong vụ án này không có đơn khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, người bị hại cũng không cung cấp, không tố cáo. Trong khi đến thời điểm này Cơ quan điều tra vẫn chưa công bố quyết định khởi tố vụ án nhưng đã tiến hành khám xét phòng trọ cho thấy sự bất thường.

“Về nguyên tắc, phải có quyết định khởi tố vụ án mới được khám nhà, hiện nay chưa có quyết định khởi tố mà cơ quan điều tra mới chỉ đang tạm giữ mà khám nhà là chưa phù hợp”, ông Tú quả quyết.

Luật sư Tú thẳng thắn bày tỏ quan điểm, cơ quan điều tra không nên "dùng bê bối để lấp bê bối", không nên bắt anh Hùng để hoàn thiện lời khai để chứng minh cho việc khởi tố, hay bắt bớ có căn cứ pháp luật.

Báo Công lý tiêp tục thông tin diễn biến mới nhất về vụ việc.

Đỗ Việt