Vụ 2 thanh niên cướp giật bánh mỳ bị xử lý hình sự: Luật sư nói gì?
An ninh trật tự - Ngày đăng : 13:23, 09/05/2016
Dự kiến ngày 17/5, TAND quận Thủ Đức (TP HCM) sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm với 2 bị cáo Nguyễn Hoàng Tuấn và Ôn Thành Tân (cùng 18 tuổi, ngụ TP HCM) về tội Cướp giật tài sản.
Theo cáo trạng, khoảng 22h ngày 17/10/2015, Tuấn gặp Tân tại một tiệm Internet ở phường Tăng Nhơn Phú B (quận 9). 10h ngày 18/10/2015, Tân lấy xe máy hiệu Wave chở Tuấn đến một quán nhậu ở quận Thủ Đức để xin làm việc.
Trên đường đi, 2 thanh niên đói bụng nhưng không còn tiền nên nảy sinh ý định cướp bánh mì ăn. Tân tấp xe vào tiệm tạp hóa bên đường Tô Vĩnh Diện (quận Thủ Đức), Tuấn xuống hỏi mua 2 bịch chuối sấy, một ổ bánh mì ngọt, đậu phộng rang muối và 3 bịch me trộn đường.
Sau đó, Tuấn giật lấy gói thức ăn từ tay chủ quán rồi lên xe, Tân tăng ga bỏ chạy. Chủ quán tạp hóa tri hô và cùng người dân đuổi theo, bắt giữ 2 thanh niên cùng tang vật.
Tại cơ quan điều tra, Tân và Tuấn đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. VKSND quận Thủ Đức nhận thấy hành vi của 2 thanh niên này thuộc trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm nên đã truy tố tội Cướp giật tài sản theo điểm d, khoản 2, Điều 136 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 3 - 10 năm tù.
Luật sư Trương Anh Tú
Liên quan đến việc hai thanh niên cướp giật bánh mỳ bị xử lý hình sự, luật sư Trương Anh Tú, (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng về tội danh Cướp giật tài sản theo điểm d, khoản 2 điều 136 Bộ luật hình sự mà VKSND Quận Thủ Đức truy tố là "quá máy móc".
Theo quan điểm của luật sư, hành vi phạm tội của 2 bị can Nguyễn Hoàng Tuấn và Ôn Thành Tân có dấu hiệu phạm tội Cướp giật tài sản theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật hình sự (khung hình phạt tù một năm đến năm năm) là có căn cứ, đúng pháp luật và với bản chất hành vi phạm tội đã gây ra. Bởi lẽ:
Căn cứ Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001hướng dẫn áp dụng một số qui định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự năm 1999 có qui định “Dùng thủ đoạn nguy hiểm” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 136 BLHS là dùng thủ đoạn để cướp giật tài sản mà nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của người bị hại hoặc của người khác như dùng xe mô tô, xe máy để thực hiện việc cướp giật tài sản; cướp giật của người đang đi mô tô, xe máy...”
Xét hành vi phạm tội của 2 đối tượng trong vụ án có thể thấy, Tân là người điều khiển xe máy vào sát vào tiệm tạp hóa bên đường Tô Vĩnh Diện (quận Thủ Đức), Tuấn xuống xe đi bộ vào hỏi mua 2 bịch chuối sấy, một ổ bánh mì ngọt, đậu phộng rang muối và 3 bịch me trộn đường. Sau đó, Tuấn giật lấy gói thức ăn từ tay chủ quán rồi chạy lên xe do Tân đang nổ máy rồi tăng ga bỏ chạy…
Như vậy, Tân và Tuấn không dùng chiếc xe máy này để thực hiện hành vi khi cướp giật tài sản. Chiếc xe máy này không phải là thủ đoạn nguy hiểm gây nguy hiểm đến tính mạng của người bán hàng. Nghĩa là chiếc xe máy không có mối quan hệ nhân quả với hậu quả chiếm đoạt tài sản. Đây chỉ là phương tiện để 02 đối tượng bỏ chạy sau khi cướp giật tài sản.
Các cơ quan tố tụng đã xác định chiếc xe máy mà đối tượng Tân dùng để bỏ chạy sau khi đi xuống xe đi bộ vào vờ hỏi mua bánh mỳ để cướp giật là “dùng thủ đoạn nguy hiểm” theo điểm d khoản 2 điều 136 BLHS là không đúng với các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự.
Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ pháp lý, luật sư Tú chia sẻ, nếu 2 đối tượng này trước khi thực hiện hành vi cướp giật bánh mỳ mà chưa có bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào thì trong trường hợp phạm tội này không nên xử lý về mặt hình sự. Chúng ta còn có thể có những chế tài xử lý như xử phạt hành chính.
Về mặt hình thức, hành vi của 2 đối tượng đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nhưng chúng ta không nên máy móc xử lý hình sự trong vụ việc này. Căn cứ khoản 4, Điều 8 Bộ luật hình sự “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”.
Hành vi phạm tội của 2 đối tượng xuất phát từ việc bị đói khát và không có tiền nên trong lúc túng quẫn đã đi cướp giật bánh mỳ để ăn. Kết quả định giá tài sản chiếm đoạt chỉ có 45.000 đồng. Đây là giá trị tài sản chiếm đoạt không đáng kể.
Điều 136. Tội cướp giật tài sản 1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức b) Có tính chất chuyên nghiệp c) Tái phạm nguy hiểm d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm đ) Hành hung để tẩu thoát e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng h) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng. |