Nỗi đau của người mẹ già khi con trai trượt dài trong lầm lỡ
Tần tảo làm việc, chắt bóp để nuôi 9 đứa con. Nhưng rồi khi tuổi đã cao, sức yếu thì người mẹ già lại hết lần này đến lượt khác theo con đến chốn pháp đình. Nếu như những lần trước mức án mà con bà phải lĩnh tính bằng năm thì lần này, án tù chung thân khiến bà đau đớn.
Nguyễn Đình Sỹ (35 tuổi, trú xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, Nghệ An) là con thứ 7 trong số 9 người con của vợ chồng bà Nguyễn Thị L. (67 tuổi). Nếu như các anh, chị khác đều tu chí làm ăn thì Sỹ lại trái tính, trái nết. Đó cũng là điều khiến những người làm cha mẹ như bà L. buồn lòng.
Không buồn phiền sao được khi Sỹ sớm vướng vào con đường tù tội và trượt dài trong những lầm lỡ của mình.
Năm 2010 khi đã lập gia đình và lên chức bố nhưng Sỹ lại dính vào vụ trộm cắp tài sản và bị TAND huyện Thanh Chương xử phạt 9 tháng tù giam.
Đúng 1 năm sau ngày ra tù, Nguyễn Đình Sỹ tiếp tục lĩnh án 14 tháng tù giam về tội Chống người thi hành công vụ. Khi Sỹ chấp hành xong hình phạt tù này thì người vợ sinh thêm đứa con thứ 2.
Thay vì tu chí làm ăn để lo cho vợ con, vun vén gia đình thì Sỹ lại dính vào ma túy. Năm 2015, Sỹ bị tòa tuyên phạt 7 năm tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy.
Bao lần con trai vào tù là chừng ấy lần người mẹ suy sụp, buồn phiền. Bà đã lựa lời để khuyên bảo con quay đầu hoàn lương, quay đầu để tìm công việc lương thiện lo cho người vợ đau ốm triền miên. Nhưng dường như những lời gửi gắm của bà đã không thức tỉnh được đứa con từng mang nhiều tiền án.
Đỉnh điểm là việc Sỹ đã tham gia vào việc vận chuyển một khối lượng ma túy lớn khiến người mẹ ấy bất lực. Theo đó, ngày 26/7/2022, Sỹ được người đàn ông tên Trần Văn Tài (trú xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương) đặt vấn đề thuê đến khu vực khe Đá Cục, thuộc xã Thanh Thủy để “lấy hàng”, hứa trả tiền công từ 5 đến 7 triệu đồng.
Sáng sớm hôm sau, Sỹ nhận được lệnh của Tài đi lấy “hàng” nên đi vào khu vực khe suối. Chiều cùng ngày, có một người đàn ông đưa túi hàng màu đen đến giao cho Sỹ. Ngày hôm sau, Sỹ đưa hàng đến giao cho Tài thì bị công an ra tín hiệu dừng xe máy. Lúc này, Sỹ bỏ lại xe máy rồi chạy lên đồi keo nhưng đã bị công an bắt giữ. Kiểm tra bên trong cốp xe máy của Sỹ có hơn 1,1kg ma túy.
Từ lời khai của Sỹ, công an ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Trần Văn Tài.
Tại cơ quan điều tra, Tài khai nhận có nhờ Sỹ đi mua rùa vàng của người Lào nhưng không được. Tài không thừa nhận việc thuê Sỹ đi nhận ma túy.
Bị truy tố và đưa ra xét xử về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy, tại phiên tòa Sỹ tỏ ra khá bình thản. Ngay cả khi thấy mẹ và vợ khóc lúc phiên tòa chưa diễn ra Sỹ còn lên tiếng quát.
Quá trình xét xử, bị cáo không thừa nhận hành vi vận chuyển ma túy. Bị cáo này khai chỉ giúp Tài đi “lấy hàng”, không biết bên trong là gì, khi bị bắt quả tang mới biết là ma túy.
Dù không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng trong lời nói sau cùng, bị cáo xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt để về chăm sóc mẹ, nuôi con và lo cho người vợ bị bệnh tâm thần.
Bên hành lang phòng xử án, người thân của bị cáo chia sẻ về những sai lầm liên tiếp của Sỹ. Họ cho hay, sau lần ra tù gần đây nhất bị cáo về quê đi làm cây keo cho người ta. Công việc vất vả nhưng thu nhập không đáng là bao.
Một người thân thở dài: “Có lẽ vì áp lực kiếm tiền chữa bệnh tâm thần cho người vợ nên nó đã mắc sai lầm như vậy”. Nhưng cho dù bị cáo và người thân có biện hộ cho Sỹ như thế nào đi chăng nữa thì hành vi đó vẫn vi phạm pháp luật.
HĐXX nhận định, dù bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, tuy nhiên căn cứ vào các tài liệu điều tra thu thập được, lời khai ban đầu của bị cáo, biên bản khám nghiệm hiện trường….khẳng định việc truy tố bị cáo về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy là đúng người, đúng tội.
Trong vụ án này bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ. Bị cáo có tình tiết tăng nặng là tái phạm nên HĐXX tuyên phạt Nguyễn Đình Sỹ tù chung thân về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy.
Thấy con trai bị dẫn đi, người mẹ vội đứng lên để tiễn con. Sức khỏe yếu khiến những bước đi của bà không vững. Một người thân ngồi cạnh bên phải hỗ trợ bà. Với án tù chung thân, liệu Sỹ có kịp về để chăm sóc, báo hiếu cho người mẹ già yếu.