Các cơ quan báo chí đã tuyên truyền mạnh mẽ về công cuộc cải cách tư pháp
Chính trị - Ngày đăng : 09:00, 20/06/2015
Đã có những phóng sự điều tra, đưa tin góp phần làm sáng tỏ nhiều vụ, việc sai phạm, thiếu sót trong hoạt động tư pháp.
Nhiều cơ quan báo chí đã vào cuộc với trách nhiệm cao, cử phóng viên chuyên trách cộng tác với Văn phòng Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương thông tin thường xuyên và đậm nét hơn về hoạt động tư pháp và CCTP. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 49- NQ/TW, quá trình CCTP đã thu được những kết quả có ý nghĩa quan trọng; trong sự thành công đó, có sự đóng góp có hiệu quả của các cơ quan báo chí.
Công tác thông tin, tuyên truyền về CCTP đạt được hiệu quả nhất định
Từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Nhà nước CHXHCN Việt Nam) ra đời cho đến nay, nền tư pháp nước ta đã trải qua nhiều lần CCTP. Lần cải cách đầu tiên diễn ra vào năm 1950, khẳng định tính chất nhân dân của nền tư pháp. Lần cải cách thứ hai diễn ra vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX khi hệ thống tư pháp được chuyển sang mô hình của các nước trong hệ thống XHCN. Lần CCTP thứ ba diễn ra vào những năm 80 của quá trình đổi mới đất nước.
Ngày 2/6/2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược CCTP đến năm 2020. Đây là lần CCTP thứ tư mang tầm chiến lược tổng thể, lâu dài và toàn diện nhất từ trước đến nay trong đường lối đổi mới đất nước của Đảng. Mục tiêu của chiến lược CCTP là “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”. Chiến lược CCTP đề ra 5 quan điểm chỉ đạo, 4 phương hướng và 8 nhiệm vụ cần thực hiện để xây dựng nước ta thành một Nhà nước pháp quyền XHCN.
Ban chỉ đạo CCTP Trung ương tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về CCTP và hoạt động tư pháp”
Về vai trò của báo chí đối với công cuộc CCTP, Nghị quyết số 49- NQ/TW yêu cầu: “Tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, cung cấp thông tin về hoạt động tư pháp”. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đồng thời cũng là vinh dự, trách nhiệm lớn lao, các cơ quan thông tấn, báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử) trong cả nước đã chủ động tuyên truyền các nhiệm vụ về CCTP một cách tích cực, hiệu quả. Nhiều cơ quan báo chí ở Trung ương như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo Công lý, Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Lao động… và các báo đài địa phương đã mở các chuyên trang, chuyên mục thông tin về hoạt động CCTP. Nhiều tin bài phản ánh đậm nét về ý nghĩa, mục đích của các chủ trương, nhiệm vụ CCTP được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW; Kết luận số 92/KL-TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và các văn kiện khác của Đảng; những quy định mới của Hiến pháp năm 2013 thể chế hóa chủ trương CCTP, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi), những vấn đề mới của các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại các kỳ họp…
Nhiều cơ quan báo chí trong khối nội chính luôn bám sát các nội dung CCTP, kịp thời phản ánh hoạt động của công tác CCTP. Những chuyên trang, chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật đều dành dung lượng đáng kể để thông tin, tuyên truyên, phân tích những cải cách cụ thể trong hệ thống tư pháp, trong hoạt động của cơ quan tư pháp. Trong đó, báo chí đăng tải nhiều tin, bài về lĩnh vực pháp luật, gồm các mảng như: xây dựng pháp luật; hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật; áp dụng pháp luật; các hoạt động thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; các hoạt động về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Nhiều nhà báo đã dấn thân vào thực tiễn sinh động của cuộc sống, phát hiện, phản ánh nhiều vụ việc xâm phạm nghiêm trọng hoạt động tư pháp, hoạt động tố tụng để từ đó giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, xử lý kịp thời. Công tác tuyên truyền có sự đổi mới cả nội dung và hình thức, thông qua việc phân loại đối tượng để có hình thức tuyên truyền phù hợp. Song song đó, báo chí còn chú trọng tính phát hiện, dự báo những vấn đề có thể nảy sinh trong quá trình thực hiện CCTP để kịp thời phản ánh, góp ý, giúp các cơ quan chức năng hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp, chống oan sai, bỏ lọt tội phạm
Trong những năm qua, ngoài việc thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền, giáo dục, báo chí còn thực hiện chức năng giám sát, phản biện, tham gia quản lý xã hội. Quá trình CCTP 10 năm qua cho thấy, không ít văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành Trung ương quy định thiếu tính thực tiễn, chưa được ban hành hoặc vừa ban hành đã gặp phải sự phản ánh của nhân dân như: Quy định ngực lép không được lái xe; quy định Bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm thi đại học; đưa tên bố mẹ vào chứng minh thư nhân dân; quy định về số vòng hoa trong tang lễ; quy định thực phẩm không được để quá 8 tiếng đồng hồ, hay dự thảo Thông tư quy định nơi uống bia phải có nhiệt độ dưới 300c … T ất cả các văn bản quy phạm pháp luật kiểu tùy tiện nêu trên của các bộ, ngành được nhiều cơ quan báo chí có những bài phản biện và kết quả là nhiều bộ, ngành phải thu hồi lại dự thảo, hoặc chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành mà không mang tính khả thi.
Ngoài ra, báo chí còn tăng cường thông tin về hoàn thiện cơ chế, nâng cao vị trí, vai trò của các cơ quan tiến hành tố tụng, xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp; phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật, nêu những đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để bảo đảm các quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn CCTP. Do các cơ quan báo chí nhận thức sâu sắc và chỉ đạo quán triệt nghiêm túc đến từng đơn vị chuyên môn, biên tập viên, phóng viên về công tác tuyên truyền nên đã góp phần tăng cường sự thống nhất về nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp; củng cố niềm tin của người dân, tổ chức vào chiến lược CCTP của Đảng và Nhà nước.
Bà Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương cho biết: Từ chủ trương của Đảng về CCTP, các tổ chức, cơ quan báo chí đã chung tay tuyên truyền để công cuộc CCTP đi vào cuộc sống và đạt được những hiệu quả nhất định, tạo được sự đồng tình cao của nhân dân. Ngoài việc thực hiện chức năng thông tin tuyên truyền, giáo dục, báo chí còn thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội một cách tích cực. Kết quả thực hiện nhiệm vụ CCTP trong thời gian qua đã làm thay đổi nhận thức trong cán bộ, đảng viên, cấp ủy, tổ chức đảng về yêu cầu xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người. Hệ thống chính sách pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp, thi hành án, bổ trợ tư pháp, tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp từng bước được xây dựng, hoàn thiện theo những chủ trương và định hướng của Chiến lược CCTP.
Một số khó khăn trong công tác tuyên truyền về CCTP
Ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Nhìn chung, trong thời gian qua các cơ quan chức năng đã làm tốt vai trò thông tin tuyên truyền về CCTP. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhưng do nhiều nguyên nhân kể cả khách quan và chủ quan nên công tác thông tin, tuyên truyền về CCTP chưa được thực hiện thường xuyên, còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, rào cản; hình thức tuyên truyền còn đơn điệu, thiếu linh hoạt.
Các phóng viên báo chí tác nghiệp tại TAND TP. Hà Nội
Về nguyên nhân khách quan, biểu hiện rõ nhất là nhận thức của nhiều cán bộ, đảng viên về mục đích, yêu cầu và trách nhiệm triển khai thực hiện chiến lược CCTP chưa thực sự đầy đủ; không ít cơ quan Nhà nước chưa tuân thủ việc cung cấp thông tin cho báo chí. Cùng với đó, hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn đời sống chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật, do vậy việc phát hiện, phản ảnh những sai phạm, tiêu cực trong hoạt động tư pháp gặp rất nhiều trở ngại và khả năng gặp rủi ro đối với các cơ quan báo chí là rất cao. Thực tế cho thấy, phóng viên rất khó khăn trong việc yêu cầu cung cấp thông tin chính thống từ những cơ quan hoạt động tư pháp, nhất là những vụ việc mang tính thời sự, được dư luận đặc biệt quan tâm; hoặc có những thông tin nhạy cảm nhưng chưa được người có thẩm quyền cung cấp, định hướng kịp thời. Khi tìm hiểu, xác minh vụ việc, báo chí thường nhận được câu trả lời là “thông tin nhạy cảm, bí mật”, hoặc là bị các cơ quan này né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trả lời báo chí…
Về nguyên nhân chủ quan, đây là mảng đề tài khó, có tính nghiên cứu cao, nhưng trình độ phóng viên, biên tập viên, thậm chí có lãnh đạo cơ quan báo chí chưa hiểu kỹ lưỡng về luật pháp nên còn yếu khi xử lý tin, bài trong lĩnh vực tư pháp. Mặt khác, đây là đề tài không hề đơn giản, nên phóng viên còn bị đe dọa đến sức khỏe, tính mạng khi đi xác minh vụ việc, hoặc phản án các vụ án nghiêm trọng, phức tạp. Trong những trường hợp này, ngoài năng lực, trình độ hiểu biết nhất định về pháp luật, phóng viên cũng phải tự mình thu thập tài liệu, phân tích, so sánh, phỏng vấn ý kiến các chuyên gia pháp luật hay lãnh đạo các cơ quan chuyên môn. Vì vậy đòi hỏi thời gian, công sức và cả các chi phí khác, song kinh phí cho công tác tuyên truyền về CCTP còn hạn chế, chế độ nhuận bút cho phóng viên còn thấp. Cùng với đó, cơ chế bảo vệ nhà báo tác nghiệp trong lĩnh vực phòng chống vi phạm pháp luật, chống tham nhũng còn chưa đủ mạnh; trong vài năm trở lại đây đã có hàng chục phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp.
Bên cạnh đó, hình thức tuyên truyền chưa được tổ chức bài bản, chặt chẽ; nhiều báo điện tử, hoặc các ấn phẩm phụ chủ yếu thông tin về các vụ án, các vụ việc tiêu cực, lấn át hết các sự kiện lớn khác diễn ra cùng thời điểm. Cùng với việc “chạy đua” tìm kiếm thông tin giật gân, có không ít phóng viên viết bài đã “làm thay” công việc của Tòa án, trong đó suy diễn, “kết tội” các nhân vật được nêu trong bài. Nhìn tổng thể, các cơ quan báo chí còn thiếu tin, bài biểu dương, cổ vũ những điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong hoạt động CCTP; ít bài mang tính bình luận, phân tích sâu về những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai chủ trương, nhiệm vụ CCTP.
Chất lượng thông tin, tuyên truyền về CCTP cần nâng cao hơn nữa
Trước yêu cầu đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược CCTP, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 38 -KH/CCTP về đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về nhiệm vụ CCTP và hoạt động tư pháp. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về thực hiện các nhiệm vụ CCTP; tăng cường sự hiểu biết của người dân, tổ chức đối với chủ trương, nhiệm vụ nêu trên; qua đó tạo sự ủng hộ và tham gia của người dân, củng cố niềm tin của người dân, tổ chức vào chủ trương, pháp luật về CCTP và hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Để thực hiện tốt nội dung Kế hoạch số 38-KH/CCTP nêu trên, ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương cần tăng cường chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí chủ lực để kịp thời chỉ đạo, cung cấp thông tin chính xác, đúng định hướng; tập huấn kiến thức nghiệp vụ pháp luật và tạo điều kiện cho phóng viên đi thực tế theo Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo để thông tin rõ nét, sát thực hơn về hoạt động CCTP tại các địa phương. Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương cần nghiên cứu hỗ trợ kinh phí; có hình thức khen thưởng kịp thời đối với những cơ quan báo chí có nhiều thành tích trong việc phát hiện, nêu gương những điển hình tiên tiến, gương cán bộ công chức tư pháp liêm khiết trong khi thi hành công vụ, hay những cách làm hay trong công tác CCTP, cũng như phản ánh kịp thời, chính xác những vụ việc vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động tư pháp.
Về phía các cơ quan báo chí, bà Bà Lê Thị Thu Ba, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đề nghị báo chí cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền một cách đầy đủ, trung thực, khách quan về CCTP. Các cơ quan báo chí cần xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về CCTP phù hợp với tôn chỉ, mục đích của mình; đồng thời đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật cho phóng viên chuyên trách viết về lĩnh vực CCTP và hoạt động tư pháp. Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí trong toàn quốc tăng cường tuyên truyền về lĩnh vực này để các cơ quan chức năng và nhân dân ủng hộ, hiểu đúng về chủ trương CCTP theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN.