“Nóng” vấn đề đầu tư công, nợ công
Chính trị - Ngày đăng : 10:48, 13/04/2012
Lo ngại mất an ninh tài chính
Đại biểu Trần Hoàng Ngân và nhiều đại biểu cho rằng, việc lạm phát ở Việt Nam tăng cao kéo dài trong suốt 5 năm qua, kể từ năm 2007 đến nay và bình quân mỗi năm là 13%, gấp 3 lần so với các nước trong khu vực và có nhiều mặt hàng tăng phi lý, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào sự điều hành của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc bội chi ngân sách cũng kéo dài liên tục trong nhiều năm và chưa có xu hướng cân bằng, đã dẫn đến nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài liên tục gia tăng.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ lo ngại về vấn đề nợ công của Việt Nam (Ảnh: Chí Tùng/LĐ)
Một số đại biểu thống kê, đến cuối năm 2011, nợ công Việt Nam đã ở mức 54,6% GDP. Trong khi đó, nợ công của các nước trong khu vực như Thái Lan là 44%, Indonesia là 39,7%, Philippines là 47,3%. Các đại biểu lo ngại rằng, với mức nợ như vậy, Việt Nam đã ở mức không an toàn, nguy hiểm đến an ninh tài chính.
Mặt khác, chúng ta đã nhập siêu liên tục trong nhiều năm với mức nhập siêu cao, mặc dù chủ trương của Chính phủ ưu tiên cho xuất khẩu. Trong 5 năm (từ 2001 - 2005) chúng ta nhập siêu 19 tỷ USD, nhưng trong 5 năm (từ 2006 - 2010) nhập siêu 63 tỷ USD, vì vậy Chính phủ dự toán kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) nhập siêu 68 tỷ USD là không ổn, bởi tình trạng nhập siêu này sẽ kéo nợ nước ngoài gia tăng...
Về bội chi ngân sách, các đại biểu cũng cho rằng năm 2011, chúng ta đã chi vượt dự toán là 9,7% với 70.400 tỷ đồng. Để bù đắp bội chi ngân sách, Chính phủ phải phát hành trái phiếu để huy động vốn và trở thành đối thủ cạnh tranh của chính các doanh nghiệp Việt Nam.
Không nên quá lo lắng về nợ công
Trước những quan ngại của nhiều đại biểu về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, tính đến 31-12-2010, tỷ lệ nợ Chính phủ là 45,7% GDP, nợ nước ngoài là 42,2%, nợ công là 57,3%.
Trong kế hoạch trình Quốc hội, ước đến 31-12-2011, nợ công là 54,6%, đến 31-12-2012 là 58,4%. Chỉ số này được tính trên cơ sở dự kiến kịch bản tăng trưởng 6%, nếu như kịch bản tăng trưởng đạt được mức 6,5%, tỷ lệ nợ công sẽ thấp hơn đáng kể.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Về cơ cấu nợ công, trong tổng nợ công của Việt Nam, nợ ODA chiếm 75%, vay ưu đãi khác 19%, vay thương mại chỉ 7%. Vay ODA có thời gian rất dài và lãi suất ưu đãi. Khi so với các nước cần chú ý cơ cấu này, nhất là đối với những nước đang phát triển và các nước đã thoát khỏi ngưỡng nghèo, tỷ trọng nợ công phần vay thương mại chiếm rất nhiều.
Về phương pháp tính cũng có khác nhau, các nước phát triển tính tỷ lệ theo giá trị đồng tiền, Việt Nam tính theo phương pháp giá trị danh nghĩa. Nếu quy theo giá trị đồng tiền, tỷ lệ nợ công của Việt Nam còn thấp hơn.
Tuy vậy, Chính phủ cũng tính toán cơ cấu này đã và sẽ có thay đổi khi mà khoản ODA và ưu đãi đang trả dần, khoản vay thương mại đang có xu hướng tăng lên, vì Việt Nam đã được đưa vào danh sách là nước có thu nhập trung bình.
Chính phủ đã tính toán để có chiến lược quản lý nợ công thích hợp hơn cho từng giai đoạn. Nợ nước ngoài đang có xu hướng giảm và nợ trong nước tăng, đây là xu hướng tốt để Việt Nam giảm được sự phụ thuộc vào nước ngoài, chủ động hơn trong việc vay nợ.
Bộ trưởng cũng cho biết Bộ Tài chính đã xây dựng xong chiến lược quản lý và phát triển nợ công đến năm 2020, đang trình Chính phủ để trình các cơ quan có liên quan xem xét, thông qua.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo và đồng ý cho Bộ chủ trì xây dựng đề án xếp hạng tín nhiệm quốc gia để nâng mức xếp hạng tín nhiệm đảm bảo cho việc vay nợ của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp trong thời gian tới một cách tổng thể nhất.
Đồng tình với nhận định của các đại biểu về việc không quan trọng là vay bao nhiêu mà là khả năng trả nợ thế nào, Bộ trưởng cho biết hiện nay tổng số trả nợ của Chính phủ chiếm khoảng 14-16% tổng ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, mức trả nợ an toàn là không quá 30% tổng thu ngân sách. Thời gian tới, cùng với việc tăng cường quản lý sử dụng vốn vay, tăng cường tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là cơ cấu đầu tư công và các chỉ số vĩ mô như GDP, dự trữ ngoại hối, tỷ giá ổn định, quản lý nợ sẽ tốt hơn, vì thế không nên quá lo lắng về nợ công.
Bộ Tài chính đề nghị Quốc hội cho giữ tỷ lệ nợ công như đã trình, đó là nợ quốc gia không quá 50%, nợ Chính phủ không quá 53%, nợ công khoảng 60-65% GDP.
Cắt giảm đầu tư công là bắt buộc để kiềm chế lạm phát
Nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm đến vấn đề liên quan đến thực hiện Nghị quyết 11-NQ/CP về cắt giảm đầu tư công. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, Nghị quyết 11 không yêu cầu thu hồi vốn đầu tư đã bố trí của năm 2011 của các Bộ, ngành, địa phương về Trung ương.
Thực tế đến thời điểm này, Chính phủ chưa thu hồi, chưa cắt một đồng vốn nào. Việc cắt giảm ở chỗ không được kéo dài việc thực hiện các khoản vốn đầu tư mà đã cấp cho năm 2010 (giảm khoảng 5.000 tỷ đồng); không cho ứng trước ngân sách của năm 2012, kể cả trái phiếu Chính phủ và ngân sách nhà nước (10.000 - 12.000 tỷ đồng); không cho phép khởi công mới các công trình. Đến hết tháng 9, đã cắt giảm và điều chuyển 81.500 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, sẽ rà soát, sắp xếp lại các dự án bởi trước đây vốn ít mà bố trí rất nhiều dự án nên kéo dài, không dự án nào hoàn thành. Chính phủ không cho khởi công mới để tránh tiếp tục dàn trải. Đối với nguồn vốn đã bố trí, các địa phương, Bộ, ngành sẽ soát xét lại theo tính cấp thiết của dự án để dồn cho các dự án có thể hoàn thành trong năm 2011. Như vậy, chủ yếu là sắp xếp lại cho tập trung hơn, hiệu quả hơn, chứ không có chuyện thu về Trung ương.
Theo Bộ trưởng, cắt giảm đầu tư công khác với cắt giảm chi thường xuyên. Nghị quyết 11 yêu cầu cắt giảm chi tiêu thường xuyên 10%, Bộ Tài chính đã cắt ngay trên phần chi cho các địa phương, Bộ, ngành, tổng số khoảng 3.800 tỷ đồng. Việc cắt giảm đầu tư công là rất khó khăn, phức tạp nhưng đây là biện pháp bắt buộc để kiềm chế lạm phát.
Thu Hằng - Phương Lan