Công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án có sự chuyển biến tích cực

Chính trị - Ngày đăng : 10:48, 13/04/2012

Đó là nội dung cơ bản được khẳng định trong báo cáo của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trình bày tại hội trường Quốc hội chiều nay 25-10.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác tại kỳ họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo báo cáo của Chánh án TANDTC về công tác của các Toà án, được Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trình bày tại Quốc hội: Năm 2011, ngành TAND triển khai các nhiệm vụ công tác trong điều kiện tình hình an ninh chính trị, kinh tế của thế giới và khu vực tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn. Mặc dù tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước trong thời gian qua vẫn tiếp tục được giữ vững và ổn định nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp; các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án vẫn có xu hướng gia tăng.

Cùng với yêu cầu làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, ngành TAND còn tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp mà trọng tâm là việc đổi mới tổ chức, hoạt động của Tòa án theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ-TW; phối hợp với UBMTTQ các cấp trong việc bầu Hội thẩm TAND nhiệm kỳ 2011-2016; tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện tốt các luật, pháp lệnh mới có liên quan đến tổ chức và hoạt động của ngành Toà án.


Về công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án: Toàn ngành đã giải quyết được 299.309 vụ án các loại trong tổng số 326.269 vụ đã thụ lý (92%); số vụ án còn lại hầu hết là mới thụ lý và còn trong thời hạn giải quyết theo luật định. So với cùng kỳ năm trước, số vụ án đã thụ lý tăng 36.983 vụ; đã giải quyết tăng 34.956 vụ. Đáng chú ý là tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ, sửa do nguyên nhân chủ quan đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Các đại biểu thảo luận tại hội trường (Ảnh: ÐK)


Qua công tác xét xử cho thấy, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người và các tội xâm phạm sở hữu vẫn chiếm tỷ lệ cao. Các vụ việc dân sự chủ yếu là các tranh chấp về đất đai, hợp đồng. Các vụ án hành chính chủ yếu liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai và là những vụ án rất phức tạp.

Về các vụ án hình sự: Năm 2011 đã giải quyết, xét xử 75.014 vụ án với 127.247 bị cáo, tăng 9,7% số vụ so với cùng kỳ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ là 0,5% (do nguyên nhân chủ quan là 0,4% và do khách quan 0,1%); bị sửa là 4,8% (do chủ quan 0,4% và do khách quan 4,4%). So với cùng kỳ, tỷ lệ án bị huỷ do nguyên nhân chủ quan giảm 0,04%, bị sửa do nguyên nhân chủ quan giảm 0,05%.

Về các vụ án dân sự: giải quyết, xét xử 222.386 vụ việc, tăng 28.014 vụ việc. Tỷ lệ án bị huỷ là 1,5% (chủ quan 1,4%, khách quan 0,1%); bị sửa là 1,9% (chủ quan 1,4%, khách quan 0,5%). So với cùng kỳ, tỷ lệ án bị huỷ do nguyên nhân chủ quan giảm 0,1%, bị sửa do nguyên nhân chủ quan giảm 0,1%.

Về giải quyết các vụ án hành chính: 1.790 vụ, tăng 392 vụ so với cùng kỳ. Tỷ lệ án bị huỷ là 4,5% (do chủ quan 3,9%, do khách quan 0,6%); bị sửa là 8,5% (chủ quan 3,4%, khách quan 5,1%). Tỷ lệ án bị huỷ do chủ quan giảm 1,3%, bị sửa do nguyên nhân chủ quan giảm 2,1%.


Các Toà án đã tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để làm tốt công tác xét xử các vụ án hình sự, nhiều vụ án lớn xâm phạm an ninh quốc gia, các vụ án về tham nhũng, ma tuý lớn đã được đưa ra xét xử nghiêm minh, được dư luận đồng tình. Các Toà án đã quan tâm, làm tốt công tác xét xử lưu động (đã tổ chức trên 5.000 phiên toà lưu động).

Trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự, tiếp tục tập trung khắc phục việc để các vụ án quá thời hạn xét xử. Đặc biệt, đã thực hiện tốt công tác hoà giải, nên tỷ lệ hoà giải thành chiếm 50% tổng số các vụ việc đã giải quyết. Để thi hành Luật Tố tụng hành chính, thời gian qua Toà án các cấp đã triển khai việc bổ sung biên chế, tăng cường bổ nhiệm, điều động Thẩm phán, triển khai tập huấn nghiệp vụ xét xử các vụ án hành chính cho cán bộ, Thẩm phán.


Báo cáo nhận định: Công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án trong thời gian qua tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Những hạn chế, thiếu sót như việc để vụ án quá thời hạn xét xử, bản án tuyên không rõ ràng; cho hưởng án treo không đúng pháp luật… đã được Tòa án các cấp khắc phục có hiệu quả.


Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, thiếu sót như tỷ lệ các bản án, quyết định của Toà án bị huỷ, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán chưa giảm mạnh, trong đó tỷ lệ các bản án, quyết định giải quyết các vụ án hành chính bị huỷ, sửa còn cao. Một số Tòa án địa phương chưa khắc phục triệt để các vụ án dân sự quá thời hạn xét xử theo quy định của pháp luật…

Nguyên nhân là do số lượng các loại vụ án và đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm phải thụ lý và giải quyết thời gian qua là rất lớn, trong khi số lượng cán bộ, Thẩm phán của một số Tòa án chưa đủ để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, chế độ chính sách đối với cán bộ Tòa án chưa tương xứng với tính chất công việc, chưa giúp cho ngành Tòa án thu hút nguồn cán bộ có năng lực trình độ, đặc biệt là các nơi vùng sâu, vùng xa, thiếu nguồn tuyển dụng cán bộ. Nhiếu trường hợp phải hoãn phiên tòa dân sự vì các nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án…


Để giúp các Tòa án hoàn thành tốt hơn nhệm vụ của mình, TANDTC kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh việc sửa đổi, bổ sung để trình Quốc hội thông qua các dự án luật liên quan đến tổ chức các cơ quan tư pháp và thủ tục tố tụng tư pháp, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện Đề án đổi mới tổ chức hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra.

Trong khi chờ sửa đổi Luật Tổ chức TAND năm 2002, đề nghị Quốc hội có nghị quyết bổ sung cho Chánh án TANDTC thực hiện chức năng đào tạo đối với cán bộ, công chức Tòa án; Đề nghị Chính phủ đưa Đề án quy hoạch tổng thể trụ sở TAND các cấp vào danh mục công trình trọng điểm quốc gia. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chức năng sớm hoàn thành Đề án cải cách tiền lương và xây dựng, ban hành các chính sách đãi ngộ xứng đáng với lao động đặc thù của cán bộ, công chức các cơ quan tư pháp nói chung và ngành Tòa án nói riêng.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã nghe các báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng VKSNDTC; công tác thi hành án và đặc xá; Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về các nội dung trên.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, trong năm 2011, trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, lực lượng Công an đã làm tốt vai trò nòng cốt, phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể tăng cường các biện pháp phòng ngừa, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; triển khai nhiều kế hoạch đấu tranh phòng chống tội phạm theo chuyên đề, hệ loại đối tượng, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm. Đã thực hiện tốt việc tấn công, trấn áp tội phạm có tổ chức, băng nhóm; tội phạm có yếu tố nước ngoài; tội phạm sử dụng vũ khí nóng và vũ khí tự tạo gây án; tội phạm chống người thi hành công vụ…

Quá trình điều tra, xử lý các đối tượng, vụ việc đã chấp hành đúng quy định của pháp luật, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp trong việc xác định tội danh, đề xuất hình thức xử lý, truy tố, xét xử.

Vì vậy lực lượng đã giữ vững ổn định chính trị của đất nước, kiềm chế được tốc độ gia tăng của tội phạm, bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng của quốc gia, góp phần phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo tại kỳ họp. (Ảnh: TTXVN)

Cũng trong năm 2011, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục có chuyển biến tốt. Chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực hoạt động kiểm sát được nâng cao.

Phối hợp với các cơ quan tố tụng ở Trung ương và địa phương được tăng cường, đã xây dựng quy định phối hợp liên ngành trong nhiều lĩnh vực, tập trung giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp được dư luận nhân dân quan tâm…

Theo chương trình, ngày mai 26-10, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về các nội dung trên.

Trung Kiên

congly.com.vn