Cần nhiều giải pháp phòng chống oan sai
Chính trị - Ngày đăng : 20:29, 02/06/2015
Hội nghị được truyền hình trực tuyến trong toàn quốc đến VKSND cấp huyện.
Phát biểu khai mạc, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Trong nhiều năm qua, thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13, Nghị quyết số 63/2013/QH13 về công tác tư pháp và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, hàng năm, ngành Kiểm sát nhân dân luôn xác định “chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đạt kết quả khả quan.
Toàn cảnh hội nghị
Tuy nhiên, trước tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, mặc dù các cơ quan tư pháp đã có nhiều cố gắng, nhưng nhiều lý do chủ quan và khách quan, oan, sai trong giải quyết án hình sự vẫn còn xảy ra ở một số địa phương. Trong đó, có một số trường hợp xâm phạm nghiêm trọng quyền con người, quyền công dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm suy giảm uy tín của các cơ quan tư pháp…
Trong những năm qua, VKSNDTC đã chỉ đạo toàn ngành kiểm sát tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tập trung thực hiện nhiệm vụ phòng, chống oan, sai trong giải quyết án hình sự; đẩy mạnh hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát tư pháp trong lĩnh vực hình sự; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự…
Trên cơ sở triển khai, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt những giải pháp trên, công tác của ngành đã đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, số người bị bắt, tạm giữ về hình sự sau chuyển xử lý hành chính hoặc trả tự do giảm dần và chiếm tỷ lệ thấp, nhiều địa phương không để xảy ra bắt, giam giữ oan; số hồ sơ có thiếu sót, vi phạm phải trả để điều tra bổ sung giảm và chiếm tỉ lệ thấp. Số bị can đình chỉ điều tra do oan có xu hướng giảm và chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Đặc biệt, một số chỉ tiêu vượt Nghị quyết số 37 của Quốc hội như: tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt trên 99,9%, vượt 9,9%; truy tố đúng người, đúng tội danh đạt trên 99,6%, vượt 4,6%. Các bản án, quyết định có dấu hiệu oan, sai phải hủy để điều tra, xét xử lại ngày càng hạn chế, nhiều địa phương không xảy ra; số lượng, chất lượng kháng nghị hình sự tăng…
Kết quả thực hiện nhiệm vụ nêu trêm của ngành Kiểm sát nhân dân đã góp phần quan trọng hạn chế và loại trừ oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự.
Hội nghị cũng đã tập trung thảo luận, phân tích kỹ tính chất, mức độ của những vi phạm pháp luật, thiếu sót dẫn đến oan, sai; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra oan, sai. Trên cơ sở đó, rút ra những bài học kinh nghiệm và tìm ra các giải pháp thiết thực nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phòng, chống oan sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh nhấn mạnh: Oan sai trong tố tụng hình sự để lại hậu quả nghiêm trọng, có nhiều trường hợp không khắc phục được hậu quả. Vì vậy, hạn chế và tiến tới hủy bỏ án oan sai là nhiệm vụ rất quan trọng.
Theo ông Nguyễn Doãn Khánh, chống oan sai và bồi thường cho người bị oan sai, cần quan tâm những giải pháp mang tính dài hạn, xử lý các biện pháp cụ thể; tăng cường phối hợp trong kiểm soát quyền lực. Bên cạnh đó, chú trọng tham gia đổi mới mô hình tố tụng, lấy tranh tụng làm căn cứ để Tòa án làm căn cứ tuyên án. Nâng cao hiệu quả của Viện kiểm sát với 3 chức năng: Công tố, kiểm sát và chức năng trực tiếp điều tra xử lý các vụ án, đặc biệt án tham nhũng và án do các cơ quan tư pháp thực hiện.