Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật phí, lệ phí và Luật kế toán

Chính trị - Ngày đăng : 15:09, 29/05/2015

Sáng 29/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật phí, lệ phí và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán.

Tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, thuận lợi trong quản lý thu, nộp và sử dụng phí, lệ phí  

Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật phí và lệ phí bởi qua 13 năm thực hiện Pháp lệnh Phí và lệ phí đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Việc ban hành Luật sẽ tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, thuận lợi trong quản lý thu, nộp và sử dụng phí, lệ phí.    

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật phí, lệ phí và Luật kế toán

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Trần Văn Bản phát biểu ý kiến.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng trong thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến quá trình quản lý, sử dụng các khoản thu chưa đúng quy định, liên quan đến đời sống dân sinh. Đại biểu Trần Văn Bản (Bình Định) băn khoăn về việc có nhiều khoản quỹ người dân vẫn phải đóng góp không nằm trong Pháp lệnh Phí và lệ phí, đã gây bức xúc cho xã hội. Trong dự án Luật chưa đề cập đến hệ thống quỹ mà thực tế người dân phải đóng góp. Liệu sự ra đời của Luật có khắc phục được vấn đề này hay không? Đây là vấn đề người dân rất quan tâm, đại biểu cho biết.

Cho ý kiến về tính thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật liên quan, nhiều đại biểu Quốc hội nhận định: qua tổng kết Pháp lệnh Phí và lệ phí cho thấy, việc rà soát hệ thống luật hiện hành vẫn còn nhiều quy định liên quan đến phí, lệ phí ở nhiều luật khác nhau nhưng chưa được hệ thống hóa, quy định thống nhất trong dự án Luật. Để đảm bảo đồng bộ, toàn diện, đầy đủ của Luật Phí và lệ phí, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, hệ thống hóa đầy đủ các quy định của hệ thống pháp luật liên quan đến phí, lệ phí vào dự án Luật. Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) nhấn mạnh: vấn đề đầu tiên của việc thể chế pháp lệnh thành luật là cần bảo đảm tính cụ thể. Ví dụ như danh mục phí, lệ phí cần quy đinh cụ thể từ thực tiễn, từ đánh giá tác động của chính sách, tránh tình trạng phí chồng phí…

Đồng thời, dự án luật cần quy định cụ thể về nguyên tắc xác định mức thu, mức miễn giảm, trên cơ sở đó phân cấp thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương, tránh việc nhiều địa phương “xé rào”, không bảo đảm tính thống nhất. Việc quản lý thu, nộp, sử dụng phí, lệ phí cần quy định mang tính nguyên tắc ngay trong luật, không nên giao Chính phủ quy định. Về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí, các đại biểu Triệu Thị Nái, Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang), Hồ Văn Năm (Đồng Nai)… đồng tình với dự án Luật quy định số thu từ lệ phí nộp toàn bộ (100%) vào ngân sách Nhà nước, đối với chi phí tổ chức thực hiện thu lệ phí do ngân sách Nhà nước đảm bảo. Đồng thời, để bảo đảm tính công bằng, các đại biểu cho rằng không nên để lại tỷ lệ (%) số thu phí cho tổ chức thu phí, nên quy định ngay trong Luật: toàn bộ các khoản thu phí được nộp 100% vào Ngân sách Nhà nước, các khoản chi cho tổ chức thu sẽ do Ngân sách Nhà nước đảm bảo và bố trí trong dự toán chi của các đơn vị.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật phí, lệ phí và Luật kế toán

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Long An, Đắk Nông, Ninh Bình, Kiên Giang thảo luận tại tổ. 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang) phân tích: Việc quy định nộp 100% phí, lệ phí vào ngân sách Nhà nước là phù hợp và đồng bộ với Luật Ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, phí, lệ phí là nguồn thu lớn, quan trọng đối với ngân sách Nhà nước. Đối với các hành vi bị cấm, các đại biểu nhận xét việc quy định các hành vi nghiêm cấm trong dự án Luật chưa bao quát hết những trường hợp phát sinh trong thực tiễn. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung quy định các hành vi nghiêm cấm đầy đủ, bao quát, chặt chẽ hơn đối với các hành vi vi phạm về chế độ quản lý, thu, nộp phí, lệ phí.    

Quy định bao quát các vấn đề phát sinh trong thực tiễn liên quan đến công tác kế toán    

Đồng tình với việc cần thiết ban hành Luật sửa đổi bổ sung, một số điều của Luật kế toán, các đại biểu Quốc hội nhận đinh: qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Kế toán đã hình thành khuôn khổ pháp lý quan trọng cho hoạt động kế toán, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính, từng bước đưa công tác kế toán đi vào khuôn khổ và thực hiện thống nhất trong cả nước. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và lộ trình hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy nói chung, hệ thống pháp luật về kinh tế, tài chính nói riêng, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế, nhiều vấn cần phải sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá sâu sắc về quá trình thực thi Luật, đề xuất các nội dung sửa đổi căn bản, toàn diện hơn, xác định đầy đủ các nội dung chưa được quy định ở Luật Kế toán hiện hành để có quy định bao quát các vấn đề phát sinh trong thực tiễn liên quan đến công tác kế toán, bảo đảm tính ổn định và đời sống lâu dài của Luật.

Xung quanh quy định về kiểm tra kế toán, nhiều đại biểu khẳng định: kiểm tra kế toán là nội dung quan trọng nhằm phát hiện các sai phạm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác kế toán. Tuy nhiên, Luật hiện hành và dự án luật mới chỉ dừng ở việc quy định về một số nội dung liên quan đến quyền và trách nhiệm của đoàn kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra,... mà chưa quy định về thời hạn, cách thức để đơn vị được kiểm tra phản hồi hoặc giải trình, làm rõ các nội dung chưa thống nhất với biên bản, kết luận kiểm tra; thời hạn cơ quan kiểm tra phải trả lời, làm rõ các nội dung chưa thống nhất với đơn vị được kiểm tra,... dẫn đến chưa bảo đảm tính bao quát, đầy đủ.    

Quan tâm đến quy định “đơn vị kế toán phải chịu sự kiểm tra kế toán của cơ quan có thẩm quyền và không quá một lần kiểm tra cùng một nội dung trong một năm”, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) đặt vấn đề: Trong phần giải thích từ ngữ, dự án luật quy định rõ: “Kiểm tra kế toán là xem xét, đánh giá việc tuân thủ pháp luật về kế toán, sự trung thực, chính xác của thông tin, số liệu kế toán”, đối chiếu lại, cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm tra ở đây là Bộ Tài chính. Nếu nói như vậy, Kiểm toán Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra này không? Theo cách hiểu này, cơ quan có thẩm quyền ở đây là Bộ Tài chính. Như vậy, Kiểm toán Nhà nước có thẩm quyền này không?. Trong thực tế, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính xuống các đơn vị làm việc, nội dung kiểm tra không giống nhau nhưng đều liên quan đến việc xác định “sự trung thực, chính xác của thông tin, số liệu kế toán”. Vấn đề cần làm rõ là cơ quan nào sẽ quyết định xử lý nếu đơn vị được kiểm tra để xảy ra vi phạm? Cơ chế nào để xác định “không quá một lần kiểm tra cùng một nội dung trong một năm?”.  

Cũng trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu đã tập trung thảo luận về hành nghề dịch vụ kế toán; về chứng chỉ hành nghề kế toán; về nguyên tắc kế toán.

Phúc Hằng