Quốc hội bàn việc phân bổ ngân sách hợp lý
Chính trị - Ngày đăng : 10:48, 13/04/2012
Đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường. Ảnh: Minh Điền/SGGP
Đại biểu Đinh Xuân Thảo nhận xét, nếu Luật Ngân sách chưa sửa đổi được thì rất khó có thể xây dựng các chỉ tiêu sát và phù hợp với tình hình thực tế. Bởi vậy, bàn về ngân sách bao giờ cũng là phần khó khăn nhất. Đại biểu cũng chỉ căn cứ theo các con số được báo cáo và tỷ lệ xây dựng tăng hay giảm chỉ là ước tính so với các chỉ tiêu của năm trước. Trong khi đó, quá trình thu chi thực tế lại vướng nhiều yếu tố khác khiến các chỉ tiêu này khó đảm bảo cân bằng như mục tiêu xây dựng ban đầu, vì vậy thường xuyên xảy ra tình trạng chuyển vốn.
Chính phủ dự kiến mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2012 là 140.200 tỷ đồng (bằng 4,8% GDP), tuy nhiên đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần quyết liệt cắt giảm bội chi hơn nữa. Ông Ngân nói: “Bội chi ngân sách liên tục nhiều năm đã dẫn đến nợ công, trong đó có nợ nước ngoài ở mức báo động. Ước tính đến cuối năm 2011 nợ công là 54,6% GDP, nợ nước ngoài là 41,5% GDP.
Nếu so với dự trữ ngoại hối của nước ta hiện nay thì nợ nước ngoài lớn hơn nhiều. Nhìn sang các nước trong khu vực, ví dụ như Thái Lan, nợ công là 44,1% GDP, nhưng dự trữ ngoại hối của Thái Lan là 176 tỷ USD. Nhiều nước xuất siêu, nghĩa là có dư để trả nợ, còn mình nhập siêu liên tục. Do đó, Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục các chính sách để đảm bảo ổn định vĩ mô thật bền vững”.
Cần phân bổ hợp lý "miếng bánh" ngân sách. (Ảnh minh họa)
Đại biểu Trần Du Lịch khẳng định, cần sớm thay đổi phương thức phân bổ ngân sách, bởi phân bổ ngân sách hiện vẫn theo kiểu cân đối, dẫn tới việc “chạy dự án", rất khó cắt giảm, hoặc cắt giảm tràn lan, không mục đích. Đại biểu Lịch đề nghị nên tránh cách phân bố ngân sách giống như: “Tôi có từng đó dầu, nếu cấp cho một chiếc tàu thì đủ chạy ra Côn Đảo, nhưng vì tôi có 3 chiếc tàu nên phải cấp cho 3 chiếc. Tàu nào cũng chạy nhưng không ra được đến Côn Đảo mà phải chờ năm sau được cấp dầu để chạy tiếp”.
Theo ông Lịch, cần phải thay đổi cơ bản, xem cái gì là nguồn thu của Trung ương, cái gì của địa phương. Với địa phương nghèo có thể bao cấp những dịch vụ công, nhưng tỉnh khá hơn thì phải chi từ nguồn thu của mình. Ngân sách Trung ương tài trợ những dịch vụ xã hội theo nhu cầu và phải có giám sát.
Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, Chính phủ cần xác định từng lĩnh vực cụ thể để phân bổ hợp lý “miếng bánh” ngân sách. Theo đó, phải xác định được vấn đề gì là đòi hỏi cấp bách nhất hiện nay, tại địa bàn nào và đi sâu phân tích vào từng lĩnh vực cụ thể thì mới xác định được địa phương hay ngành nào cần tăng hoặc phải giảm tỷ lệ phân bổ vốn. Không thể áp dụng tình trạng “cào bằng” mà nên hướng tới hiệu quả thực tế - Đại biểu Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, đại biểu Đào Trọng Thi đề xuất nên duy trì và đảm bảo tỷ trọng cho các khoản chi về văn hóa, xã hội, trong đó chú trọng phục vụ an sinh xã hội, giáo dục, y tế, bởi cho dù Trung ương đảm bảo tỷ trọng đối với các khoản chi này, nhưng một số địa phương chưa triển khai đúng.
Thực tế nhiều địa phương thỏa thuận dành khoản chi cho giáo dục với cơ cấu 80% lương, 20% chuyên môn, nhưng đến khi thực hiện cụ thể thì kinh phí dành cho chuyên môn chỉ còn khoảng 5% vì đã phải dồn hết cho trả lương. Như vậy, sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng giáo dục. Tình trạng lạm thu đầu năm tại nhiều cơ sở giáo dục có nguyên nhân bắt nguồn từ kinh phí rót cho các trường rất khó khăn, bởi vậy nhiều khoản thu trong số này phải dành bổ sung cho chi hoạt động chuyên môn. Vì vậy, cần có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ để kinh phí đã phân bổ đảm bảo chi đúng.
Yếu tố đầu tư cho con người rất được quan tâm, tuy nhiên các đại biểu cho rằng đảm bảo yếu tố lương là tốt, nhưng không thể thu hẹp kinh phí phục vụ hoạt động chuyên môn. Nếu lơ là phần đầu tư cho chuyên môn thì lực lượng công chức nhà nước không thể đóng góp tốt cho công tác chuyên môn nghiệp vụ để tạo hiệu quả kinh tế chung cho xã hội. Vì vậy, cần cân đối kinh phí dành cho quỹ lương và hoạt động chuyên môn.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh bổ sung ý kiến cần bố trí hợp lý và chỉnh sửa về các khoản chi hỗ trợ cho nhóm đối tượng là người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, người nghèo, cán bộ công tác tại cơ sở. Trong đó, chú ý vào các hỗ trợ chi trả bảo hiểm xã hội, y tế, lương... để giúp đời sống của nhóm đối tượng này được cải thiện.
Đầu tư dàn trải sẽ khó tạo đột phá để phát triển bởi sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu và thu không đủ chi. Vì vậy, với khoản tăng thu dự kiến hơn 200.000 tỷ đồng vào năm 2012 cũng chỉ tương đương với các khoản chi dự kiến nên ngân sách nhà nước cần tập trung cho hệ thống giao thông huyết mạch, đảm bảo hạ tầng theo kịp nhu cầu phát triển; tiếp đến là đầu tư vào phát triển khoa học, đây chính là mũi nhọn để phát triển - Đại biểu Trịnh Thế Khiết đề xuất.
T. Hằng - L.Phương