Bổ sung thủ tục rút gọn trong BLTTDS (sửa đổi): Bảo đảm sự thuận lợi đối với người dân và Tòa án
Chính trị - Ngày đăng : 06:00, 22/05/2015
Việc xây dựng chế định xét xử vụ việc dân sự theo thủ tục rút gọn là một giải pháp cần thiết, không những bảo đảm được trình tự, thủ tục tối thiểu của thủ tục tố tụng mà còn bảo đảm việc giải quyết vụ việc nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm.
Những hạn chế khi giải quyết vụ việc dân sự theo quy định hiện hành
Theo quy định của BLTTDS thì thủ tục tố tụng thông thường hiện nay được Toà án áp dụng để giải quyết tất cả các tranh chấp dân sự kéo dài từ 4 tháng đến 6 tháng. Tại TAND, chỉ có một thủ tục TTDS chung và duy nhất cho việc giải quyết tất cả các loại tranh chấp dân sự. Như vậy, những vụ án đơn giản, có chứng cứ rõ ràng, bị đơn không phản đối, giá ngạch thấp nhưng vẫn phải giải quyết theo thủ tục tố tụng thông thường, gây lãng phí thời gian, chậm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, gây tốn kém cho Nhà nước và các bên đương sự.
Qua công tác tổng kết xét xử của TANDTC hàng năm cho thấy, tranh chấp dân sự phát sinh ngày càng nhiều, tính chất phức tạp ngày càng tăng lên. Tòa án các cấp những năm gần đây luôn ở trong tình trạng quá tải, lực lượng Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký tại các Tòa án không đáp ứng đủ yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự. Thực tiễn giải quyết vụ việc dân sự thấy rằng, có nhiều vụ án dân sự đơn giản, nhưng thời gian giải quyết lại kéo dài một cách không cần thiết, trong khi các Thẩm phán có thể giải quyết nhanh hơn nếu không phải thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục được quy định mà vẫn đảm bảo được các mục tiêu mà pháp luật tố tụng đã đặt ra. Điều này khiến cho các đương sự và ngay cả Tòa án mong muốn có một thủ tục đơn giản hơn, thuận lợi, ít tốn kém hơn đối với những vụ án đơn giản, giá trị tranh chấp nhỏ, có chứng cứ rõ ràng. Xét cả ở góc độ thực tiễn và khoa học, để hạn chế phần nào những bất cập của thủ tục xét xử thông thường đối với những loại vụ án này, thì xây dựng chế định về xét xử vụ việc dân sự theo thủ tục rút gọn là một giải pháp cần thiết, không những đảm bảo được trình tự thủ tục tối thiểu của thủ tục tố tụng mà còn đảm bảo việc giải quyết vụ án nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm.
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đang trên đà phát triển, đời sống kinh tế - xã hội ngày một thay đổi theo chiều hướng phong phú, thì các tranh chấp dân sự cũng phát sinh ngày càng nhiều. Trong khi đó, hệ thống Toà án chưa được đảm bảo nguồn lực cũng như cơ sở vật chất đầy đủ nên phải chịu áp lực công việc rất lớn. Do vậy, thực tiễn xét xử đòi hỏi cần phải cải cách thủ tục TTDS, xây dựng được một thủ tục đơn giản để áp dụng giải quyết đối với những vụ án đơn giản, có chứng cứ rõ ràng, giá ngạch thấp thì có thể nhanh chóng bảo vệ kịp thời quyền lợi hợp pháp của đương sự, tạo điều kiện cho Toà án tập trung thời gian và nguồn lực con người vào những vụ khó khăn, phức tạp hơn, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Tòa án nhiều hơn nữa.
TANDTC tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến để xây dựng thủ tục rút gọn trong BLTTDS (sửa đổi)
Bổ sung thủ tục rút gọn trong BLTTDS (sửa đổi)
Là đơn vị được UBTVQH giao trách nhiệm chủ trì xây dựng BLTTDS (sửa đổi), TANDTC đã tổ chức tổng kết thực tiễn, tổ chức các buổi hội thảo, tòa đàm, lấy ý kiến đóng góp và xây dựng Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) nói chung và vấn đề thủ tục rút gọn trong TTDS nói riêng. Dự thảo BLTTDS đã dành Chương XV để quy định về phạm vi áp dụng, điều kiện áp dụng, trình tự thủ tục, phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn, hiệu lực của bản án, quyết định theo thủ tục rút gọn nhằm rút ngắn về thời gian và thủ tục so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhưng vẫn bảo đảm giải quyết vụ án đúng pháp luật.
Điều 263 của Dự thảo quy định, Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết các vụ án dân sự khi có đủ các điều kiện: Tài sản tranh chấp có giá trị dưới 200 triệu đồng; tài liệu, chứng cứ được các bên xác nhận, không tranh chấp, không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; các đương sự đều có nơi cư trú rõ ràng và không có yếu tố nước ngoài; nguyên đơn đề nghị áp dụng thủ tục rút gọn hoặc các đương sự yêu cầu áp dụng thủ tục rút gọn. Về phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn, Điều 266 của Dự thảo quy định: Sau khi khai mạc phiên tòa, Tòa án tiến hành hòa giải. Trường hợp đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự. Trường hợp đương sự không thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Tòa án tiến hành xét xử. Trong trường hợp tại phiên tòa mà phát sinh tình tiết mới làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn thì Thẩm phán xem xét, quyết định chuyển sang giải quyết vụ án theo thủ tục thông thường và thời hạn chuẩn bị xét xử được bắt đầu lại từ đầu.
Về hiệu lực của bản án, quyết định theo thủ tục rút gọn, hiện nay TANDTC xây dựng theo 2 phương án: Phương án 1 - Bản án, quyết định của Toà án theo thủ tục rút gọn có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. Phương án 2 - Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án theo thủ tục rút gọn có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật này. Việc xem xét thủ tục phúc thẩm đối với vụ án đã xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn được tiến hành như thủ tục chung. Bản án, quyết định theo thủ tục rút gọn có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm mà pháp luật đã quy định.
Theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình - Trưởng Ban soạn thảo Dự án BLTTDS (sửa đổi) thì: Giải quyết vụ việc dân sự theo thủ tục đơn giản sẽ giảm nhẹ đáng kể gánh nặng chi phí tố tụng cho các đương sự; giảm về thời gian tiến hành tố tụng; đảm bảo tính thuận lợi đối với người dân và Tòa án, tạo điều kiện cho Thẩm phán chủ động giải quyết vụ việc một cách linh hoạt. Khi áp dụng thủ tục này sẽ giải quyết nhanh chóng các vi phạm hoặc các tranh chấp, bất đồng nảy sinh, góp phần ổn định các quan hệ xã hội. Bên cạnh đó, việc giải quyết theo thủ tục rút gọn sẽ khuyến khích người dân sử dụng Tòa án như là một cách thức có hiệu quả để giải quyết tranh chấp; từ đó hạn chế việc người dân sử dụng các cách thức tiêu cực khác để giải quyết tranh chấp như: Bắt nợ, đòi nợ thuê... Khi áp dụng thủ tục rút gọn sẽ bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, giúp người dân tiến gần hơn tới công lý và góp phần nâng cao chất lượng nền tư pháp quốc gia trong công cuộc cải cách tư pháp.